Ông Jeenbekov cứng rắn, ông Erdogan nói về 'Tự do kiểu…bộ lạc'

Tổng thống Kyrgyzstan không từ chức trước bầu cử quốc hội, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng, đòi bầu cử sớm là hành vi kiểu 'bộ lạc'.

Tổng thống Kyrgyzstan cương quyết không từ chức

Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov sẽ không từ chức vào thời điểm hiện nay, ông chỉ rời bỏ chức vụ sau cuộc bầu cử quốc hội mới, thư ký báo chí của người đứng đầu nhà nước, bà Tolgonai Stamalieva tuyên bố với giới truyền thông hôm 15/10.

Trò chuyện với hãng thông tấn Nga Sputnik, bà bà Tolgonai Stamalieva cho biết, Tổng thống Sooronbay Jeenbekov đã tổ chức cuộc gặp với tân Thủ tướng Sadyr Zhaparov vào hôm 14/10, trong cuộc trao đổi, Thủ tướng đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống phải từ chức tối ngày 14/10.

"Ông Jeenbekov một lần nữa nhấn mạnh rằng giờ đây ông ấy không có quyền rời khỏi chức vụ tổng thống, vì điều này sẽ dẫn đến một kịch bản phát triển không thể đoán trước về các sự kiện có hại cho đất nước. Người đứng đầu đất nước nhắc lại rằng, Tổng thống vẫn tuân thủ đúng quan điểm đã tuyên bố ngày 9 tháng 10 năm 2020: Ông sẽ từ chức sau khi đưa đất nước trở lại lĩnh vực pháp lý" - bà Stamalieva nhấn mạnh.

Vào đầu tháng 10, cuộc bầu cử quốc hội đã được tổ chức tại Kyrgyzstan. Theo kết quả sơ bộ, các đảng ủng hộ chính phủ được vào Quốc hội là “Birimdik” (24,52% phiếu bầu) và “Mekenim Kyrgyzstan” (23,89), “Kyrgyzstan” (8 , 73), "Butun Kyrgyzstan" (7,11).

Tuy nhiên, các đảng còn lại không vượt qua được rào cản 7% để có ghế trong quốc hội đã lên tiếng tố cáo bầu cử có nhiều vi phạm.

Những người ủng hộ các đảng thua cuộc đã xuống đường. Ngày 5 tháng 10, tại Kyrgyzstan đã diễn ra các cuộc biểu tình lớn của những người không đồng tình với kết quả bầu cử quốc hội ngày 4/10. Trong số đó có Đảng Dân chủ Xã hội Kyrgyzstan, đứng đầu là con trai cựu Tổng thống Almazbek Atambayev là Seyitbek Atambayev.

Sau cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, những người ủng hộ các đảng đối lập không giành được ghế trong quốc hội đã chiếm giữ tòa nhà quốc hội, cũng là phủ tổng thống.

Hậu quả là hơn 1,2 nghìn người bị thương trong các cuộc đụng độ, một người thiệt mạng. Thủ tướng Kyrgyzstan Kubatbek Boronov đã từ chức. Tổng thống Jeenbekov, theo thư ký báo chí của ông, luôn có mặt ở Bishkek mọi lúc và đang kiểm soát tình hình.

Các cuộc khủng hoảng trong thời gian qua có phải là hình mẫu của “Tự do, Dân chủ” kiểu phương Tây?

Các cuộc khủng hoảng trong thời gian qua có phải là hình mẫu của “Tự do, Dân chủ” kiểu phương Tây?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói về “Tự do kiểu bộ lạc”

Sự kiện ở Kyrgyzstan cũng tương tự như cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus thời gian qua, khi các đảng đối lập đã tổ chức biểu tính quy mô lớn đòi hủy kết quả bầu cử, yêu cầu bầu cử lại. Tuy nhiên, chính quyền Minsk đã dẹp yên các cuộc bạo loạn, còn Bishkek không thể lập lại được trật tự, khiến đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Cũng trong bối cảnh đó, một sự kiện có liên quan ở đất nước khác là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan hôm 15/10 đã chỉ trích đề xuất tổ chức bầu cử sớm của phe đối lập và coi đó là hành vi không thể chấp nhận được.

Sau khi ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội sớm, ông Erdogan đã nói rằng: “Họ liên tục ra mặt nói ‘bầu cử sớm, bầu cử sớm đi. Có loại bầu cử sớm nào? Nếu bạn để ý, họ sẵn sàng tổ chức bầu cử ba đến sáu tháng một lần. Đây là hành vi của các quốc gia theo kiểu bộ lạc, bạn có thể thấy điều này ở Mỹ, ở châu Âu, chứ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nhà lãnh đạo Ankara khẳng định rằng, cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức đúng thời gian vào tháng 6 năm 2023 và không ai có thể thay đổi nó.

Theo giới phân tích, mặc dù bối cảnh và tính chất của các sự kiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgyzstan và Belarus là khác nhau, nhưng nó có một điểm chung là xoay quanh vấn đề các đảng phải đối lập bất mãn với các cuộc bầu cử mà họ là bên thất bại, dẫn đến những yêu sách chính trị vi hiến.

Theo giới phân tích, ông Erdogan nói cũng có lí, bởi nếu cứ mỗi khi các đảng phải chính trị đối lập thất bại lại ra yêu sách bầu cử lại hoặc đất nước có khó khăn thì đòi bầu cử sớm thì đất nước sẽ ra sao? Nếu đảng phái nào cũng hành động như vậy thì cái vòng xoáy “bầu cử-biểu tình phản đối-bầu cử lại” sẽ tiếp diễn đến bao giờ?

Thực chất, những điều này không phải là sự “Tự do, Dân chủ” thực sự mà là sự “Tự do vô kỷ cương, Dân chủ nhờn phép nước”, hay nói cách khác là họ chỉ mượn danh dân chủ, bất chấp hiến pháp và pháp luật của đất nước để đạt được lợi ích chính trị của cá nhân, đảng phái của mình, mà không phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-kyrgyzstan-cung-ran-ong-erdogan-noi-ve-tu-do-kieubo-lac-3420714/