'Ông hoàng nhạc dance': 10 năm trước, hát hội chợ kiếm 30 triệu đồng/đêm

Năm 2007, Trịnh Tuấn Vỹ là giọng ca được khán giả mến mộ và khá đắt show. Mỗi đêm, nam ca sĩ SN 1982 có thể kiếm được gần 30 triệu đồng từ việc hát hội chợ.

“Ông hoàng nhạc dance” là danh xưng khán giả đặt cho con trai út của nhạc sĩ kịch nói Nguyễn Sanh – ca sĩ Trịnh Tuấn Vỹ. Ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp (2007), nhờ ngoại hình điển trai, giọng hát ấm và tình cảm, Trịnh Tuấn Vỹ gây chú ý với các bản hit như Trèo cao té đau, Để có em, Điều ước tình yêu, Chọn sai con đường... Tuy nhiên, khoảng một thời gian sau, ca sĩ sinh năm 1982 bỗng nhiên mất hút khỏi thị trường giải trí.

Nam ca sĩ thừa nhận, do thành công và nổi tiếng khi tuổi đời còn khá trẻ, ánh hào quang khiến anh choáng ngợp và sa ngã vào cạm bẫy nghiện ngập. Để rồi hơn ba năm sau đó, anh vắng bóng trong các show diễn, sự kiện âm nhạc cũng như không có một sản phẩm nào ra mắt công chúng, tên tuổi anh dần bị khán giả lãng quên.

Nổi tiếng quá sớm khiến Trịnh Tuấn Vỹ chớp ngợp trước hào quang, lâm vào con đường ăn chơi, nghiện ngập. Sự nghiệp của anh chững lại hơn 3 năm.

Cuộc sống, sự nghiệp bị hủy hoại vì ma túy

- Sau thời gian cai nghiện hơn 3 năm, anh có gặp nhiều khó khăn khi trở lại với cuộc sống và sự nghiệp ca hát?

Khi làm lại cuộc đời và sự nghiệp, tôi phải bắt đầu từ con số 0, đối với một người của công chúng và từng có tiếng tăm thì điều đó khó hơn gấp ngàn lần. Tôi bắt đầu từ việc bán hàng online và kiêm luôn giao hàng cho khách dù chỉ là một cái quần, cái áo. Với sự nghiệp ca hát đó là một thử thách với tôi, bây giờ tên tuổi bị lãng quên vì khán giả thời nghe mình hát họ đã lớn. Các bạn ca sĩ trẻ sau này xu hướng âm nhạc cũng cách xa một đoạn đường.

Luật đào thải của showbiz rất khủng khiếp. Nếu khoảng 3 tháng không xuất hiện trước khán giả hay ra mắt sản phẩm mới thì sẽ dễ dàng bị liệt vào danh sách lãng quên từ từ. Trong khi đó, sự nghiệp tôi chững lại trong 3 năm, khoảng thời gian rất dài. Tôi phải đấu tranh tư tưởng rất lớn, bản thân bất lực không biết phải làm gì, như thế nào?… để trở lại với khán giả. Có lúc tôi muốn bỏ nghề.

Suốt 3 năm cai nghiện, tôi như sống trong địa ngục. Nếu không nhờ gia đình can thiệp kịp thời, không biết cuộc đời tôi sẽ đi xa đến đâu. Nhìn lại bản thân, tôi làm được những việc mà nhiều người cho là không thể. Cha tôi từng sợ mất đứa con trai nhưng ông vẫn cứng rắn, 5 ăn 5 thua, giành lại cuộc đời cho tôi.

- Là ca sĩ từng có quá khứ nghiện ma túy, ngày quay trở lại khán giả có đón nhận hay dè chừng anh?

Nói về ma túy, ngay bản thân tôi đến bây giờ vẫn còn sợ huống gì người thường. Ma túy làm biến chất một con người có thể từ hiền lành trở nên hung tợn. Thật sự rất khó để nói hết tác hại của chúng đến sức khỏe, tinh thần gây ra cho con nghiện.

Ngày trở lại, thay vì giải thích hay làm mọi cách để mọi người thương hại, tôi chọn hành động thay cho lời nói để khán giả biến nỗi sợ thành sự thông cảm, thấu hiểu tôi hơn. Người ta có câu "quay đầu là bờ", tôi phải biến "cái bờ" cuối cùng phải thật vững chắc. Cuộc sống mà mọi người có quyền nhìn mình như thế nào là quyền của họ, mình sống tốt hay xấu là do bản thân chọn. Tôi hi vọng ai đó có lỡ lầm, lạc lối sẽ cố gắng thoát ra, làm lại cuộc đời. Không có việc gì khó chỉ cần bản thân cố gắng là được.

Ngày trở lại ca hát, Tuấn Vỹ gặp không ít trở ngại nhưng anh vẫn luôn cố gắng vì đam mê.

Nếu không sa ngã việc mua nhà, xe hơi là chuyện nhỏ

- Bên cạnh danh xưng "Ông hoàng nhạc dance", anh còn được khán giả gắn mác là ca sĩ hội chợ, anh có buồn về điều này?

Tôi không thấy ngại khi bị gọi là ca sĩ hội chợ, ngược lại bản thân còn tự hào về điều đó. Trước đây, ca sĩ được hát hội chợ không phải là chuyện dễ dàng. Bạn phải có bản hit, được khán giả quan tâm thì mới có show đi hát. Khoảng thời gian 2007-2010, tôi là cái tên bán được vé ở các sân khấu hội chợ. Hát hội chợ được phục vụ cho bà con bình dân của mình, mà mình có sống được hay không là nhờ bà con đấy.

- Cát-xê hát hội cao nhất anh từng nhận được?

Giá cát-xê hội chợ thường có sẵn một khung giá. Tuy nhiên, khi diễn tôi phải nhìn xuống xem khán giả có đông hay vắng mà tự bớt giá xuống cho bầu show, để họ có đủ chi phí chi trả. Nhiều khi bầu show tự ngắt luôn, cho nên cát-xê cũng không ổn định cho lắm.

Năm 2007, thời điểm tôi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và khá đắc show. Một đêm diễn tôi nhận từ 8 đến 10 triệu đồng, chạy được 2 đến 3 tụ điểm, tôi kiếm được gần 30 triệu đồng một đêm.

Trịnh Tuấn Vỹ và bố - nghệ sĩ Nguyễn Sanh. Nam ca sĩ thầm biết ơn bố vì đã bỏ qua mọi mặc cảm giúp con trai đi cai nghiện, làm lại cuộc đời.

- Thu nhập như vậy có anh đủ trang trải cuộc sống, xây nhà, mua xe hơi?

Nếu như thời điểm sự nghiệp đang phát triển tôi không sa ngã thì việc mua nhà, xe hơi là chuyện nhỏ. Nhưng sau những gì đã qua, bây giờ tôi vẫn phải làm nhiều nghề để nuôi sống bản thân. Có thể nói tôi còn đang ở số 0.

- Theo anh, các ca sĩ trẻ chuyên đi hát hội chợ là do thiếu chương trình, hay tên tuổi của họ không đủ hot để được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp?

Các ca sĩ sau này đi hát hội chợ có nhiều trường hợp, họ đam mê đứng trên sân khấu, họ tìm khán giả riêng cho mình từ những hội chợ đấy, họ mưu sinh cuộc sống hằng ngày chẳng hạn. Song suy cho cùng, các ca sĩ đều rất vất vả khi chưa có tên tuổi, thu nhập không cao và phải di chuyển nay đây mai đó. Nói đi cũng nói lại, sân khấu hội chợ là nơi giúp các ca sĩ có kỹ năng biểu diễn, đứng trước đám đông. Không ít ca sĩ từng hát hội chợ bây giờ trở thành sao hạng A đấy thôi.

- Nhiều nghệ sĩ đi hát ở các hội chợ, tụ điểm thường gặp nhiều trường hợp khán giả quậy phá, thậm chí đánh đập, anh có gặp những trường hợp xấu như vậy?

Riêng cá nhân tôi từ ngày đi hát hội chợ chưa xảy ra bất cứ sự cố xấu nào. Người ta thường nói "nhập gia tùy tục" nên mình đi đến đâu thì nụ cười và sự thân thiện rất quan trọng. Mình sẽ tạo thiện cảm cho họ và sự gần gũi bình dân thì ai cũng thương cả.

Nhiều lần tôi đi hát gặp cảnh mấy thanh niên ngồi phía dưới bày đồ nhậu nhẹt. Khi đến lượt tôi hát, đầu tiên tôi sẽ xuống và xin mời họ một ly, chào họ rồi xin phép họ ổn định để biểu diễn. Như vậy là mọi việc êm xuôi thuận lợi. Theo tôi, lịch sự và nhã nhặn là điều cần thiết để xử lý mọi vấn đề. Không ai vô cớ quậy phá nên mình phải khôn khéo trong từng tình huống. Cứ ra vẻ ngôi sao này nọ là có ngày "bể đầu".

Trịnh Tuấn Vỹ và "anh Bo" Đan Trường. Nam ca sĩ 35 tuổi khẳng định không ngại vì bị gắn mác ca sĩ hội chợ, bình dân.

- Vậy còn việc bị quỵt hay lừa cát-xê anh có từng gặp phải khi đi hát hội chợ?

Chuyện quỵt cát-xê tôi từng bị khá nhiều lần. Những lúc như vậy tôi sẽ không làm việc với bầu show đó về sau, hoặc nếu có nhận diễn tôi sẽ lấy cát-xê trước cho an toàn.

- Anh hiện đã đến tuổi lập gia đình, anh có kế hoạch gì chưa?

Hiện tôi đã có người yêu và đang rất hạnh phúc. Chúng tôi đã tính đến chuyện lâu dài, không lâu nữa tôi sẽ làm đám hỏi cho hai gia đình gặp nhau rồi vài năm nữa tôi sẽ chính thức tổ chức lễ cưới. Vợ sắp cưới của tôi là hình mẫu lý tưởng, chung thủy và hết lòng yêu thương, lo lắng cho bạn trai.

Sắp tới tôi sẽ định cư tại nước ngoài. Nếu có show tôi vẫn đi diễn và tập chung chuyển hướng sang kinh doanh.

Ngoài đam mê ca hát, Trịnh Tuấn Vỹ còn yêu thích chơi bóng.

MV "Trèo cao té đau" làm nên tên tuổi Trịnh Tuấn Vỹ.

Theo Phan Trai Úc (Dân Việt)

Nguồn 24H: http://24h.com.vn/doi-song-showbiz/ong-hoang-nhac-dance-10-nam-truoc-hat-hoi-cho-kiem-30-trieu-dong-dem-c729a919909.html