Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu lý do đánh giá tham nhũng tại bộ, ngành gặp khó

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ tiêu chí cụ thể.

Chiều 16/9, trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ tiêu chí cụ thể".

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng

Đề cập lĩnh vực thanh tra, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương được sử dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về “Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng”. Việc sửa đổi, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo chưa kịp thời.

Vẫn còn vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài đang được tiếp tục rà soát, giải quyết mặc dù hơn 8 năm từ khi đưa vào kế hoạch. Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có Bộ tiêu chí cụ thể”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Lĩnh vực nội vụ cho thấy, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và sắp xếp đơn vị hành chính được tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả bước đầu; hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên.

Vi vậy, việc ban hành một số văn bản theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội chưa hoàn thành, vẫn còn nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết; còn xảy ra tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm.

Chưa rõ khi nào hoàn thành thu phí tự động

Với lĩnh vực giao thông vận tải, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Việc lập các quy hoạch ngành Quốc gia trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai.

Cơ cấu thị phần vận tải có bước chuyển dịch tích cực. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, xóa lối đi tự mở qua đường sắt được tập trung xử lý. Tình hình tai nạn giao thông trên phạm vi toàn quốc giảm cả 3 tiêu chí qua từng năm theo Nghị quyết của Quốc hội.

"Tuy nhiên, chưa trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc – Nam như theo tiến độ yêu cầu. Việc giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Công tác triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT chậm 2 năm so với yêu cầu, hiện chưa rõ thời gian hoàn thành”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hành vi tiêu cực của người thi hành công vụ khi xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra. Tình hình chống người thi hành công vụ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ong-nguyen-hanh-phuc-neu-ly-do-danh-gia-tham-nhung-tai-bo-nganh-gap-kho-ar570002.html