Ông Mai Hữu Tín: Chúng tôi phải tính toán 'giết chết' thương hiệu gỗ Trường Thành sau khi mua lại

'Khi mua lại gỗ Trường Thành, chúng tôi phải cân nhắc, tính toán cách để 'giết chết' thương hiệu đó, vì khi đó, thương hiệu này đang có nhiều vấn đề, nhiều lỗi, có thể ảnh hưởng không tốt tới doanh nghiệp sau M&A' ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group chia sẻ quan điểm về việc phát triển thương hiệu hậu M&A.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại TP.HCM chiều 6/8, ông Mai Hữu Tín cho biết, U&I đã dành cả năm tính toán thay đổi tên Trường Thành mà vẫn giữ mã chứng khoán TTF. Cuối cùng, đội ngũ vận hành đưa ra quyết định đổi tên tiếng Anh của TTF là ToTal Furniture Corporation.

Khi đã xác định thay đổi để tạo dựng thương hiệu mới, trong trường hợp này là thương hiệu của doanh nghiệp chứ không phải thương hiệu một sản phẩm cụ thể thì phải xác định sẽ dành cho TTF bao nhiêu nguồn lực, bao nhiêu thời gian để vực dậy.

“Đó là lý do vì sao hiện nay, tôi là người điều hành tại TTF và dành gần như toàn bộ nguồn lực của mình cho nó. Chúng ta không thể làm thương hiệu mà không xác định được tầm nhìn hết sức rõ ràng và từ tầm nhìn đó ra được chiến lược”, ông Mai Hữu Tín nói và cho biết, U&I đã xác định rõ, TTF mới là công ty nội thất đứng hàng đầu châu Á dựa trên 3 giá trị cốt lõi là tốc độ, giá trị và sự minh bạch.

Thương vụ TTF với sứ Thiên Thanh hứa hẹn chỉ là một trong rất nhiều ví dụ sẽ diễn ra để “biến TTF thành thương hiệu nội thất số 1 Đông Nam Á”.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2019 (Ảnh: Lê Toàn).

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2019 (Ảnh: Lê Toàn).

U&I Group nhiều lần M&A và trong từng thương vụ đều xác lập giá trị thương hiệu đối tác khác nhau. Với thương hiệu mà ông Mai Hữu Tín đánh giá là “tốt” thì sự tự tin thực hiện thương vụ sẽ lớn hơn cũng như sẵn sàng đầu tư mạnh hơn.

Gần đây nhất, có thể nhắc đến việc CTCP Sứ Thiên Thanh sẽ được sáp nhập vào CTCP TTF (mã: TTF, thuộc U&I). Ông Tín lý giải thương vụ trên được thực hiện phần vì “rất yêu thích thương hiệu được sinh ra từ năm 1950 và Việt Nam rất ít thương hiệu lâu đời”.

Trong trường hợp chưa có thương hiệu đủ mạnh, U&I chọn cách hợp tác và phát triển song song với thương hiệu nước ngoài mà sản phẩm chuối của U&I Group là một ví dụ. Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là đối tác độc quyền của Tập đoàn Dole với danh tiếng 166 năm tuổi tại Việt Nam.

Theo đó, Unifarm sẽ là nhà cung ứng các sản phẩm cho Dole để xuất khẩu đến các thị trường khác. Còn tại Việt Nam, Unifarm trở thành đơn vị phân phối độc quyền cho Dole.

“Tại hệ thống các siêu thị, chuối mang thương hiệu Dole và Unifarm đều được trồng và thu hoạch từ cùng trang trại, tương đồng chất lượng. Tuy nhiên, giá của Dole bán cao hơn 20%”, ông Mai Hữu Tín cho biết.

Năm 2011, Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee mua 100% cổ phần Phở 24, khi đó, ông Tín là một trong số các cổ đông như nhà sáng lập Vinacapital. Nhưng chia sẻ tại Diễn đàn, ông Mai Hữu Tín cảm thấy xót xa khi “người mới không làm được những việc mà chúng tôi đã làm”.

Khi mua một doanh nghiệp và đưa ra định giá, ông Tín cho biết, U&I sẽ không đưa ra mức vượt qua khung bình quân của ngành. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ khi họ thực hiện thương vụ mua lại bồn nước Toàn Mỹ 2 năm trước.

“Tôi nhớ, PE lúc đó với ngành sản xuất cơ khí chỉ khoảng 7-8, mà chúng tôi trả lên 11, vì Toàn Mỹ có giá trị thương hiệu tốt nhất trong ngành sản xuất lúc đó. Đó là quyết định chính xác. Đến nay, Toàn Mỹ là thương hiệu số 1 về chất lượng trong thị trường bồn nước”, Chủ tịch U&I chia sẻ và tin tưởng rằng, những giá trị đứng sau thương hiệu mới tạo ra giá trị thương hiệu đó chứ không phải đơn giản chỉ là cái tên.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ong-mai-huu-tin-chung-toi-phai-tinh-toan-giet-chet-thuong-hieu-go-truong-thanh-sau-khi-mua-lai-d105064.html