Ông Nguyễn Hoàng Anh và 'Siêu ủy ban' quản lý 1,5 triệu tỷ trước 'giờ G'

'Siêu ủy ban' quản lý vốn Nhà nước sẽ chính thức đi vào tháng 10 tới và quản lý 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 50% giá trị vốn Nhà nước tại DN. Chuyên gia cho rằng người quản lý 'siêu ủy ban' phải là người kỹ trị, chứ không phải nhà chính trị. Ông Nguyễn Hoàng Anh được bổ nhiệm làm Chủ tịch là cựu Bí thư tỉnh Cao Bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ảnh: Báo Lao Động)

Doanh nghiệp về “Siêu ủy ban” quản lý 1,5 triệu tỷ “khủng” cỡ nào?

Trong một cuộc họp diễn ra đầu tháng 9.2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm tạo điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động trong tháng 10.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng sẽ được chuyển giao về "Siêu ủy ban" (Ảnh minh họa)

Trong danh sách này, 7 tập đoàn có tên trong Dự thảo (lần 1) Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn được giữ nguyên, bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

11 tổng công ty có tên trong Dự thảo (lần 1) cũng có tên trong danh sách này là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về "siêu ủy ban" do ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DNNN.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đứng đầu danh sách chuyển giao về “Siêu ủy ban” quản lý vốn - sở hữu vốn tại 136 doanh nghiệp, gồm 129 công ty cổ phần (Ảnh minh họa)

Trong số 19 doanh nghiệp nêu trên, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đứng đầu danh sách chuyển giao về “Siêu ủy ban” quản lý vốn - sở hữu vốn tại 136 doanh nghiệp, gồm 129 công ty cổ phần. Trong danh sách công ty do SCIC sở hữu vốn có 20 đơn vị bị giám sát đặc biệt.

6 tháng đầu năm 2018, SCIC ghi nhận doanh thu cổ tức đạt 1.220 tỷ đồng, tương đương 49% kế hoạch năm. Doanh thu tài chính đạt 715 tỷ đồng, thực hiện 55% chỉ tiêu.

Riêng nguồn thu từ hoạt động bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm Nhựa Bình Minh), SCIC đạt 2.669 tỷ đồng, chiếm 48% tổng thu từ bán cổ phần cả nước (5.598 tỷ đồng).

Trong 6 tháng, công ty lãi sau thuế 1.923 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.513 tỷ đồng và nộp quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 2.818 tỷ đồng.

Năm 2018, SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, SCIC sẽ tích cực đẩy mạnh hiệu quả bán vốn doanh nghiệp, trọng tâm là một số công ty lớn như Vinaconex, Vocarimex, Domesco, Vina Control…

18 Tập đoàn ,Tổng Công ty Nhà nước còn lại được chuyển giao về “Siêu ủy ban” đều là các DN hàng đầu thuộc các ngành công nghiệp quan trọng như điện, than, dầu khí, viễn thông...

SCIC về “Siêu ủy ban”, lo Nhà nước nhỏ trong Nhà nước lớn

Có chức năng khá tương đồng với “Siêu ủy ban”, song Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ không còn trực thuộc Bộ Tài chính mà chuyển về “Siêu ủy ban” do ông Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch. Và SCIC vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ một số doanh nghiệp đặc thù.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: VGP)

Điều này khiến ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lo ngại sự chồng chéo này sẽ dễ dẫn đến "một nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn" khi đưa SCIC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Theo đó, khi lập "Siêu ủy ban” quản lý lượng vốn lớn của các tập đoàn của Nhà nước, mục đích đặt ra là khắc phục tình trạng vừa đá vừa thổi còi. Mục đích tiếp theo là quan trọng làm sao quản lý và sử dụng vốn Nhà nước hiệu quả. Vì thế Dự thảo đã giao chức năng quan trọng cho Ủy ban, phải bảo đảm an toàn khối lượng tài sản lớn của Nhà nước.

Ông Hùng phân tích dự thảo về hoạt động của "Siêu ủy ban” nơi ông Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch vẫn giao SCIC đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp chuyển giao từ các bộ, ngành. Tuy nhiên, Ủy ban cũng đại diện các doanh nghiệp chủ sở hữu. Điều này dẫn đến sự chồng chéo là trong ủy ban có đại diện chủ sở hữu khác.

"Như vậy, tôi băn khoăn liệu chúng ta có tạo nên nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn? Trách nhiệm SCIC với việc chung thế nào? Vai trò Ủy ban quản lý vốn Nhà nước với các doanh nghiệp mà SCIC đại diện chủ sở hữu thế nào? Đây là vấn đề cần rõ ràng minh bạch để Ủy ban hoạt động tốt, SCIC phát huy tác dụng hiệu quả", ông Hùng nói.

Gánh nặng trên vai người quản lý 1,5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước

Vào đầu tháng 1.2018, khi Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đáng chú ý có bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh Cao Bằng giữ chức chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Đi kèm với đó là danh sách 30 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dự kiến chuyển giao cho Ủy ban Quản lý vốn và tài sản Nhà nước với quy mô vốn và tài sản tại các doanh nghệp lên tới 5 triệu tỷ đồng, PV Dân Việt khi đó đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Ông Tuấn đặt vấn đề: “5 triệu tỷ đồng là một lượng tài sản quá lớn. Đó là sự thách thức về năng lực quản trị đối với Ủy ban. Việt Nam liệu đã có nhà quản trị nào đủ sức quản lý lượng tài sản này một cách hiệu quả?”

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, số vốn này không chỉ tập trung trong một ngành, chúng nằm ở rất nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dầu khí, diện lực… Liệu người đứng đầu có đủ hiểu biết và năng lực chuyên môn để quản lý không?

Ở Việt Nam, không tính khu vực Nhà nước, để tìm được 1 người xuất sắc đủ sức quản trị một doanh nghiệp đã là khó. Ngay cả những tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng chỉ quản lý lượng tài sản bằng 1/10, 1/15 con số khổng lổ nêu trên đã gặp vấn đề.

“Giờ giao cho một người xưa nay làm công tác lãnh đạo chính trị sang quản lý 5 triệu tỷ đồng tài sản liệu có đủ sức quản lý không? Trước đó, trách nhiệm quản lý thuộc riêng từng Bộ. Bộ Công Thương mới chỉ quản lý một phần của con số 5 triệu tỷ đồng này còn chưa làm hiệu quả. Giờ gom cả tài sản của các Bộ khác, cả SCIC về thì làm sao có thể quản lý nổi?”, ông Tuấn liên tiếp đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Về hoạt động quản lý, điều hành Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nơi ông Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, thành công và hiệu quả của Ủy ban phụ thuộc phần lớn vào người quản lý.

“Đó phải là những người kỹ trị, chứ không phải là nhà chính trị. Người làm chính trị nhưng nếu không có kĩ năng, không am hiểu thị trường, thấu hiểu các nguyên tắc trên thị trường, cách quản lý cơ bản thì không thể làm được. Cách chúng ta đảo lộn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến tôi không yên tâm”, bà Chi Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong báo cáo 2035, các chuyên gia kiến nghị Việt Nam chỉ nên duy trì 20 DNNN, lúc đó không cần đến “Siêu ủy ban”. Lấy ví dụ từ nước Pháp, bà Lan cho biết Pháp chỉ có hơn 20 DNNN nhưng mỗi DN đều hoạt động rất đặc thù, có cơ chế, luật pháp riêng. Với Việt Nam, từ nay đến năm 2035 là rất dài, nên cần một Ủy ban như vậy.

Hoàng Thắng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ong-nguyen-hoang-anh-va-sieu-uy-ban-quan-ly-15-trieu-ty-truoc-gio-g-915774.html