Ông Hòa trải lòng chuyện bán chất xám nuôi tàu ngầm

Để đủ kinh phí thực hiện giấc mơ tàu ngầm Việt, ông Hòa vẫn miệt mài chế tạo các dự án máy móc khác.

Ngày 4/10, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình). Thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hòa đã nổi lên như người kỹ sư đầu tiên tại Việt Nam chế tạo thành công tàu ngầm mini.

Dưới sự giám sát và hỗ trợ của hải quân Việt Nam, các phiên bản tàu ngầm Trường Sa 01, Hoàng Sa đều đã thử nghiệm thành công trên biển.

Thời gian gần đây, dù vẫn đang ấp ủ dự án Trường Sa 02 với mục đích chế tạo ra một phiên bản lớn hơn, với tốc độ chạy cao hơn, chở được nhiều người hơn, lặn sâu hơn và mang theo được nhiều hàng hóa hơn bên trong tàu.

Để đủ kinh phí thực hiện giấc mơ tàu ngầm Việt, ông Hòa vẫn miệt mài chế tạo các dự án máy móc khác theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất, với mục đích nâng cao khả năng tự động hóa, gia tăng giá trị sản lượng và tiết kiệm chi phí nhân công cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về các dự án vừa thực hiện thời gian qua, ông Hòa khẳng định đã có những dây chuyền máy sản xuất do ông và các kỹ sư của công ty chế tạo đủ khả năng thay thế cả một công xưởng khoảng 50 công nhân.

Dây chuyền máy in và gia công sau in do ông Nguyễn Quốc Hòa chế tạo

Dây chuyền máy in và gia công sau in do ông Nguyễn Quốc Hòa chế tạo

Ví dụ như dây chuyền làm máy gấp túi giấy cho một doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp Tân Tạo (TPHCM) cho sản lượng 14.000 túi/giờ. Hoặc dây chuyền tự động hóa toàn bộ các công đoạn in, đủ sức thay thế cả một xưởng in và gia công sau in.

Ông Nguyễn Quốc Hòa nhận định: “Tự động hóa góp phần giảm chi phí hoạt động cho một doanh nghiệp. Bây giờ chúng ta mới bàn đến tự động hóa, nhưng thực ra các nước công nghiệp phát triển trên thế giới coi nó như một câu chuyện xưa cũ. Người ta đang tiến tới trí tuệ nhân tạo thay thế toàn bộ khả năng sản xuất của con người, chúng ta bây giờ mới từng bước tự động hóa, như thế đã là rất trì trệ so với xu hướng chung của cả thế giới.

Tôi đồng ý việc tự động hóa sẽ làm dư thừa lao động. Nhưng thực tế sau khi các sản phẩm sản xuất hàng loạt ra đời vẫn còn rất nhiều công đoạn cần đến bàn tay của người lao động. Chỉ có điều, thay vì họ phải làm vất vả 7 ngày trong tuần, họ chỉ còn phải làm 4 ngày. Như vậy là tiết kiệm công sức của chính người lao động. Thời gian dư thừa, họ hoàn toàn có thể làm những công việc khác để nâng cao thu nhập.”

Đánh giá về vấn đề giải quyết lao động dư thừa, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Khi người lao động dư thừa thời gian, dư thừa sức khỏe, trong khi thu nhập bằng hoặc giảm đi, họ sẽ phải tìm cách thích ứng với việc đó và tự tìm cho mình một công việc làm thêm, hoặc công việc mới để giải quyết những thiệt thòi của họ.

Đến lúc này, các cấp chính quyền, các công ty buộc phải có những biện pháp để đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật mới, hoặc đào tạo hướng nghiệp một mô hình mới. Hãy nhìn theo bài học của Đông Đức – Tây Đức từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi hai miền thống nhất, người Đông Đức thua kém về kỹ thuật sản xuất, nhưng họ buộc phải học tập, nâng cao tay nghề mới có thể duy trì được đồng lương và chất lượng cuộc sống”.

Ông Nguyễn Quốc Hòa và những đối tác nước ngoài

Chia sẻ thêm, ông Hòa cho rằng với một công nhân sản xuất lành nghề, họ có nhiều con đường để lựa chọn hướng đi cho mình, hoặc nâng cao tay nghề để tiệm cận với các kỹ sư, hoặc tập trung vào việc phát triển những sản phẩm mang tính thủ công. “Cần nhớ rằng sản phẩm thủ công ở các nước phát triển có giá cao hơn rất nhiều những sản phẩm sản xuất hàng loạt”

“Theo tôi, tự động hóa là một quá trình tất yếu của quy trình sản xuất. Đó là cơn ác mộng với những người lười biếng, thụ động, không chịu tư duy sáng tạo, học hỏi. Còn với những người lao động có quyết tâm, họ không thiếu cách để làm việc. Tự động hóa mang lại lợi ích về thời gian, công sức. Và người biết sử dụng thời gian, công sức một cách hợp lý sẽ không lo bị đào thải” – Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.

Đỗ Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/ong-hoa-trai-long-chuyen-ban-chat-xam-nuoi-tau-ngam-3366709/