'Ông Nghẹ nước sạch'

Đó là cái tên mà người dân địa phương mến gọi cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Nghẹ, ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương).

Trong cuộc họp gia đình bàn công việc cuối năm 2018, CCB Phạm Văn Nghẹ nói với các con: "Cả thời thanh xuân, bố đã đi trong đoàn quân cứu nước. Nay sắp bước vào tuổi cổ lai hy, bố giao "việc nước" mà bố đang chủ trì cho anh cả Căn. Các con phải cùng anh cả tiếp tục đưa dòng nước sạch làm mát lòng người dân xã Hưng Đạo quê mình và cả với bà con ở các vùng quê khác".

Ông Phạm Văn Nghẹ (thứ ba, từ trái sang) cùng các bạn đồng ngũ trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới.

Một thời chiến trận

Ngày 3-1-1971, chàng thanh niên Phạm Văn Nghẹ rời quê hương Lạc Dục lên đường nhập ngũ rồi trở thành cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới của Tiểu đoàn 636, Trung đoàn 2, Tỉnh đội Hải Dương (nay là Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) và thường xuyên đưa chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị ở chiến trường B.

Lần đầu tiên, vào dịp xuân-hè 1972, suốt gần hai tháng hành quân, đường đi thấm máu lẫn mồ hôi, Trung đội trưởng Phạm Văn Nghẹ cùng đồng đội, dưới sự điều hành của ban chỉ huy tiểu đoàn, đã giao 400 chiến sĩ cho Sư đoàn 308 tham gia chiến đấu trong "mùa hè đỏ lửa" tại chiến trường Quảng Trị… Sau giải phóng miền Nam, Phạm Văn Nghẹ được cử đi đào tạo cán bộ chỉ huy ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Phân hiệu Quảng Ninh). Tháng 2-1979, Thiếu úy Phạm Văn Nghẹ được phân công giữ chức Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát Sư đoàn 395 (Quân khu 3), tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Sau đó anh đảm nhiệm cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 258, Sư đoàn 395, làm nhiệm vụ ở một trong những nơi gian khổ bậc nhất thuộc vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Năm 1991, Trung đoàn 258 sáp nhập vào Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, một số cán bộ được điều động về ban CHQS các huyện, hoặc chuyển ngành... Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đại úy Phạm Văn Nghẹ đề nghị và được cấp trên đồng ý giải quyết cho nghỉ hưu.

Vì dòng nước sạch cho quê hương

Ông Nghẹ trở về địa phương, được Chi bộ Lạc Dục bầu làm bí thư nhiều khóa liên tục. Đến năm 2005, huyện Tứ Kỳ thực hiện chủ trương toàn dân sử dụng nước sạch; xã Hưng Đạo được trên đầu tư một trạm nước máy. Sau khi hoàn thành lắp đặt thiết bị, huyện giao xã Hưng Đạo quản lý, khai thác. Xã kêu gọi đầu tư tiếp giai đoạn 2, xây dựng hệ thống cấp nước từ trạm máy đến người tiêu dùng. Điều khó khăn là bà con nông dân bao đời nay dùng nước giếng làng, nên không hào hứng với nước sạch. Bởi vậy, những người có điều kiện tài chính không dám mạo hiểm đầu tư. Ông Nghẹ phân tích tình hình, khẳng định nước sạch sẽ “lên ngôi” khi mà công cuộc đổi mới đất nước đang tạo ra điều kiện tốt cải thiện đời sống nhân dân.

Không để thời cơ trôi đi, ông đứng ra nhận nhiệm vụ trước lãnh đạo xã, tập trung trí lực xúc tiến công việc mới mẻ, khó khăn này. Trở ngại lớn nhất khi xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân trong xã ở thời điểm ấy là tiền vốn. Không thể vay được ngân hàng vì không có yếu tố bảo đảm chắc chắn; dân quê ông chuyên trồng trọt, chăn nuôi, cơ bản chỉ ở mức đủ sống. Nghĩ thế, ông huy động anh em, bạn bè cho mượn tiền, vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn; khi có sản phẩm thì lấy ngắn nuôi dài, mở mang dần theo kiểu "đánh lấn". Trước tiên, ông đầu tư làm ở một thôn, khi thành công rồi thì bắt tay làm cho thôn khác. Dòng nước sạch từ công trình của ông len lỏi về các thôn xóm trong xã Hưng Đạo, sau lan ra các xã lân cận, như: Bình Lãng, Quang Phục, Tái Sơn, Ngọc Kỳ... Nhờ dòng nước sạch với công suất ngày một tăng, ông Nghẹ đã sớm hoàn trả toàn bộ số tiền vay mượn.

Quá trình làm "việc nước" trong thời kỳ đổi mới đã khơi thêm ý chí tiến công của CCB Phạm Văn Nghẹ. Từ năm 2010 đến 2015, ông nhận đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác thêm 5 trạm máy nước đầu mối khác thuộc tỉnh Hải Dương, mà trước đó đang ở vào tình trạng "đắp chiếu”. Đó là các trạm: Trùng Khánh (huyện Gia Lộc), Lê Hồng và Tân Trào (huyện Thanh Miện), Hà Thanh và Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ)...

Là chủ doanh nghiệp nước sạch, ông Phạm Văn Nghẹ còn giúp đỡ người nghèo và những gia cảnh khó khăn bằng cách tặng họ đồng hồ nước, giúp trọn gói từ cấp đồng hồ đến vận chuyển, lắp đặt... Từ năm 2015 đến nay, ông đã giúp hơn 100 hộ gia đình như thế, với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ong-nghe-nuoc-sach-556391