Ông Park và chuyến du hành hạnh phúc cùng Việt Nam

Nếu chỉ tính từ lúc đất nước về một mối thì trận thắng trước Syria là một bước ngoặt lịch sử, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có mặt ở bán kết ASIAD. Tuy nhiên, nếu tính cả quãng thời gian trước đó, đội tuyển Nam Việt Nam đã làm được điều này. Nói vậy để hiểu, người hâm mộ Việt Nam hạnh phúc thế nào khi lại được nhìn đội bóng của mình chơi tưng bừng và có thành tích tốt đến vậy.

Tất nhiên, với truyền thống tôn sư trọng đạo: “Không thầy đố mày làm nên”, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng đã được ngưỡng mộ, kính trọng hết mực.

Và chính vị huấn luyện viên người Hàn này cũng đã từng bày tỏ sự hạnh phúc khi làm việc với đội bóng Việt Nam, vợ ông thậm chí đã khóc khi thấy chồng mình được tôn vinh ở ngày U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu. Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao ông Park lại quyết tâm đến vậy với đội bóng đất nước hình chữ S. Bởi họ không biết rằng, cũng chính tại ASIAD, ông Park đã đau đớn đến dường nào khi bị cả Hàn Quốc quay lưng khi đang đứng ở đỉnh cao vinh quang.

Trước đó 16 năm, HLV người Hàn Quốc đã hứng chịu vô vàn chỉ trích cũng tại đấu trường này. Ông không thể thay đổi số phận của một số cầu thủ, khiến họ phải lên đường... nhập ngũ.

Ngày đó, sau thành công rực rỡ tại World Cup 2002 với vai trò trợ lý, hỗ trợ đắc lực cho HLV Guus Hiddink bên cạnh Pim Verbech và Chung Hae-seong. Ông Park đã được Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc (KFA) chọn làm thuyền trưởng của đội bóng xứ kim chi ngay trên sân nhà.

Thầy trò chung một niềm vui

Thầy trò chung một niềm vui

Với một đội hình toàn hảo thủ vừa dự World Cup đạt danh hiệu đệ tứ anh hào như Park Ji-sung, Lee Chun-soo, Choi Tae-uk, Lee Young-pyo... Mục tiêu của đội Olympic Hàn Quốc không gì khác ngoài tấm huy chương vàng ở đại hội. Người Hàn tin tưởng vào thành công của đội bóng quốc dân đến độ, họ luôn tin rằng chân sút khét tiếng Lee Dong-gook được bổ sung vào đội hình sẽ có một tương lai rạng rỡ thay vì phải thi hành luật nghĩa vụ đầy khắt khe của quốc gia này.

Nhưng, đời không như là mơ. Thể thao không chỉ là hay mà còn phải may.

Đội bóng dưới sự dẫn dắt của ông Park Hang-seo đã không thể có được chiếc huy chương vàng, bất chấp những tên tuổi lẫy lừng vừa thành công ở World Cup trước đó. Hàn Quốc đã thua thảm trước Iran và chỉ có thể đoạt huy chương đồng sau khi thắng Thái Lan. Lee Dong-gook đã phải lên đường nhập ngũ trong sự luyến tiếc của người hâm mộ. Sự giận dữ trút hết lên vai ông thầy nhỏ thó mang tên Park Hang-seo.

Tấm huy chương đồng năm đó đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống bóng đá của Park Hang-seo. Sự nghiệp của huấn luyện viên đến từ Sancheong đi xuống. Ông mất đi sự tin tưởng từ các CLB hàng đầu Hàn Quốc. Không một đội bóng nào ở giải chuyên nghiệp còn ngó ngàng đến ông. Ông chỉ còn có thể gắn bó với một số đội bóng hạng dưới để nuôi dưỡng đam mê của mình. Từ đỉnh cao, từ vị trí người được tung hô ngay sau World Cup, Park Hang-seo bị ghẻ lạnh đến độ ông thầy người Hàn từng chua chát thốt lên: “Tôi đã gần như biến mất khỏi đời sống bóng đá Hàn Quốc”.

Mười sáu năm, đó là một quãng thời gian dài đằng đẵng để gặm nhấm nỗi đau. Mười sáu năm, đó cũng là quãng thời gian dài để hun đúc ước muốn chứng minh mình không bất tài của vị huấn luyện viên người Hàn này.

Mười sáu năm, và Việt Nam hay chính xác hơn là bầu Đức, người đã tìm đến và trao cho ông cơ hội để làm lại mình. Cũng như ở Hàn, ngày ông đến nhiều người ngay trong VFF cũng đã chẳng coi trọng ông. Chính vì vậy, ngay sau mỗi thành công, ông thầy người Hàn đã không kìm được nước mắt ngay trong các buổi họp báo. Ông cảm ơn học trò, ông tìm lên tận Gia Lai để cảm ơn bầu Đức.

Bởi nói không ngoa, trên bước đường thành công của mình, có dấu ấn của những cầu thủ, ông bầu người Việt. Thể thao quả là may hơn hay. Nhưng để có được cái may ấy, đầu tiên phải là không bỏ cuộc. HLV Park Hang-seo đã chứng minh điều ấy.

Chúng ta cùng cảm ơn nhau vậy, thầy Park ạ.

Bảo Trân - Ảnh: Bạch Dương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ong-park-va-chuyen-du-hanh-hanh-phuc-cung-viet-nam-15190.html