Ông Mai Tiến Dũng: 'Công khai minh bạch thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều'

'Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân muốn cám ơn cũng không biết đưa phong bì cho ai', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Ngày 15/8 là hạn chót trình Chính phủ phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh (giấy phép con) với nỗ lực đề ra là cắt giảm tối thiểu 50% trong tổng số 5.905 điều kiện.

Tại buổi công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2018) sáng 17/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến nay, về cơ bản các bộ đã trình các nghị định lên Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng về công tác cắt giảm giấy phép con, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối tháng 7/2018, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 900 trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh. Đáng chú ý, có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ điều kiện kinh doanh khá cao.

Chẳng hạn, phương án của Bộ Giao thông vận tải, tổng số điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%. Hay tổng số điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa là 49, đề xuất bỏ 34, sửa 2, bổ sung 3, đạt tỷ lệ 67,34%.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng có đến 89,4% điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh độc lập để rà soát, tránh cắt điều kiện này mọc ra điều kiện kia, tránh cắt theo kiểu cơ học.

“Kiểm tra chuyên ngành cũng vậy, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nhận kết quả của các nước phát triển, những gì không cần thiết phải cắt bỏ”, ông Dũng nói.

Theo chỉ số APCI 2018, nhóm thủ tục thuế hiện đang có chi phí thực hiện thấp nhất, trung bình chỉ khoảng 74.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng có chi phí cao nhất, trung bình lên tới hơn 64 triệu đồng.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, thực trạng có địa phương làm tốt và có nơi làm không tốt là do cán bộ, do người đứng đầu. Cho nên, kỳ vọng đầu tiên là tạo ra một bộ chỉ số đánh giá để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xây dựng thể chế, điều hành đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Theo các chuyên gia, với chỉ số APCI này, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, quá trình cũng như kết quả của việc cải cách thủ tục hành chính cũng cần được nhìn nhận ở hai chiều.

Ông Nguyễn Văn Thân.

Theo đó, cần làm tốt ở cả khâu các bộ, ngành, cơ quan nhà nước và ở cả các doanh nghiệp bởi lẽ nếu doanh nghiệp không hiểu và không biết thông tin về cải cách thủ tục hành chính thì chi phí không chính thức (phong bì, thiệp chúc mừng...) sẽ vẫn tồn tại.

Một đại diện khác đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nhìn nhận, cần có công cụ để truyền tải đến các doanh nghiệp những thông tin cần thiết về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Bà này cho rằng, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các Hiệp hội là cánh tay phải của Chính phủ để họ có thể thông tin và khuyến khích các doanh nghiệp trong chính tổ chức mình bởi lẽ nếu doanh nghiệp không nắm được thông tin, họ sẽ không thể đòi quyền lợi trong việc cải cách thủ tục hành chính.

"Các doanh nghiệp cũng phải tham gia vào cải cách, cần có cả trên đi xuống và dưới đi lên thì cải cách mới thành công được", vị đại diện này nhìn nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đánh giá, nếu không có sự đồng bộ từ trên xuống thì không ai muốn cải cách vì cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình.

"Công khai, minh bạch thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều. Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân muốn cám ơn cũng không biết đưa phong bì cho ai”, ông Dũng nói.

Đặc biệt, theo ông Dũng cũng nhấn mạnh tinh thần “chấp nhận va chạm” trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi “có rào cản mới cần cải cách”, “cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi”.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ong-mai-tien-dung-cong-khai-minh-bach-thi-chi-phi-lot-tay-se-giam-rat-nhieu-1534492842792.htm