Ngành Hải quan nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương, quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Số thu tăng trưởng 2 con số

Trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là kinh tế - xã hội. Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Theo đó, xác định công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn nhân lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan. Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình các cấp ban hành nhiều giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến); triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hướng tới hải quan phi giấy tờ

Bên cạnh các giải pháp đồng bộ đã triển khai trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, tới đây, Tổng cục Hải quan triển khai một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước tiên là việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan; việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan; cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu,… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, ngành Hải quan cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm xử lý các vướng mắc phát sinh, bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng mô hình hải quan thông minh.

Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch tại cửa khẩu

Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19 và tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt như: phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc; quy định, tiêu chuẩn về điều kiện y tế phòng chống dịch Covid-19 chung tại khu vực cửa khẩu biên giới;…

Việc hoàn thành đề án và đưa Hệ thống hải quan số, hải quan thông minh vào triển khai ứng dụng cũng đang được tích cực triển khai. Đây sẽ là bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, là tiền đề để thực hiện hải quan số, hải quan phi giấy tờ. Cùng với đó là việc tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị hiện đại này với trọng tâm là nâng cao hiệu quả kết nối dữ liệu giữa hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử với các hệ thống.

Với Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tăng cường giải pháp kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 8/2/2022 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022 nhằm tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tối ưu hóa quy trình, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một quyết tâm mạnh mẽ.

Ở tầm vĩ mô, từ nay tới cuối năm 2022, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Với việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành theo dự thảo nghị định được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Số thu tăng trưởng hơn 20%

Trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã giải quyết thủ tục cho hơn 2,7 triệu tờ khai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 176,83 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động thương mại tích cực cùng với nỗ lực đồng bộ của toàn ngành, số thu 3 tháng đầu năm đạt 108.790 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, bằng 29,4% dự toán phấn đấu, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Lực lượng hải quan cũng đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 3.841 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.288,433 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 88,342 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan hải quan đã khởi tố 20 vụ, bằng 50% số vụ khởi tố của cả năm 2021, đồng thời chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ.

Đánh giá tổng quát về thực hiện nhiệm vụ trong quý 1, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chủ động, quyết liệt và nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Hải quan đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt công tác.

Trong quý II, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, cải cách, hiện đại hóa, ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo chỉ tiêu thu song song với các giải pháp chống thất thu ngân sách. Trong đó đặc biệt là đấu tranh để xử lý nghiêm các gian lận về thuế.

Các đơn vị cũng sẽ chú trọng công tác kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tội phạm ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan... Đồng thời, tăng cường các chương trình hợp tác với cơ quan hải quan các nước, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-no-luc-tao-thuan-loi-thuong-mai-thuc-day-xuat-nhap-khau-104360.html