Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội: Luật chơi phải tiếp cận quốc tế

Thị trường mênh mông, cơ hội lớn nhưng điểm nghẽn thì nhiều và từ nhiều phía. Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh), Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trường vận tải hàng không Việt Nam cần thể chế đầy đủ, minh bạch, tạo ra sự thông thoáng, một sân chơi bình đẳng, trong đó, luật chơi phải tiếp cận quốc tế, dựa trên hệ thống quy hoạch chung.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thị trường hàng không đã và đang xuất hiện thêm nhiều hãng hàng không mới, có ý kiến cho rằng, lĩnh vực này đang phát triển "nóng", quan điểm của ông về vấn đề này thế nào. Theo ông, dư địa phát triển của thị trường hàng không trong thời gian tới còn không ?

- Nhu cầu phát triển hàng không là tất yếu dựa trên các quyền về tự do con người và tự do kinh doanh nhưng cần có định hướng, chiến lược phát triển chung cho ngành hàng không. Tuy có nhiều thách thức nhưng lĩnh vực này có dư địa phát triển lớn. Ở một góc độ nào đó, thị trường vận tải hàng không của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Trong tương lai, ngành hàng không sẽ không chỉ là có sự cạnh tranh giữa các hãng trong nước, các hãng hàng không quốc tế mà còn phải cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Đơn cử như sắp tới đây, nếu đường sắt cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, nếu đi từ Hà Nội đến Nghệ An nhiều người sẽ chọn đường sắt cao tốc chứ không đi máy bay.

Hay như chúng ta cần phân biệt rõ giữa kinh doanh và phục vụ, nên tách kinh doanh và phục vụ của Vietnam Airlines, nếu ghép thì có cơ chế rõ ràng, không nên bắt một doanh nghiệp vừa kinh doanh lại vừa phải chịu sức ép phục vụ.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ cạnh tranh giữa các hãng hàng không hiện nay?

- Tôi cho rằng hàng không Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển, có thể nói vẫn còn sơ khai. Do đó chúng ta cần khắc phục và phát triển thêm. Về vấn đề lành mạnh hay không thì điều đó phụ thuộc vào nhiều tiêu chuẩn. Chúng ta cần xem xét, đánh giá trên các tiêu chuẩn như thế nào là lành mạnh và như thế nào là không lành mạnh. Câu hỏi này tôi nhường lại cho tất cả các nhà quản lý.

Vậy theo ông các chính sách, môi trường đã thể hiện sự “bình đẳng” cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này chưa?

- Nói về chính sách pháp luật thì hiện nay chúng ta đã bảo đảm được tính “bình đẳng”. Hiến pháp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, không ai bị hạn chế, tiếp đến là quyền tự do công dân, quyền con người.

Về mặt pháp luật, chúng ta có luật công ty, luật doanh nghiệp, hệ thống luật cạnh tranh, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy là chúng ta có tất cả các hệ thống luật về đảm bảo quyền cho kinh doanh được tự do và bình đẳng, bảo đảm cho tất cả các doanh nghiệp đều phát triển.

Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực. Có nghĩa là chúng ta bắt đầu không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Nếu pháp luật đã như thế thì chúng ta không nên coi trọng “anh này là con đẻ, anh kia là con nuôi”.

Bên cạnh đó, cần phải cải cách các thủ tục hành chính để đảm bảo cho môi trường kinh doanh chung đặc biệt là môi trường kinh doanh hàng không được phát triển. Bởi hàng không là kết quả của các hoạt động khác của xã hội, nó không thể tự thân được. Nếu hàng không phát triển sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển.

Đồng thời, Chính phủ phải làm sao để đúng vai trò là một người cầm chịch, là người có thể cầm phanh hãm, không bao giờ cho phép các doanh nghiệp biến môi trường kinh doanh thành một bãi chiến trường. Bởi như vậy thì tất cả đều chết và thiệt hại. Chính phủ làm sao đó phải như là một ông nhạc trưởng, để tạo nên một bước nhảy hoàn hảo, như thế thì tất cả cùng có lợi, cùng win-win. Còn nếu chúng ta để cho các tổ chức cá nhân, các chủ thể kinh doanh tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, tạo các biện pháp để ngăn chặn nhau, hay tìm cách xâm hại tới lợi ích của các khách hàng xã hội thì không ổn. Thị trường vận tải hàng không Việt Nam cần thể chế đầy đủ, minh bạch, tạo ra sự thông thoáng, một sân chơi bình đẳng, tránh tình trạng nhà nước và tư nhân, con đẻ và con nuôi. Trong đó, luật chơi phải tiếp cận quốc tế, dựa trên hệ thống quy hoạch chung.

Xin cảm ơn ông!

GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng:

Để nói về tiềm năng phát triển hàng không của Việt Nam thì thấy đây là mảnh đất màu mỡ để các hãng hàng không kinh doanh. Cho đến nay, cùng với sự tăng trưởng tiềm năng của kinh tế hàng không thì không chỉ hãng hàng không đang hoạt động mà các doanh nghiệp ăn theo, các công ty dịch vụ mặt đất cũng niêm yết trên thị trường chứng khoán giá trị cổ phiếu rất cao. Cho nên không chỉ doanh nghiệp khai thác đường bay mà các doanh nghiệp ăn theo cũng lợi nhuận rất tốt. Hiện nay, một số hãng hàng không trẻ đang chờ được cấp phép để tham gia thị trường với những phân khúc rất đặc sắc như liên kết vùng du lịch, tổ chức chuyến đi trọn gói…

Tuy nhiên tôi cho rằng cần có điều kiện trong việc hạn chế phá giá, Nhà nước cần đưa ra những quy định xem năng lực, điều kiện của các hãng hàng không. Nhà nước cũng cần đưa ra dự báo thông tin thị trường để có quy hoạch phát triển phù hợp, cũng là giải pháp để chúng ta có thể lường trước được những thất bại.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:

Ngoài cạnh tranh, năng lực bổ sung cho nhau của các hãng hàng không chính là năng lực cạnh tranh lớn nhất trong tương lai. Việc cạnh tranh của các hãng hàng không cuối cùng vẫn phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là người tiêu dùng. Thời gian tới, vấn đề phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực cho ngành hàng không cũng như thể chế thúc đẩy cạnh tranh giữa các hãng hàng không là những vấn đề chúng ta cần tập trung.

Hiện nút thắt nằm ở chính ba điều quan trọng nhất: Thể chế, hạ tầng, nhân lực. Tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không chứng kiến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp xây dựng sân bay rất nhanh. Trên thực tế chỉ cần trình độ quản trị còn công nghệ có thể huy động công nghệ nước ngoài.

Với sự tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên số, mô hình kinh doanh sẽ thay đổi, tôi tin hàng không cũng sẽ phát triển theo kiểu như vậy, sự huy động sức mạnh, trí tuệ của toàn dân vào phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt lĩnh vực tiên phong như hàng không rất cần thiết.

PGS TS Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải:

Điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

X.T (ghi)

Xuân Thảo (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ong-luu-binh-nhuong-pho-truong-ban-dan-nguyen-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-luat-choi-phai-tiep-can-quoc-te-112688.html