Ông Obama giải thích lý do ông né thương chiến với Trung Quốc

Ông Obama nói ông không phát động thương chiến với Trung Quốc vì thời điểm đó ông cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để vực dậy kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Trao đổi với tạp chí The Atlantic trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có đề cập lý do ông không phát động thương chiến với Trung Quốc trong thời gian mình còn ở Nhà Trắng.

Ông Obama: Tránh thương chiến với Trung Quốc vì kinh tế thế giới

Ông Obama nói ông có thể đã “rắn hơn nhiều” với Trung Quốc về các vấn đề thương mại nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Theo ông, vai trò của Trung Quốc trong việc giúp hồi phục kinh tế toàn cầu từ cuộc khủng hoảng – vốn có một phần lớn nguyên nhân từ việc vỡ nợ thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ - đã “ngăn cản” ông ra tay xử lý “các chính sách trọng thương vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế” của Trung Quốc.

“Tôi không thể xúc tiến một cuộc thương chiến vào năm 2009 hay năm 2010. Thời điểm đó tôi cần sự hợp tác của Trung Quốc cũng như của châu Âu cũng như mọi cỗ máy tăng trưởng tiềm năng khác, chỉ để tái khởi động kinh tế toàn cầu” – cựu Tổng thống Obama nói với The Atlantic.

Trong cuốn hồi ký A Promised Land (tạm dịch: Vùng đất hứa) vừa ra mắt mấy ngày trước, ông Obama đề cập tới vai trò của kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục của Trung Quốc trong việc hỗ trợ kinh tế toàn cầu vào những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.

A Promised Land là cuốn đầu tiên trong hai cuốn hồi ký tổng thống của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: TNS

A Promised Land là cuốn đầu tiên trong hai cuốn hồi ký tổng thống của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: TNS

Ông viết rằng chính điều này đã kiềm chế ông buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc “né tránh, bẻ cong, hoặc phá vỡ mọi quy tắc thương mại quốc tế đã được thống nhất”.

Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ làm việc với các nền kinh tế phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chính – cú sốc lớn nhất với kinh tế toàn cầu kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, hàng chục ngàn nhà máy ở khu Đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc – được xem là công xưởng của thế giới – đã phải đóng cửa vì xuất khẩu giảm mạnh, hàng ngàn công nhân đổ ra đường yêu cầu các chính quyền địa phương phải choàng lương cho họ.

Tháng 11-2008, Trung Quốc công bố kế hoạch giải cứu kỷ lục 4.000 tỉ nhân dân tệ (586 tỉ USD) đầu tư vào các dự án hạ tầng và xã hội, cùng với cắt giảm thuế doanh nghiệp. Cùng thời gian đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất hơn 1%, mức cắt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Gói giải cứu này đã nhanh chóng khôi phục tăng trưởng Trung Quốc, nhưng cũng làm bùng nổ tín dụng trong nước.

“Để kéo chính chúng ta và phần còn lại của thế giới thoát khỏi suy thoái, chúng ta cần nền kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc, chứ không phải ngược lại” – theo ông Obama.

“Trung Quốc sẽ không thay đổi các phương thức thương mại nếu không có áp lực từ chính quyền của tôi. Tôi phải đảm bảo rằng chúng ta không khơi mào một cuộc chiến thương mại đưa cả thế giới rơi vào suy thoái và làm tổn hại đến chính những người lao động mà tôi đã thề sẽ giúp đỡ” – ông Obama viết trong cuốn hồi ký A Promised Land.

Từng xem xét chuyện mất cân bằng thương mại

Công du đến Trung Quốc năm 2009, ông Obama đã đề cập đến các vấn đề xung quanh "sự mất cân bằng thương mại khổng lồ" và sự “thao túng tiền tệ và các hành vi không công bằng khác của Trung Quốc” trong cuộc gặp với ông Ôn Gia Bảo - Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ.

Trong sắc thái về những gì sẽ xảy ra với người tiền nhiệm Donald Trump gần một thập kỷ sau, ông viết rằng ông Ôn Gia Bảo “đề nghị tôi chỉ cho ông ấy danh sách các sản phẩm của Mỹ mà chúng tôi muốn Trung Quốc mua nhiều hơn và ông ấy sẽ xem mình có thể làm gì”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) được Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiếp trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2009. Ảnh: THX

Ông Obama viết rằng lúc đó ông Ôn Gia Bảo đã “đề nghị tôi đưa cho ông ấy danh sách các sản phẩm của Mỹ mà chúng tôi muốn Trung Quốc mua thêm, và ông ấy sẽ cân nhắc xem mình có thể làm được gì”. Tiết lộ này cho thấy từ một thập niên trước ông Obama và phía Trung Quốc đã có bàn đến chuyện mất cân bằng thương mại hai bên - điều người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump nêu ra làm một trong những lý do ông xúc tiến thương chiến với Trung Quốc.

“Tôi cảm thấy như mình đang mặc cả giá thịt gà tại một quầy hàng trong chợ hơn là đàm phán chính sách thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới” – ông Obama viết.

Ông Biden sẽ làm gì?

Nhiều cựu quan chức Mỹ chỉ trích cả Trung Quốc và chính phủ ông Trump đã kéo nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc chiến thương mại mà sau đó đã trở nên sâu sắc và có thể xem như một cuộc chiến tranh lạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới của hãng tin Bloomberg ngày 17-11, ông Gary John – người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ thời gian 2017-2018 nói ông không nghĩ biện pháp thuế quan thương mại có tác dụng, vì Mỹ vẫn tiếp tục chịu cảnh thâm hụt thương mại kỷ lục, bất chấp thương chiến với Trung Quốc.

“Tất cả những gì chúng ta làm là đánh thuế tiêu dùng vào người tiêu dùng Mỹ, khiến những hàng hóa đó trở nên đắt hơn. Chưa có lúc nào cuộc thương chiến tạo động lực kinh tế kích khích người ta di chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ” – theo ông Cohn.

Bà Charlene Barshefsky - cựu Đại diện Thương mại Mỹ, người giám sát các cuộc đàm phán song phương gian nan về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, cho rằng cách ông Trump xử lý quan hệ Mỹ - Trung là "nghèo nàn".

Tuy nhiên bà Barsheefsky cũng thừa nhận chuyện xảy ra “một vụ nổ” trong quan hệ hai nước thời điểm ông Trump làm tổng thống Mỹ là không ngạc nhiên. Thực tế là thời điểm đó các căng thẳng ngấm ngầm giữa hai bên đã cực kỳ cao và là điều bất kỳ ai vào Nhà Trắng lúc đó cũng phải giải quyết, chủ yếu vì các điều kiện đối với các công ty đa quốc gia hoạt động ở Trung Quốc tồi tệ thêm theo thời gian, chứ không phải tốt hơn, theo bà Barsheefsky.

Vẫn còn phải xem liệu ông Joe Biden - người từng là phó tổng thống của ông Obama suốt tám năm sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc hay không.

Theo bà Barsheefsky, trách nhiệm của cả ông Biden lẫn ông Tập Cận Bình – chủ tịch Trung Quốc – sắp tới đây rất nặng nề, nhưng bà cũng tin tưởng ông Biden có khả năng uốn nắn quan hệ giữa hai siêu cường.

“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là Tập Cận Bình cũng thể hiện thiện chí. Tôi nghĩ rằng ông Joe Biden – vì không phải là người châm lửa, không sử dụng rìu thịt cho chính sách - sẽ là một đối tác hiệu quả hơn cho ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên ông Tập Cận Bình cần phải là một đối tác hiệu quả hơn cho Joe Biden” – bà Barshefsky nói tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg.

Tuy nhiên chưa thể đảm bảo thực tế sẽ thế nào khi ngày 16-11 ông Biden tuyên bố ông sẽ hợp tác với các nền dân chủ khác để ngăn chặn Trung Quốc.

“Ý tưởng chọc ngoáy vào mắt bạn bè và ôm lấy các nhà chuyên quyền không có ý nghĩa gì đối với tôi” - ông Biden nói tại cuộc họp báo ở Wilmington, bang Delaware (Mỹ) ngày 16-11.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ong-obama-giai-thich-ly-do-ong-ne-thuong-chien-voi-trung-quoc-950741.html