'Ông lớn' BIDV có những mối lo ngại nào?

Mối lo ngại còn lại là triển vọng ảm đạm đối với tăng trưởng tín dụng và tiền gửi. Rất khó để cân bằng tốt giữa tăng trưởng và quản lý rủi ro, đặc biệt với một ngân hàng lớn như BIDV.

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

BIDV đã triển khai các gói hỗ trợ lớn cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 từ quý 2/2020. Cụ thể, BIDV đã áp dụng mức giảm lãi suất từ 0,5% đến 1,5% để hỗ trợ cho khách hàng, với tổng khoản vay là 25 nghìn tỷ đồng. Chính điều này khiến lợi nhuận trước thuế của BIDV giảm 2,4 - 3 nghìn tỷ đồng.

Do đó, trong năm 2020, SSI ước tính BIDV ghi nhận 7.543 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 29,7%), nhưng dự kiến sẽ hồi phục mạnh vào năm 2021 với mức tăng trưởng 67% đạt 12,5 nghìn tỷ đồng.

Việc hồi phục này có thể là do chi phí dự phòng giảm 4,9 nghìn tỷ đồng, cũng như tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện hậu Covid-19.

Con số này cũng khá thấp so với kế hoạch mà BIDV đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 7/3 vừa qua với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 16% khi đạt 12,500 tỷ đồng, trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát.

Còn trong quý 1/2020, BIDV báo lãi trước thuế ảm đạm với hơn 1,814 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước do tăng trích lập dự phòng rủi ro để tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC.

Tuy nhiên SSI không quan ngại về mức sụt giảm lợi nhuận của BIDV trong quý 1/2020 do ngân hàng chủ động tập trung vào việc giải quyết nợ xấu.

Mối lo ngại còn lại là triển vọng ảm đạm đối với tăng trưởng tín dụng và tiền gửi. Rất khó để cân bằng tốt giữa tăng trưởng và quản lý rủi ro, đặc biệt với một ngân hàng lớn vẫn mang trên mình gánh nặng nợ xấu như BIDV.

Được biết, tính đến ngày 31/3/2020, cho vay khách hàng của BIDV và tiền gửi của khách hàng của Ngân hàng suýt soát đầu năm, đều ghi nhận hơn 1.1 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn hơn 1.44 triệu tỷ đồng.

Tổng nợ xấu giảm nhẹ 1% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn (giảm 8%) chuyển sang nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 13%) và nợ nghi ngờ (tăng 5%). Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay duy trì ở mức 1.74% khi chiếm 19.290 tỷ đồng.

Vì sao lợi nhuận 2020 của BIDV sẽ giảm?

Để đưa ra con số đó cho năm 2020, SSI có các giả định như tăng trưởng tín dụng và tiền gửi là 7%. NHNN đặt ra mức tăng trưởng tín dụng 9% cho BIDV trong năm 2020, thấp hơn so với mức tăng trưởng 13% trong năm 2019. SSI cho rằng mức tăng trưởng 7% là hợp lý, với mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2020 là âm 0,8%.

Đồng thời, thu nhập ngoài lãi đi ngang. Tăng trưởng thu nhập phí ròng và lãi đầu tư sẽ bù đắp cho mức giảm của thu nhập từ nợ xấu đã xóa.

NIM giảm 23 điểm phẩn trăm, với mức giảm 44 điểm phần trăm và giảm 23 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay bình quân và lãi suất tiền gửi bình quân.

CIR giảm xuống 32,7% từ 35,9% do chi phí nhân viên giảm 23,3% so cùng kỳ.

Chi phí dự phòng ước tính ở mức 23,9 nghìn tỷ đồng (tang 18,8%), với tổng số nợ xấu xóa bỏ là 16,8 nghìn tỷ đồng (tăng 5%), trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,84% từ 1,75%.

Còn trong năm 2021, việc xóa sạch trái phiếu VAMC và tăng trưởng tín dụng phục hồi góp phần tạo ra mức tăng trưởng lợi nhuận lớn (tăng 67%). Trong đó, tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt ở mức 10% và 10,5% YoY. NIM ở mức 2,45%, tăng nhẹ (2 điểm phần trăm) do lãi suất cho vay bình quân cải thiện. Thu nhập từ phí và hoa hồng tăng 8,8%. CIR về mức bình thường là 35%.

Chi phí dự phòng giảm 20,5% ở mức 19 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,78% nhờ trích lập dự phòng lớn và gia tăng quy mô dư nợ.

Ngân hàng không chi trả cổ tức tiền mặt cho cả năm 2020 và 2021.

SSI lưu ý rằng các ước tính này dựa trên giả định dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát hoàn toàn ở Việt Nam vào cuối tháng 6/2020 và sẽ không bùng phát trở lại.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/ong-lon-bidv-co-nhung-moi-lo-ngai-nao-92833.html