Ông Gorbachev kêu gọi Mỹ đối thoại với Nga về Hiệp ước hạt nhân INF

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kêu gọi Mỹ đối thoại với Nga về Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nhằm ngăn chặn sự mất ổn định an ninh toàn cầu.

 Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: Sputnik

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: Sputnik

"Tôi rất tiếc là tình hình nội bộ khó khăn ở Mỹ trong những năm gần đây trên thực tế đã dẫn đến gián đoạn đối thoại giữa hai nước chúng ta về tất cả các chủ đề, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Đã đến lúc phải vượt qua những khó khăn giữa các chính đảng Mỹ và bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc. Tôi chắc chắn rằng Nga sẽ sẵn sàng cho điều đó" - ông Gorbachev nói trong chuyên mục của mình trên tờ Vedomosti của Nga.

Cựu lãnh đạo Liên Xô tin rằng Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước INF để "thoát khỏi mọi hạn chế trong lĩnh vực vũ khí và giành quyền tối cao quân sự nhằm áp đặt ý chí của mình trên toàn cầu.

"Sự phát triển hủy diệt ngày nay có thể dẫn đến sự mất ổn định của tình hình chiến lược toàn cầu, một cuộc chạy đua vũ trang mới, tình trạng hỗn loạn và bất ổn trong chính trị toàn cầu. An ninh của tất cả các nước, bao gồm cả Mỹ, sẽ bị thách thức" - ông Gorbachev nói thêm.

Mỹ cho là phạm vi hoạt động tên lửa 9M729 của Nga vi phạm các giới hạn của Hiệp ước INF, song Nga bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh rằng chúng không có căn cứ.

Đến lượt mình, Nga cho là các hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Châu Âu được trang bị bệ phóng có khả năng bắn tên lửa hành trình ở phạm vi bị cấm theo Hiệp ước INF.

Đầu tháng 2, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong Hiệp ước INF và kích hoạt tiến trình rút khỏi Hiệp ước trong 6 tháng, trừ khi Nga tuân thủ trở lại.

Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố, Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước INF để đáp trả những hành động của Mỹ.

Hiệp ước INF, được ký giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987, cấm tất cả các tên lửa phóng từ mặt đất trong tầm bắn từ 500 đến 5.000km. Khi Hiệp ước được ký kết giữa cựu Tổng thống Ronald Reagan và cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev tại Washington DC, Mỹ và Liên Xô là hai quốc gia duy nhất trên thế giới có công nghệ hạt nhâm tầm trung hoàn chỉnh.

Giờ đây, Trung Quốc và các nước khác như Pakistan, Ấn Độ và Triều Tiên được cho là có khả năng như vậy, và họ không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF - một diễn tiến làm phức tạp thêm triển vọng của các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới.

Khánh Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/ong-gorbachev-keu-goi-my-doi-thoai-voi-nga-ve-hiep-uoc-hat-nhan-inf-657063.ldo