Ông lớn ngành game gặp khó

Gián đoạn chuỗi cung ứng, lo ngại lạm phát mang đến nhiều khó khăn cho tình hình kinh doanh của các hãng trò chơi trong quý tài chính vừa qua.

Các công ty lớn trong ngành game như Nintendo, Microsoft và Sony đều công bố doanh thu sụt giảm trong quý II, thấp hơn kỳ vọng của giới đầu tư.

Theo Washington Post, một phần nguyên nhân đến từ gián đoạn chuỗi cung ứng, các đợt phong tỏa chống dịch cũng như khó khăn trong khâu phân phối máy chơi game đến cửa hàng. Lý do khác đến từ thế giới mở cửa lại, nhiều người không còn nhu cầu ở nhà suốt ngày như trước.

Doanh thu giảm khi người dùng ít ở nhà

"Thế giới đang đi nghỉ mát", Andrew Wilson, CEO Electronic Arts (EA) cho biết trong buổi báo cáo quý quý II/2022 (tức quý tài chính đầu tiên của năm theo cách tính của hãng) vào ngày 2/8.

Trước đó, hãng game Activision Blizzard công bố doanh thu thuần trong quý II đạt 1,64 tỷ USD, giảm 700 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. CEO Bobby Kotick gọi đây là "môi trường kinh tế nhiều thách thức", khi các công ty hạn chế tuyển dụng và sa thải nhân sự. Tuy nhiên, Kotick cho biết hãng game này ghi nhận lực lượng lao động tăng 25% so với năm ngoái.

 Doanh thu quý II của Activision Blizzard giảm đáng kể, nhưng có thêm 25% nhân viên. Ảnh: Bloomberg.

Doanh thu quý II của Activision Blizzard giảm đáng kể, nhưng có thêm 25% nhân viên. Ảnh: Bloomberg.

Quý này, Activision Blizzard không tổ chức báo cáo tài chính với nhà đầu tư do chờ đợi hoàn tất thương vụ về tay Microsoft với giá 69 tỷ USD. Trong thông cáo báo chí, công ty xác nhận ngày dự kiến hoàn tất thỏa thuận là 30/6/2023 nếu được cơ quan quản lý chấp thuận.

Trong khi dòng game bắn súng Call of Duty cho kết quả kinh doanh thất vọng, bộ phận phát triển game di động King của Activision Blizzard lại phát triển mạnh. Nhà phân tích Michael Pachter của Wedbush cho biết lượng giao dịch trong các game di động của King ghi nhận tăng trưởng suốt quý. Dù vậy, số người chơi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, từ 255 triệu còn 240 triệu.

Các tựa game đang được Activision Blizzard phát triển đúng tiến độ gồm Call of Duty: Modern Warfare II, World of Warcraft: Wrath of the Lich KingOverwatch 2. Công ty xác nhận Diablo IV vẫn sẽ ra mắt vào năm 2023. Dù vậy, phiên bản World of Warcraft cho di động, hợp tác với NetEase của Trung Quốc đã bị hủy bỏ.

Laine Nooney, Phó giáo sư nghiên cứu về trò chơi điện tử tại Đại học New York (Mỹ) cho biết phần lớn thế giới không còn chịu cảnh phong tỏa do dịch bệnh. Dù vậy, những yếu tố toàn cầu khác sẽ ảnh hưởng đến doanh thu ngành game, một phần do người dùng thắt chặt chi tiêu, các mặt hàng thiết yếu như xăng và thực phẩm tăng giá.

Một điểm sáng khi EA công bố doanh thu quý tài chính tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ các tựa game trực tuyến như Apex Legends.

EA là điểm sáng trong quý II nhờ các dòng game như Apex Legends, FIFA hay NFL Madden. Ảnh: Bloomberg.

"EA rất khôn ngoan khi bám sát công thức kiếm tiền hiệu quả từ các thương hiệu nhượng quyền phổ biến. EA đã cố gắng thu hút chú ý vào các dòng game thể thao như FIFA, NFL Madden và mới đây là F1", Joost van Dreunen, giảng viên kinh doanh game tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York nhận định.

"EA đã chứng minh khả năng kiếm tiền thành thục khi doanh thu FIFA Mobile trong quý đạt kỷ lục, cao nhất so với toàn bộ dòng game FIFA cùng lượng người chơi hàng ngày tăng 40%", van Dreune cho biết.

Khan hiếm nguồn hàng do gián đoạn chuỗi cung ứng

Trong quý II, Nintendo báo cáo lợi nhuận 764 triệu USD, thấp hơn 101 triệu USD so với kỳ vọng của giới phân tích. Doanh số dòng Nintendo Switch đạt 3,43 triệu, thấp hơn mức 4,45 triệu máy của cùng kỳ năm ngoái. Doanh số phần mềm giảm từ 45,3 triệu còn 41,4 triệu sản phẩm.

Công ty Nhật Bản nhận định nguyên nhân giảm doanh số đến từ chuỗi cung ứng. Dù vậy, hãng vẫn đặt mục tiêu bán tổng cộng 21 triệu máy chơi game trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4/2023, khi vấn đề chuỗi cung ứng sớm được giải quyết.

Doanh số phần mềm của Sony giảm khoảng 45%, với 47,1 triệu tựa game PlayStation 4 (PS4) và PlayStation 5 (PS5) được bán trong quý II. Khi được hỏi về tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế, Giám đốc Tài chính Hiroki Totoki cho biết vấn đề chính hiện nay là đáp ứng nhu cầu người dùng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn.

"Có 2 hạn chế lớn mà chúng tôi đang đối mặt. Một là tình trạng thiếu linh kiện, còn lại là chuỗi cung ứng. Chúng tôi muốn sản xuất nhiều máy nhất có thể", Totoki trả lời trước loạt câu hỏi về nguồn cung PS5.

Giám đốc tài chính Sony từ chối tiết lộ khả năng tăng giá PS5. Ông cho rằng doanh số game sụt giảm do người dùng không còn ở nhà nhiều, tình hình dịch Covid-19 giảm tại các thị trường quan trọng. Công ty Nhật Bản đặt mục tiêu bán tổng cộng 18 triệu PS5 trong năm tài chính kết thúc tháng 5/2023, nguồn cung đang phục hồi sau đợt phong tỏa tại Thượng Hải.

Các hãng phần cứng như Microsoft, Sony hay Nintendo đều dự báo lạc quan cho cuối năm. Ảnh: Wired.

Microsoft cũng công bố doanh thu game giảm 259 triệu USD do nhu cầu phần cứng lẫn phần mềm Xbox giảm. Điểm sáng nằm ở gói dịch vụ Game Pass vẫn thu hút nhiều người đăng ký.

Những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến các hãng phát hành game. Andrew Wilson, CEO EA nhận định hạn chế từ chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do nguồn hàng console khan hiếm, tuy nhiên kỳ vọng thị trường phần cứng sẽ dồi dào lại trong năm tới.

"Khi chuỗi cung ứng được gỡ nút thắt, chúng tôi kỳ vọng càng nhiều người sẽ mua máy chơi game thế hệ mới", Wilson cho biết. Ông khẳng định EA sẽ đầu tư phát triển các dòng game thể thao để cập nhật nội dung trong 8 năm tới, phục vụ người chơi thế hệ console hiện tại.

Phúc Thịnh

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ong-lon-nganh-game-gap-kho-post1343168.html