'Ông nhân nghĩa'

Hay tin ông Sủng bị kim tiêm đâm vào bàn chân trong lúc đi nhặt rác ở ngoài bờ mương và phải nằm bệnh viện, người dân thôn Vực không khỏi xót xa, ái ngại. Người ta lo lắng cho ông, bởi lỡ mũi tiêm kia mang vi-rút bệnh tật thì thật là tai hại, phải điều trị phơi nhiễm. Nhiều người trong thôn rủ nhau vào thăm, nhìn ông nằm trên giường bệnh, nhưng tinh thần vẫn lạc quan, lại còn quay sang cười vui, tếu táo với mọi người:

Văn hóa và Đạo đức

- Bà con đừng lo nhé, bom đạn chiến tranh còn phải chịu tôi mà!

Mọi người nghe vậy cũng yên tâm đôi chút, còn bà Lạc, vợ ông thì lụi cụi pha sữa, ngồi ân cần bón từng thìa cho chồng. Lát sau, cậu cả Sang, dẫn đứa cháu đến bên giường ông nội véo von trò chuyện. Từ hôm ông Sủng nhập viện, không khí phòng bệnh nơi ông nằm dường như cũng rộn rã tiếng cười hơn. Ông mang đến bầu không khí vui tươi, yêu đời của một cựu chiến binh đã từng kinh qua những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Còn nhớ, hơn 40 năm trước, ông Sủng hăng hái lên đường nhập ngũ, đóng quân ở điểm chốt biên giới ác liệt. Không ít đồng đội của ông anh dũng hy sinh. Bản thân ông bị mảnh đạn găm vào tay trái, phải tháo bỏ hẳn cánh tay. Trở về quê nhà, ông được người con gái cùng làng cảm mến, yêu thương, rồi đồng ý lấy làm chồng, là bà Lạc bây giờ. Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng gặp không ít nhọc nhằn, vất vả. Với tiền trợ cấp thương tật không nhiều, vợ ông không có nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, "giật gấu, vá vai" tằn tiện chi tiêu. Cũng nhờ quyết tâm và lao động cật lực mà hai vợ chồng ông dần vượt qua nghèo khó, là tấm gương cho người dân trong làng, trong xã noi theo. Ông bà sinh được hai người con, một trai, một gái. Cô con gái út lấy chồng ở xa, còn cậu cả Sang cưới vợ cùng xã, giờ đã có đứa con trai lên ba tuổi. Cậu Sang xin vào làm công nhân sản xuất thiết bị điện cách nhà gần bốn cây số, thu nhập tạm ổn. Ông Sủng, bà Lạc tuy không còn trẻ, nhưng vẫn hằng ngày miệt mài làm vườn, trồng rau xanh mang ra chợ bán. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, thư giãn, ông chỉ cười hiền lành trả lời: "Mình còn sức còn làm việc đỡ đần cho con cháu!".

Không chỉ nỗ lực lo cho gia đình, ông Sủng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương. Bản thân ông hăng hái cùng lực lượng bảo vệ, dân phòng tích cực vận động người dân giữ gìn an ninh, trật tự xóm, thôn. Hằng ngày, ông thường xuyên đi vận động người dân giữ vệ sinh và trực tiếp tham gia quét dọn đường đi, lối lại trong xóm sạch sẽ tinh tươm. Sau các vụ thu hoạch rau và hoa quả, vợ chồng ông Sủng thường góp tiền vào các quỹ từ thiện của làng, xã giúp đỡ người có hoàn cảnh éo le hoặc trao quà tặng các em nhỏ vượt khó học giỏi. Nhờ việc làm tốt đẹp ấy mà dân làng gọi ông Sủng một cách trìu mến là "Ông nhân nghĩa".

QUANG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/40942902-%E2%80%9Cong-nhan-nghia%E2%80%9D.html