Ông Kim sẽ có món quà 'bất ngờ tháng 10' cho ông Trump?

10/10 là ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên và cũng là thời điểm quan trọng ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ba năm đã trôi qua kể từ khi cả thế giới chứng kiến căng thẳng cực độ trên bán đảo Triều Tiên, giờ đây mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã không còn là trung tâm trong nỗi lo của Washington.

Vấn đề lớn nhất của Nhà Trắng vào lúc này, 4 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, là đại dịch Covid-19, bất ổn dân sự trên toàn nước Mỹ và làm sao để hồi phục nền kinh tế trước khi các cử tri đi bỏ phiếu.

Mặc dù những lời đe dọa giữa Mỹ và Triều Tiên đã không còn, Bình Nhưỡng vẫn đang duy trì và hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của họ - điều mà nước này dường như muốn chắc chắn là cả thế giới nên biết, Japan Times nhận định.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa tầm trung Hwasong-12 hồi năm 2017. Ảnh: Reuters/KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa tầm trung Hwasong-12 hồi năm 2017. Ảnh: Reuters/KCNA.

Thượng đỉnh Trump-Kim lần 4?

Hôm 19/7, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết Ủy ban Quân sự Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chính sách quân sự và quốc phòng của nước này, đã thảo luận về việc củng cố khả năng răn đe của quân đội - lời ám chỉ về vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, cả Bình Nhưỡng và Nhà Trắng đều đưa ra những thông điệp trái chiều về triển vọng đàm phán hạt nhân - vốn đang bế tắc. Điều này đặt ra câu hỏi về việc ông Kim và ông Trump liệu đang chờ đợi một thời điểm thích hợp hay đơn thuần chỉ là trì hoãn mọi thứ hết mức có thể.

Lần gần đây nhất ông Trump và ông Kim gặp nhau mới chỉ hơn một năm trước, tại khu Phi Quân sự giữa 2 miền Triều Tiên, ngay sau hội nghị thượng đỉnh không có kết quả tại Hà Nội. Hai nhà lãnh đạo khi đó xuất hiện như một nỗ lực nhằm giải cứu tiến trình đàm phán.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, các cuộc thảo luận đã ngừng lại vào tháng 10, sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington "không chịu từ bỏ lập trường và thái độ lỗi thời".

Kể từ đó, các quan chức cấp cao của Triều Tiên, trong đó có cô em gái đầy quyền lực của ông Kim là bà Kim Yo Jong, ngày càng thẳng thắn rằng đàm phán với Mỹ chỉ tốn thời gian và còn gây bất lợi.

"Chúng ta không được lợi gì từ một cuộc đàm phán với Mỹ, và chúng ta thậm chí không có bất cứ kỳ vọng nào về nó", bà Kim Yo Jong nói hồi đầu tháng này. Bà còn gián tiếp chỉ trích ông Trump - điều mà Bình Nhưỡng từng cố gắng né tránh trước đây.

Theo bà Kim, nếu một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào lúc này, thì "rõ ràng là nó chỉ được sử dụng như một màn khoe mẽ nhàm chán đến từ sự kiêu căng của ai đó". Lời nhắn rõ ràng nhằm tới tổng thống Mỹ, người tuyên bố mình đã đưa 2 nước ra khỏi bờ vực của một cuộc cuộc chiến hạt nhân.

Ông Kim và ông Trump gặp mặt lần thứ 3 tại Khu Phi quân sự ngăn cách 2 miền Triều Tiên hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Các quan chức cấp cao khác của Bình Nhưỡng cũng phát biểu tương tự trong thời gian qua.

Cánh cửa đàm phán để ngỏ

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán. "Những điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra, dựa trên đánh giá và quyết định của quan chức hàng đầu hai bên", bà Kim Yo Jong nói.

Ở phía bên kia, khi được hỏi rằng liệu ông có muốn gặp ông Kim nữa không, ông Trump cho biết mình tin rằng phía Triều Tiên "muốn gặp mặt" và một hội nghị thượng đỉnh không hoàn toàn nằm ngoài khả năng.

"Tôi sẽ làm điều đó nếu tôi nghĩ nó hữu ích", ông Trump nói hồi tuần trước.

Một cuộc gặp thượng đỉnh sẽ cần được lên kế hoạch tỉ mỉ, và trong bối cảnh thời gian gấp gáp cũng như những vấn đề nội bộ mà ông Trump phải đối mặt, nhiều nhà phân tích cho rằng khó có khả năng nó sẽ diễn ra trước bầu cử Mỹ.

Dù vậy, vào lúc này, ông Trump đang bị nhiều cuộc thăm dò nhận định là có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn so với đối thủ Joe Biden, phần lớn do những thất bại của Nhà Trắng trong việc ứng phó với đại dịch và kiểm soát làn sóng bất ổn dân sự. Tổng thống Mỹ có thể coi việc đạt được đột phá trong đàm phán hạt nhân với Triều Tiên là một quân bài cho chiến dịch tái tranh cử.

"Một cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 4 không phải là không thể diễn ra. Bình thường thì một tổng thống Mỹ sẽ không đánh cược như vậy trước bầu cử, nhưng khi bị bỏ lại trong các cuộc thăm dò, ông Trump có động lực để làm điều vượt ra ngoài kịch bản", ông Leif-Eric Easley, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Ewha của Hàn Quốc, nhận định.

Ông Kim Jong Un có thể cũng sẵn sàng cho một cuộc gặp, vì Bình Nhưỡng cho rằng việc ông Trump rời Nhà Trắng đồng nghĩa với cảnh cửa đàm phán hạt nhân đóng lại.

"Triều Tiên có thể chấp nhận một số biện pháp phi hạt nhân hóa ở mức thấp để đổi lấy quyết định nới lỏng trừng phạt và sự đầu tư từ Hàn Quốc - những thứ khó đảo ngược hơn", giáo sư Easley nhận xét.

Bà Alexis Dudden, chuyên gia về Hàn Quốc và Nhật Bản tại Đại học Connecticut, thậm chí cho rằng cuộc gặp hoàn toàn có thể xảy ra vì tính khí bốc đồng của tổng thống Mỹ.

Khán đài nhiều chỗ trống tại cuộc vận động tái tranh cử của ông Trump ở Tulsa, Oklahoma hồi tháng 5. Các cuộc thăm dò cho thấy ông đang bị đối thủ Joe Biden dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ. Ảnh: AFP.

"Ông Trump sẽ bay đến Bình Nhưỡng vào nửa đêm để gặp ông Kim nếu nhận thấy điều đó giúp ông ấy tái cử. Ông Trump cũng có thể ra lệnh tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên vào nửa đêm nếu nhận thấy điều đó giúp ông ấy tái cử", bà Dudden nhận định.

Ứng viên yêu thích của Bình Nhưỡng

Dù ông Trump có gặp ông Kim hay không, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một bất ngờ kiểu khác vào tháng 10, thời điểm nước này kỷ niệm 70 thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Thường thì một cuộc duyệt binh lớn sẽ diễn ra vào ngày này, và năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Những hình ảnh vệ tinh của khu huấn luyện duyệt binh Mirim cho thấy hoạt động xây dựng đã hoàn thành. Công trình bao gồm một khu nhà cho các phương tiện lớn, đủ khả năng chứa các bệ phóng di động (TEL) cho các tên lửa tầm xa nhất của Triều Tiên.

Địa điểm này trước đây được sử dụng để tập kết các phương tiện cho cuộc duyệt binh, và Triều Tiên có thể sử dụng nó lần này để công bố các vũ khí chiến lược mới, hay các bệ phóng di động mới cho tên lửa tầm xa của họ.

Trong thông điệp năm mới hồi tháng 1, ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ tiếp tục hoàn thiện chương trình hạt nhân và giới thiệu các loại vũ khí mới trong tương lai gần. Ông cũng để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ, bất chấp việc Washington bỏ qua thời hạn cuối năm 2019 mà Bình Nhưỡng đặt ra cho quá trình đàm phán.

"Tôi kỳ vọng sẽ thấy một thứ gì đó mới vào tháng 10", ông Joshua Pollack, chuyên gia về chương trình tên lửa Triền Tiên tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middleburry ở California, nhận định.

"Họ từng duyệt binh các thiết bị TEL trước đây ở Mirim mà không có cấu trúc phóng, vì vậy tôi không biết phải dự đoán thế nào. Nhưng ý tưởng về việc họ ra mắt một thiết bị phóng tên lửa liên lục địa mới có vẻ hợp lý với tôi", ông Pollack nói thêm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa có cuộc họp với Ủy ban Quân sự Trung ương để bàn về khả năng răn đe chiến tranh của nước này. Ảnh: Reuters/KCNA.

Mặc dù vậy, việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hoặc các bệ phóng mới được cho là sẽ không xảy ra. Các nhà phân tích đều cho rằng ông Kim thích Tổng thống Trump hơn là ứng viên Joe Biden.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần công kích cựu phó tổng thống, người mà nhiều khả năng sẽ trở lại với chính sách trừng phạt Triều Tiên cũng như cải thiện mối quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc - vốn đang bị ảnh hưởng dưới thời Trump.

Sơn Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bat-ngo-thang-10-han-chot-moi-cua-quan-he-my-trieu-post1108782.html