'Ông lớn' làng bóng đá lao đao

Một kỳ chuyển nhượng khác thường tính từ năm 2017 diễn ra tại CLB TP Hồ Chí Minh. Mới đây, một thông báo liên quan đến việc nợ tiền 'lót tay' càng khiến cho CLB TP Hồ Chí Minh bị người hâm mộ đặt ra câu hỏi: Liệu đội bóng này đã hết cảnh giàu có?

Một thời hào quang

Kể từ năm 2017, với sự đầu tư mạnh mẽ của một tập đoàn lớn về bất động sản, CLB TP Hồ Chí Minh trỗi dậy như một thế lực bạo chi ở V.League. Đội chủ sân Thống Nhất liên tục tạo nên những thương vụ đình đám với hàng loạt tên tuổi hiện diện từ ghế thượng tầng, đội ngũ huấn luyện cho đến các cầu thủ trên sân.

Năm 2017, cựu tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh trở thành Quyền chủ tịch đội bóng và ngay lập tức, liên tục có những quyết sách đình đám lôi kéo sự chú ý của giới mộ điệu. CLB TP Hồ Chí Minh có xe di chuyển được thiết kế hình ảnh chuyên nghiệp. Họ cũng có một phòng thay đồ chất lượng cao mà bấy lâu nay nhiều CLB V.League xuề xòa không chú ý. Sân Thống Nhất có bảng điện tử chẳng khác gì những sân ở châu Âu.

Ngoài ra, các cầu thủ CLB TP Hồ Chí Minh cũng được may những bộ suit lịch lãm để tạo nên phong thái khác biệt so với phần đông còn lại của V.League. Trên băng ghế huấn luyện, Alain Fiard trở thành nhà cầm quân nước ngoài mở ra một giai đoạn dài mà các thuyền trưởng của CLB TP Hồ Chí Minh đều là người nước ngoài.

Sau đó vào các năm 2018, 2019, 2020 và mới đây là 2021, lần lượt Toshiya Miura, Chung Hae Seong và Alexandre Mano Polking đến với CLB TP Hồ Chí Minh dẫn dắt cùng những mức lương vô cùng hấp dẫn. Song song với đó, CLB TP Hồ Chí Minh cứ sau một năm lại tiến hành đổi máu lực lượng. Trong 5 năm qua, ước tính khoảng gần 100 cầu thủ đã đến và đi khỏi CLB TP Hồ Chí Minh. Đội bóng thuộc thành phố mang tên Bác liên tục chiêu mộ những cầu thủ giỏi của V.League. Có thể kể đến như Đỗ Văn Thuận, Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Hồ Tuấn Tài, Sầm Ngọc Đức, Bùi Tiến Dũng…

Chưa dừng lại ở đó, CLB TP.HCM có thể xem là vô đối trong nhiều kỳ chuyển nhượng khi sẵn sàng chi tiền tấn để tạo nên những cú áp phe ấn tượng trên thị trường mua bán trước mùa giải. Ngoài Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều nhận khoảng 1 tỷ đồng tiền lương/tháng hồi năm ngoái, CLB TP Hồ Chí Minh còn đưa những tuyển thủ quốc gia thuộc Trung Mỹ như Rodriguez và Guillermo Ortiz.

Ngoài ra, CLB TP Hồ Chí Minh từng thử việc Gabriel Possebon, cựu tiền vệ M.U. Đấy là chưa kể CLB TP Hồ Chí Minh từng thuyết phục Sint Truidense nhả Công Phượng để họ mượn anh tại V.League 2020. Tất nhiên, CLB TP Hồ Chí Minh cũng chi cho Công Phượng mức lương không dưới 100 triệu đồng/tháng.

HLV Trần Minh Chiến sẽ xoay xở ra sao với CLB TP Hồ Chí Minh mùa này?

HLV Trần Minh Chiến sẽ xoay xở ra sao với CLB TP Hồ Chí Minh mùa này?

Cầu thủ bất ngờ bị cắt phí "lót tay"

Nhưng trước mùa giải 2022, CLB TP Hồ Chí Minh không còn giữ được độ bạo chi trên thị trường chuyển nhượng. Lần đầu tiên kể từ V.League 2017, HLV của CLB TP Hồ Chí Minh không còn là ngoại quốc. Ông Trần Minh Chiến, cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam và từng dẫn dắt CLB B.Bình Dương được lựa chọn. Dẫu sao, quyết định ấy của CLB TP Hồ Chí Minh vẫn được ủng hộ. Bởi nhiều người cho rằng đó có thể là phương án đường dài và đầu tư hợp lý trên băng ghế huấn luyện của đội bóng này.

Tuy nhiên, CLB TP Hồ Chí Minh bắt đầu khiến người ta nghi hoặc về việc họ không còn đủ sức nặng tài chính để thuyết phục những cầu thủ giỏi đến với mình. Quế Ngọc Hải và Nguyễn Hải Huy là hai cái tên bẻ kèo trong thương vụ đến với CLB TP Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định sức hút của CLB không đủ lớn để những gương mặt sáng giá kể trên quyết định “Nam tiến”. Cả Quế Ngọc Hải và Hải Huy đều lựa chọn những đội bóng gần nhà như Sông Lam Nghệ An hay Hải Phòng để tiện di chuyển và phù hợp với cuộc sống gia đình. Nhưng song song với đó, họ cũng nhận một chế độ đãi ngộ cũng chẳng kém cạnh CLB TP Hồ Chí Minh.

Sau hai thương vụ bất thành với nội binh, CLB TP Hồ Chí Minh cũng không thể thuyết phục Lee Nguyễn gia hạn hợp đồng với mình. Theo giới thạo tin, CLB này yêu cầu Lee Nguyễn giảm lương nếu như hai bên tiếp tục sát cánh ở V.League 2022. Đương nhiên, Lee Nguyễn không đồng tình với đề nghị của đội bóng từng trả anh bằng bất cứ giá nào có thể để đưa mình về Việt Nam chơi bóng.

Rõ ràng, những chi tiết đó khiến người ta ngờ vực vào việc CLB TP Hồ Chí Minh không còn rủng rỉnh về tài chính để sẵn sàng tạo ra những "thương vụ nặng đô". Mới đây, sự ngờ vực càng được tăng lên khi thông báo từ chính CLB TP Hồ Chí Minh đến các cầu thủ xoay quanh việc trả tiền "lót tay" hiện diện.

Cụ thể, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá TP Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Hùng đã gửi công văn tới các cầu thủ thông báo về chính sách thanh toán "phí lót" tay mùa giải V.League 2021. Trong công văn, CLB TP Hồ Chí Minh cho biết họ đã ý thức được nguyện vọng muốn nhận trọn vẹn "phí lót" tay cho cả 2 giai đoạn mùa giải 2021 của các cầu thủ. Nhưng vì hệ lụy của đại dịch, đội chủ sân Thống Nhất đã buộc phải cắt giảm phần lớn tiền "lót tay" giai đoạn 2 của V.League 2021.

Quyết định trên của CLB TP.HCM sẽ khiến thủ môn Bùi Tiến Dũng và đồng đội rơi vào tình cảnh khó khăn khi chưa được chi trả đầy đủ phí "lót tay" ở mùa giải trước, giờ lại còn phải chấp nhận mất tới 90% số tiền nếu muốn tiếp tục thi đấu cho đội bóng.

Rõ ràng, sau "vết xe đổ" của Than Quảng Ninh, khi từng có lúc giàu sang rồi dẫn đến vỡ trận khi lâm vào khốn khó, những gì mà CLB TP Hồ Chí Minh đang trải qua khiến không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam âu lo về tương lai mà đội bóng này chuẩn bị phải đối diện.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/ong-lon-lang-bong-da-lao-dao-i644349/