Ông Hứa Quốc Hưng nói về việc tạo sức hút đầu tư cho TP.HCM

Kiến nghị rà soát quy hoạch, điều chỉnh tăng quỹ đất công nghiệp; lập mới Khu Công nghiệp, ông Hứa Quốc Hưng, ứng cử viên ĐBQH khóa XV, kỳ vọng đón được làn sóng chuyển dịch nhà đầu tư lớn đến TP.HCM.

Đó là thông tin được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, đưa ra tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri quận Bình Thạnh với người ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 quận 1, 3 và Bình Thạnh, chiều 17-5.

Đơn vị này, ngoài ông Hứa Quốc Hưng còn có các ứng viên: Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; Bà Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM); Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM và bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM trả lời cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM trả lời cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều giải pháp đón làn sóng chuyển dịch nhà đầu tư

Sau khi lắng nghe tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên, cử tri quận Bình Thạnh đã đặt nhiều kỳ vọng đến các ứng viên, trong đó trực tiếp đặt nhiều câu hỏi đến ông Hứa Quốc Hưng về công tác phong chống dịch, giải pháp đón làn sóng chuyển dịch các nhà dầu tư.

Cử tri Lê Thị Phương Dung cho rằng khi đại dịch COVID-19 lan rộng thì xuất hiện làn sóng di dời các nhà đầu tư lớn trên thế giới sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Ông Hứa Quốc Hưng với tư cách là Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, ông có chương trình hành động như thế nào để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư đến với TP.HCM, khi mà quỹ đất của TP không còn nhiều?” – bà Dung đặt câu hỏi.

Cử tri quận Bình Thạnh cũng đặt câu hỏi về các giải pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM.

Trả lời cử tri, liên quan đến việc đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng cho biết Ban Quản lý đang đề xuất với chính quyền TP.HCM các chính sách cụ thể để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư.

Thứ nhất, rà soát lại quỹ đất khu công nghiệp. Theo ông, hiện nay theo quy hoạch TP.HCM chỉ có 5.900 ha đất công nghiệp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Dù có khu công nghiệp đầu tiên là Khu chế xuất Tân Thuận từ năm 1991, đến nay đã 30 năm nhưng quỹ đất rất ít. Do đó, Ban Quản lý đang tham mưu để TP.HCM đề xuất với Chính phủ rà soát quy hoạch, điều chỉnh tăng quỹ đất công nghiệp.

Thứ hai, Ban Quản lý vừa trình TP.HCM đề án thành lập mới Khu Công nghiệp Phạm Văn Hai ở Bình Chánh với quy mô 380 ha. “Với quy mô này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia đến TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025” – ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, hiện nay môi trường đầu tư đã được cải thiện rất nhiều trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông nói nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, ông sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề tăng sự thông thoáng, minh bạch hơn cho nhà đầu tư.

“Ví dụ như cơ chế một cửa tại chỗ để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính” – ông Hưng nói.

Cùng với đó, ông cũng sẽ kiến nghị về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, bởi theo ông Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các nhà đầu tư lớn so với các nước trong khu vực.

“Ví dụ như có những doanh nghiệp, Chính phủ các nước họ hỗ không thu tiền thuê đất và không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu thuế thu nhập cá nhân các chuyên gia trong một thời gian nhất định như bốn năm hoặc trong chín năm miễn giảm 50%” – ông Hưng nói và cho rằng những chính sách này phải được kiến nghị Quốc hội, Chính phủ để tạo sự cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) giám sát công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở Khu chế xuất Tân Thuận, hôm 13-5. Ảnh: PV

Kiến nghị diễn tập phòng dịch COVID-19 ở khu công nghiệp

Liên quan đến công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Hứa Quốc Hưng cho biết trước tình hình phức tạp tại các tỉnh phía Bắc nên lãnh đạo TP.HCM hết sức quan tâm và chỉ đạo Ban Quản lý phải phòng chống dịch thật tốt.

Ngoài công tác tuyên truyền, ông Hưng cho biết Ban Quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp đều phải lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, trong đó phải nắm rõ các thông tin như danh sách công nhân, địa chỉ cư trú – tạm trú ở địa phương để nếu có sự cố xảy ra thì sẽ khoanh vùng, cách ly.

Ban Quản lý cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó khi xảy ra dịch COVID-19 ở khu công nghiệp, trong đó có kịch bản công nhân nhiễm bệnh ở ngoài vào làm việc, công nhân nhiễm bệnh trong khu công nghiệp và công nhân tiếp xúc với F0 ở bên ngoài.

Ông cho biết cuối tuần qua, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đến làm việc và đi khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp. “Tôi đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM cho phép diễn tập thử một ở doanh nghiệp hoặc một khu công nghiệp nào đó để khi có sự cố xảy ra thì chúng ta biết được phải làm cái gì và các bộ phận phối hợp nhịp nhàng hơn, tránh chồng chéo. Kiến nghị này đã được đồng chí Chủ tịch chấp thuận” – ông Hưng nói.

Cùng với đó, Ban Quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá Bộ chỉ số an toàn trong sản suất, nếu doanh nghiệp nào không đủ điều kiện an toàn sản xuất thì Ban Quản lý sẽ yêu cầu tạm dừng sản xuất để khắc phục.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp song song với các kịch bản ứng phó thì phải chăm lo cho công nhân, người lao động khi bị cách ly, khi nhiễm bệnh và khi điều trị dịch COVID-19.

“Hỗ trợ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 4.450.000 đồng nhưng chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp thỏa thuận với công đoàn để hỗ trợ cao hơn mức đó” – ông Hưng nói.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ong-hua-quoc-hung-noi-ve-viec-tao-suc-hut-dau-tu-cho-tphcm-985919.html