'Ông già Điện Biên' kể chuyện truyền thống

Dù đã gần 100 tuổi, nhưng khi được mời tới kể chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho học sinh, ông vẫn nhớ vanh vách từng chi tiết và kể rất hào sảng. Bởi thế, nên bà con địa phương thường thân mật gọi người cựu chiến binh (CCB) đó là 'ông già Điện Biên'. Ông là Hoàng Văn Đồng, ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tham gia du kích tháng 8-1945, sau một thời gian chiến đấu trên địa bàn tỉnh, chàng thanh niên Hoàng Văn Đồng được tuyển vào quân đội rồi nhận nhiệm vụ sang Lào chiến đấu giúp nước bạn. Trong 5 năm ở chiến trường Nam Lào đầy khó khăn gian khổ, trải qua nhiều trận đánh, với tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ, từ chiến sĩ, Hoàng Văn Đồng được đề bạt làm cán bộ trung đội và lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong trận đánh đồn Mường Noòng, bị đạn địch găm vào vai, máu ra nhiều, nhưng Hoàng Văn Đồng vẫn không rời trận địa, cùng đơn vị tiêu diệt đồn và thừa thắng tiến công giải phóng Sê Pôn. CCB Hoàng Văn Đồng kể: "Hồi đó, bộ đội Việt Nam ở nước bạn Lào sống thiếu thốn đủ thứ, quần áo có khi hai người mặc chung một bộ, nhưng vẫn đầy lạc quan. Bà con các bộ tộc Lào thương bộ đội Việt Nam, cho ít gạo nương làm bánh chưng đón Tết, thực phẩm chủ yếu lấy trong rừng. Khó khăn là vậy nhưng Quân tình nguyện Việt Nam đã đoàn kết, phối hợp với bộ đội Pathet Lào đánh thắng nhiều trận. Quân Pháp dù có trang bị vũ khí hiện đại, nhưng vẫn chịu thất bại nặng nề".

CCB Hoàng Văn Đồng (thứ 6, từ trái sang) kể chuyện đánh địch ở Điện Biên Phủ cho học sinh ở thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bên đất bạn Lào, chiến sĩ Hoàng Văn Đồng trở về nước tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1950, Hoàng Văn Đồng về Việt Bắc, được cử giữ chức đại đội phó thuộc đơn vị bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu, sau đó làm Chính trị viên Đại đội 924, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Hành quân lên Điện Biên Phủ, kéo pháo vào rồi lại kéo ra, bao gian khổ, nhưng ông đã cùng đơn vị vượt qua. Khi đánh Đồi A1, đại đội trưởng bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau, Hoàng Văn Đồng bị thương ở lưng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Đồng thường kể nhiều chuyện cho các học sinh và chiến sĩ nghe, nhưng thú vị nhất vẫn là chuyện đánh Đồi A1. Các em nghe say sưa, thỉnh thoảng ông lại pha trò, kể chuyện lính Tây bị bao vây nhiều ngày, phải mò ra khỏi công sự tìm nước uống, nhặt hàng tiếp tế, bị quân ta bắt sống hoặc bắn tỉa, nhiều tên khóc rống lên. Rồi chuyện bộ đội ta nhặt được hàng chiến lợi phẩm, có cả thư tình từ Pháp gửi sang... Những câu chuyện hấp dẫn giúp các cháu học sinh dễ nhớ hơn về các mốc son lịch sử.

Năm 1954, về tiếp quản Thủ đô chưa được bao lâu, ông lại cùng đơn vị trở lên Điện Biên Phủ khai phá đất đai, xây dựng quê hương vừa thoát khỏi chiến tranh theo chủ trương “ngụ binh ư nông”. Lần này, ông đưa vợ con từ Quảng Bình ra làm việc ở nông trường quân đội. Năm 1961, ông lại được lệnh sang Lào làm chuyên gia quân sự tiễu phỉ, rồi đánh Mỹ. Đến năm 1978, ông được về nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, do gương mẫu, sống có nghĩa có tình nên ông được bầu đảm nhiệm nhiều chức vụ, như: Bí thư Đảng ủy bộ phận, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến khi tròn 80 tuổi, ông xin nghỉ và dành phần lớn thời gian cho việc sưu tầm tài liệu để làm nhân chứng sống về lịch sử chống Pháp, chống Mỹ. Mặc dù tuổi cao, nhưng sức còn khỏe, đôi chân còn dẻo dai, ông thường xuyên đạp xe đi kể chuyện truyền thống vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát đau nhức, nhưng khi được mời đi kể chuyện, ông lại vui vẻ chuẩn bị đồ đạc, xem lại “giáo án” tự biên rồi hăng hái lên đường. Đến nay, khi đôi chân đã yếu, ông lại được đón đi kể chuyện truyền thống bằng xe gắn máy, xe ô tô. Cũng có khi ông kể chuyện tại nhà. Khoảng sân rộng và vườn cây râm mát của gia đình ông là nơi thường tổ chức những giờ học lịch sử trực quan hấp dẫn đối với học sinh.

Dù “lên lớp” tại nhà hay ở trường, bao giờ cũng vậy, với bộ quân phục chỉnh tề, nhiều huân chương đeo trên ngực, ông luôn hào hứng kể cho các cháu nghe về lịch sử oai hùng của quân đội và dân tộc ta với chất giọng đầy hào khí Điện Biên.

Bài và ảnh: XUÂN VUI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ong-gia-dien-bien-ke-chuyen-truyen-thong-543791