Ống hút tinh bột gạo đạt giải cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo

Dự án 'Các sản phẩm ống hút, bún gạo' của chị Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM) đạt giải quán quân, nhận Cúp và giải thưởng 125 triệu đồng.

Chiều 16-10, tại Hội trường Thống Nhất đã diễn ra Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo lần 8, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe), Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đồng tổ chức.

Dự án “Các sản phẩm ống hút, bún gạo” của chị Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM) đạt giải quán quân, nhận Cúp và giải thưởng 125 triệu đồng.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thực phẩm cùng công nghệ sản xuất sẵn có từ gia đình, chị Trương Thị Hồng Hà nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ống hút gạo thương hiệu OHUGA, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi dùng.

Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn tự nhiên với thành phần chính được làm từ tinh bột gạo, màu sắc tự nhiên của loại rau củ quả như củ dền, rau ngót, gấc, hạt dành dành, cà rốt, hoa đậu biếc…đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các giải, nhất, nhì của cuộc thi

Các giải, nhất, nhì của cuộc thi

Không dừng lại ở ống hút gạo, vợ chồng chị Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, kết hợp với bí quyết gia truyền để tạo ra thêm nhiều sản phẩm từ gạo ngon như bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo…

Các sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP và FDA của Mỹ.

Đại diện ban giám khảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, qua hai ngày làm việc với 28 dự án vào chung kết trải khắp ba miền, có tính đại diện rất cao trong phong trào khởi nghiệp.

Ban giám khảo có một số ấn tượng, đó là thấy rất rõ khát khao khởi sự kinh doanh của các bạn trẻ rất mạnh. Họ đã đưa ra những mong muốn với ban giám khảo để được góp ý, chia sẻ nhiều hơn.

Ý tưởng khởi nghiệp của các dự án khá đa dạng về cách thức khởi nghiệp, sản phẩm… thể hiện nền nông nghiệp còn nhiều dư địa để khai thác. Hầu hết các dự án đều thể hiện đến cộng đồng, lợi ích xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, có một số bạn chưa chuẩn bị kỹ về thông tin, chưa biết thương trường người ta đang làm gì, công nghệ đã được đổi mới như thế nào…Hay về bài toán kinh doanh, nhiều bạn chuẩn bị khá sơ sài, lúng túng cũng như chưa tính toàn kỹ về nhân sự… nên hơi quá tự tin, dẫn đến thiếu sót.

Ban tổ chức đã trao hai giải nhì, trị giá 65 triệu đồng/giải cho dự án “Sản xuất Dược Trà- Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) và “Vòng đời các sản phẩm từ cây Sen” của nhóm Lương Việt Chương (Phú Yên).

Có 3 giải ba, mỗi giải trị giá 55 triệu đồng, ba giải khuyến khích, mỗi giải 30 triệu đồng.

“Dự án chế biến bún ngũ sắc” của Phan Thị Tố Mười (Bắc Kạn) được trao giải dự án nông nghiệp phát triển bền vững.

Ngoài ra, giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa cộng đồng thuộc về dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê ki ma tại Việt Nam” của Đỗ Thị Xuân Diệu (Cần Thơ).

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-hut-tinh-bot-gao-dat-giai-cuoc-thi-du-an-khoi-nghiep-nong-nghiep-doi-moi-sang-tao-post703517.html