Ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp cần sự tiếp sức

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có mức tăng tưởng cao nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ngày càng gia tăng của thị trường và quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm cũng còn nhiều khó khăn.

Duy trì đà tăng trưởng

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, năm qua, ngành nông nghiệp trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, giá nông sản, thực phẩm nhất là thịt lợn giảm mạnh, tác động tiêu cực tới chăn nuôi và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành lương thực, thực phẩm. Thêm vào đó chi phí đầu vào tăng cao cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong ngành gặp rất nhiều bất lợi.

Mặc dù vậy, theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, tuy khó khăn nhưng cộng đồng DN đã tìm cách vươn lên, đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như cà phê, điều, trà, rau củ quả… tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của TP. Hồ Chí Minh đạt 3.724,6 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2016; trong đó xuất khẩu rau quả tăng tới 23,8% so với năm trước khi đạt 489,8 triệu USD. Về thủy sản, thành phố xuất khẩu đạt 835,5 triệu USD.

Bên cạnh đó, chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực phẩm TP. Hồ Chí Minh năm 2017 tăng 4,6% so với năm 2016. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp luôn giữ mức tăng trưởng 18,5%. “Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến lương thực thực phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố. Trong đó phải kể đến hơn 1.000 hội viên của Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh luôn tích cực trong việc phủ kín hàng hóa trên các kênh phân phối truyền thống hay các chương trình hàng bình ổn giá” - bà Lý Kim Chi cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Chi, ngoài những thành tích đã đạt được, ngành lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, trong khi các DN Việt Nam đa số là các DN nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó

Để giảm bớt “lực cản” trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiếp sức cho DN lương thực thực phẩm, nhiều DN đề xuất chính quyền thành phố cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Ông Trần Văn Tuấn - chủ một DN sản xuất thực phẩm chế biến ở quận 5 - đề xuất, để hỗ trợ thiết thực cho DN, thành phố cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN như đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà, rút ngắn thời gian cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối tượng DN nhỏ và vừa.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lan - đại diện một DN chế biến lương thực ở quận Bình Thạnh - nêu, các DN chế biến lương thực thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh đang rất vất vả trong công đoạn “tìm đầu ra” cho sản phẩm. Vì vậy thành phố cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, giảm lượng hàng tồn kho cho DN.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho các DN có thương hiệu nội địa bán lẻ mạnh có cơ hội mở rộng thêm quy mô mạng lưới cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh thành trong nước để có thêm điều kiện tiêu thụ hàng hóa do DN sản xuất.

Tiếp sức cho các DN lương thực thực phẩm của thành phố bằng những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề nghị các DN cần tự lực vươn lên, chủ động nắm vững các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về an toàn thực phẩm, nhất là những DN có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trong nhiều DN, cần khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Huỳnh Trang - đối với các doanh nghiệp đang thiếu vốn, khó khăn khi vay vốn, khó khăn về đầu ra hay gặp trở ngại khi xuất nhập khẩu hàng hóa…, DN cần liên hệ trực tiếp với Sở Công Thương để sở phối hợp với các sở ngành khách cũng tháo gỡ. “Đối với những vấn đề vượt tầm, sở sẽ kiến nghị thành phố giải quyết sớm nhất có thể cho DN” - bà Nguyễn Huỳnh Trang cam kết.

Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nga-nh-luong-thu-c-thu-c-pha-m-tp-ho-chi-minh-doanh-nghiep-ca-n-su-tie-p-su-c.html