'Ông hoàng cải lương' Minh Vương đào hoa, đời thăng trầm, đa đoan

Hơn nửa thế kỷ, Minh Vương dù không còn là 'ông hoàng' của sân khấu nhưng giọng ca vang đồng của ông vẫn được người ta yêu, người ta mến. Trong những ngày tháng đỉnh cao sự nghiệp, vinh quang của Minh Vương không thể kể hết, nhưng ông cũng phải đón nhận nhiều thị phi, lắm điều tiếng và có những lúc, bóng đen ấy đã phủ kín khiến ông mất tất cả.

Lên “ngai vàng” ở độ tuổi thanh xuân

NSƯT Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1950 ở Cần Giuộc, Long An. Năm 10 tuổi, cậu bé Vưng theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống và cũng từ thời điểm này cậu đến với cải lương. Chuyện là gần nhà Vưng có thầy Bảy Trạch, một nghệ nhân đờn ca tài tử nổi tiếng ở quận 8. Hàng ngày, cậu bé Vưng thường kiếm cớ đến nhà thầy để được nghe vọng cổ và rồi thích mê môn nghệ thuật ấy. Sau một thời gian nghe lỏm, Vưng đến gặp thầy xin được làm đệ tử. Nhận thấy tiềm năng của Vưng, thầy Bảy Trạch dồn nhiều công sức đào tạo. Năm Vưng 14 tuổi, cậu được thầy đưa đi tham gia cuộc thi Khôi Nguyên vọng cổ và thật bất ngờ, cậu bé đã vượt qua hơn 300 giọng ca khác để trở thành Khôi Nguyên.

Sau khi là Khôi Nguyên, Vưng trở thành gương mặt nhí được các ông bầu để mắt, cuối cùng cậu ký giao kèo 2 năm với ông bầu Long (đoàn Kim Chung). Giao kèo có giá trị 10 ngàn đồng, Vưng đã biếu thầy một nửa, số tiền còn lại Vưng đưa hết cho cha mẹ để lo cho gia đình và các em.

Gia nhập đoàn cải lương, Vưng được ông bầu Long đặt tên là Minh Vưng, sau đó đổi thành Minh Vương kèm theo lời hứa “Tôi sẽ cho cậu làm vua trong nghề hát". Quả đúng như vậy, dù chỉ là một cậu bé nhưng Minh Vương dễ dàng chiếm được tình cảm của khán giả và nhanh chóng nổi tiếng khắp các tỉnh miền Nam.

Minh Vương trở thành Khôi Nguyên năm 14 tuổi.

Trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cái tên Minh Vương là hiện tượng. Ông không chỉ là kép chánh được yêu thích trên sân khấu mà còn được nhiều hãng đĩa chú ý.

Trên sân khấu, nghệ sĩ Minh Vương đã bao lần bước lên “ngai vàng” sáng chói, mức thù lao cũng tăng lên vù vù khi băng đĩa, quầy bán vé những điểm diễn treo tên ông đều bán đắt như tôm tươi. Năm 1972, Minh Vương thực sự bước lên “ngai vàng” khi đứng ra lập gánh hát Cải lương Việt Nam - Tiếng hát Minh Vương, năm 1972. Vở khai trương gánh hát - Nắng thu về ngõ trúc được khán giả đón nhận cuồng nhiệt.

Đến nay, Minh Vương đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông đã trở thành một tượng đài, nhiều vai diễn đã trở thành biểu tượng. Trãi (vở Rạng ngọc Côn Sơn - giải A1 toàn quốc năm 1985), Minh (Tô Ánh Nguyệt), Luân (Đời cô Lựu), Thắng (Pha lê và cát bụi), Tùng (Nửa đời hương phấn), Cang (Kẻ ngoại tình - HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990),... là những vai diễn như thế.

Ra tòa vì fan nữ cuồng mê

Ngày trẻ Minh Vương là chàng trai có vẻ ngoài cuốn hút, mái tóc dài lãng tử, giọng ca đồng vang hiếm có. Ông thường đảm nhận kép chánh chung tình, lãng mạn và nhiều u sầu. Vì thế mà Minh Vương rất được lòng các cô gái, họ mê ông đến cuồng nhiệt.

Ngay cả Minh Vương cũng không thể nói chính xác đã có bao nhiêu người phụ nữ đã yêu ông đến cạn lòng. Họ sẵn sàng làm mọi điều để được ngắm, được chạm vào thần tượng. Chỗ nào có Minh Vương diễn sẽ có hàng ngàn cô gái đứng chờ ông ở cửa soát vé. Họ chỉ mong một lần được nhìn thấy mặt ông thật gần. Và có cả những cô gái tìm mọi cách lén leo lên cánh gà, để mong ông ký cho một chữ vào chiếc khăn mùi xoa làm kỷ niệm. Khi đoàn hát đi qua điểm diễn khác, nhiều cô gái vẫn tiếp tục đến xem và tìm gặp Minh Vương, rồi khóc hạnh phúc ra về.

Nói về lý do được nhiều phụ nữ mê đắm đến vậy, ông trải lòng: “Lý do đầu tiên khiến nhiều phụ nữ yêu tôi có lẽ một phần cũng vì tôi chuyên đóng những vai diễn hiền lành, cực khổ và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Phần vì tôi cũng thuộc mẫu người khá đa cảm, đa tình, dễ xúc động. Đó là bản tánh trời cho của người nghệ sĩ trong tôi... Nhưng tôi không áy náy, ân hận vì mình chưa bao giờ lừa dối, gạt gẫm bất kỳ một người phụ nữ nào. Những ai bày tỏ tình cảm với tôi, tôi đều nói thật hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại của mình”.

NSƯT Minh Vương trong vai Lý Quảng (trích đoạn Hoa Mộc Lan). Ảnh: Thanh Hiệp

Tuy nhiên, cũng chính vì quá được mến mà cuộc đời của Minh Vương có nhiều lụy phiền, đau khổ vì 2 chữ phụ nữ. Hôn nhân của ông tan vỡ cũng vì những hệ lụy từ tình yêu của khán giả nữ.

Ngày ra tòa, vợ không muốn ly hôn nhưng NSƯT Minh Vương vẫn kiên quyết. Ông nói với tòa, nếu không được ly hôn, ông sẽ chết. Vậy mà khi được chấp nhận cho ly hôn, ông lại khóc như mưa. Ông khóc vì thương các con phải tan đàn xẻ nghé. Bản thân ông cũng có những ngày chông chênh sau đổ vỡ.

Một trong những giai thoại người ta hay nhắc đến khi nói về sức hút của Minh Vương chính là, có 300 người đăng ký làm vợ “ông hoàng cải lương” khi nghe tin ông ly hôn. Khi hỏi Minh Vương về điều này, ông chỉ cười và nói, làm nghệ sĩ vốn đa cảm, nếu không đa cảm chẳng thể diễn hay được, thế nên ông luôn đón nhận tình cảm yêu mến của khán giả.

Ngày ấy ông nhận được hàng trăm bức thư của người hâm mộ và hầu hết là khán giả nữ. Họ viết cho ông để thể hiện sự ngưỡng mộ, yêu mến và rất nhiều người tỏ tình với ông qua thư. Minh Vương luôn trả lời tất cả các bức thư ấy, ông còn tuyển thêm một người thư ký, người này sẽ cùng ông đọc và trả lời thư của người hâm mộ. Đến nay, dù đã ở cái tuổi 70, ông vẫn nhận được thư từ người hâm mộ và vẫn giữ thói quen viết thư trả lời.

Sự cuồng nhiệt của khán giả đưa ông lên “ngai vàng” nhưng chính nó cũng khiến ông phải hầu tòa. Vụ việc liên quan đến căn nhà ông được một người hâm mộ tặng không chỉ làm hao tốn nhiều bút mực của báo chí mà còn khiến ông phải chịu nhiều tai tiếng. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn với Minh Vương. Người thân vì sợ ông không chịu nổi sức ép từ dư luận nên làm thủ tục cho ông qua Australia định cư, nhưng cầm vé máy bay rồi Minh Vương lại xé bỏ. Ông không dám xa cải lương vì đã quá yêu nó mất rồi.

Nghệ sĩ Minh Vương hạnh phúc bên người vợ hết lòng chăm sóc ông trong gần 30 năm qua.

Nhờ cải lương ông có mọi thứ, danh tiếng và sự yêu mến đến điên cuồng của những người phụ nữ mến tài. Sân khấu, thứ ánh sáng mê hoặc như đã ăn sâu vào tâm khảm, vào trái tim nên ông không thể bỏ. Ông biết khi bỏ mình sẽ đau đớn đến mức nào. Thế là, ông từ chối sự sắp xếp của gia đình để tiếp tục cuộc hành trình của “ông hoàng cải lương”. Ngay cả khi cải lương “tuột dốc”, ông vẫn được người ta nhắc đến, vẫn được ca ngợi và khán giả vẫn dành cho Minh Vương những tràng pháo tay cuồng nhiệt khi đứng trên sân khấu.

Sau hai lần ly hôn, nghệ sĩ Minh Vương tìm thấy bình yên khi lấy người vợ thứ ba, năm 1990. Người vợ này của nghệ sĩ Minh Vương tên là Đỗ Thị Hồng, bà luôn ủng hộ chồng theo đuổi sự nghiệp. Bà Hồng cũng là người vợ hết lòng chăm sóc ông trong suốt những năm qua. Bà là người cùng ông trải qua mọi vui buồn sướng khổ, là người cận kề những lúc ông đau yếu, là người chăm chút cho chồng từng bộ phục trang. Mỗi khi chồng ra sân khấu hát, bà lại ngồi nép mình ở một góc cánh gà, chăm chú theo dõi chồng bằng ánh mắt đầy yêu thương, ngưỡng mộ. Với một người vợ như vậy, Minh Vương đã tìm được bình yên cho chữ duyên tình.

Hiện tại, “ông hoàng cải lương” đã bước vào tuổi xế chiều. Ông đã không còn khát khao lớn cho nghiệp diễn mà chỉ mong được gặp khán giả thường xuyên để thỏa mãn tình yêu ca diễn. Ông cũng chẳng thể diễn cả vở dài mà chỉ hát được những bài vọng cổ riêng lẻ, nhưng với ông thế là đủ. Được đứng trên sân khấu, được hát, được gặp khán giả, được nhận những tràng pháo tay cuồng nhiệt là ông thấy hạnh phúc. Vì vậy mà, khi có người mời, sức khỏe cho phép là ông nhận lời mà chẳng màng đến chuyện cát-xê. Cái ông cần bây giờ là khán giả, là được chứng kiến lớp nghệ sĩ trẻ nuôi dưỡng nghệ thuật cải lương.

Nguồn: Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/-ong-hoang-cai-luong-minh-vuong-dao-hoa-doi-thang-tram-da-doan-a367633.html