Ðộng lực và kỳ vọng mới về kinh tế

Năm 2018 được ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chuyển biến tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của đất nước; đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Bộ KHCN)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Bộ KHCN)

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDP) lần thứ nhất, được tổ chức ngày 5-12-2018 tại Hà Nội với chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019 và trong thời gian tới, cùng với tiếp tục thực hiện ba đột phá về thể chế, hạ tầng và đào tạo nhân lực, Chính phủ cũng triển khai hai động lực mới là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm 2019 đang ghi nhận một loạt tín hiệu tích cực mới, tạo động lực và kỳ vọng mới cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong cải cách môi trường đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, tạo lập các chuỗi cung ứng liên kết, cũng như trong kinh tế đối ngoại.

Ðộng lực thể chế mạnh mẽ đang được gia tăng từ nỗ lực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, với phương châm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá" mà Chính phủ đề ra. Các cấp, các ngành và địa phương đang tập trung triển khai tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể, hướng tới mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước mắt, tập trung cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ một cách thực chất hơn những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực tư nhân tham gia; phát huy tinh thần vừa hợp tác liên kết chặt chẽ, vừa cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ; tuân thủ các nguyên tắc, thông lệ và cam kết hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác cộng đồng, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.

Ngành nông nghiệp năm 2019 có nhiều động lực mới. Sản lượng lúa năm 2019 dự kiến đạt 43,8 triệu tấn với tỷ trọng giống gạo chất lượng cao chiếm gần 80%. Trong nửa đầu năm 2019, biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao quốc gia Sơn Ðông - Trung Quốc (FVC) có thể được thực hiện ngay.

Một tin vui lớn trong năm 2019 là sự nở rộ hàng loạt dự án chế biến và phân phối nông sản, nhất là rau quả trị giá hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp Việt Nam và hàng tỷ USD của doanh nghiệp nước ngoài, trực tiếp góp phần nâng cao giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho người nông dân, tạo động lực tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia, hình thành diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập kỷ tới…

Một động lực mới đáng kể khác là ngay từ đầu năm, đã có hàng chục triệu USD rót vào các dự án khởi nghiệp (startup) Việt và nhiều dự án đặt mục tiêu tăng trưởng, mở rộng thị trường (Logivan - startup Việt chuyên về lĩnh vực vận tải huy động thành công 5,5 triệu USD; Luxstay - ứng dụng đặt phòng nhận thêm 3 triệu USD; WeFit - startup Việt kết nối các phòng tập fitness nhận vốn một triệu USD… Ðáng chú ý, sản phẩm chatbot Việt Nam lọt vào tốp 80 và hiện chạy đua tốp 24 chung cuộc trong cuộc thi GIST Tech-I (Mỹ). Startup giám sát chất lượng không khí Việt Nam ứng dụng công nghệ in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) vượt qua hơn 250 giải pháp công nghệ và nhiều vòng thi từ khu vực Ðông - Nam Á đến châu Á trong tranh giải IBM toàn cầu.

Ðộng lực mới cho ngành hàng không Việt Nam là vừa được phê chuẩn giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của Mỹ, tạo khả năng thực hiện các chuyến bay thẳng tới Mỹ với hàng chục máy bay Boeing Max 737 mà Vietnam Airlines dự kiến mua của Mỹ, góp phần tăng trưởng du lịch và cải thiện cơ cấu nhập siêu dịch vụ quốc tế từ Mỹ trong thời gian tới.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39337802-%C3%B0ong-luc-va-ky-vong-moi-ve-kinh-te.html