Ông Erdogan biến đột phá của Putin thành công cụ hại Nga

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược trong NATO, nên việc Ankara chịu đèn Washington để TurkStream khô đường ống là rất dễ hiểu...

Thổ Nhĩ Kỳ tăng mua khí đốt Azerbaijan, để TurkStream khô đường ống

Tin từ Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết, nhà sản xuất khí đốt hàng đầu của Nga liên tục bị thu hẹp thị phần trên thị trường khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ, khi khách hàng lớn thứ hai này của Nga đã từ chối gần như hoàn toàn nguồn cung từ Nga.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, chỉ có 2 triệu m3 khí đốt được bơm sang Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 - ít hơn 1.127 lần so với tháng 1 và ít hơn 585 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bắt đầu từ tháng 1, nguồn cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ của Gazprom rơi tự do: vào tháng 1 là 2,254 tỷ m3, tháng 2 là 1,119 tỷ m3, tháng 3 là 0,394 tỷ m3, tháng 4 là 0,473 tỷ m3, tháng 5 là 0,342 tỷ m3 và vào tháng 6 chỉ còn 0,002 tỷ m3.

Trong khi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm tiêu thụ tới 11 tỷ m3 khí đốt của Nga. Và với thực tế sút giảm sản lượng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy việc cung cấp khí đốt của Gazprom cho thị trường này gần như đã dừng lại.

TurkStream thường xuyên bị khóa van, nên luôn trong tình trạng khô đường ống

TurkStream thường xuyên bị khóa van, nên luôn trong tình trạng khô đường ống

Đáng nói là việc sụt giảm nhu cầu khí đốt Nga tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngay sau khi Dự án đường ống dẫn khí TurkStream hoàn tất và được đưa vào vận hành, mà tất cả công suất là 15,5 tỷ m3 khí được ưu tiên cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguyên nhân được lý giải là do TurkStream phải dừng lại để bảo trì. Chẳng hạn, vào tháng 5, Gazprom thông báo ngừng bơm qua khí qua đường ống dẫn TurkStream để bảo trì đường ống trong vòng 2 tuần. Song đến tháng 7 đường ống vẫn trống trơn.

Ngày 27/7, Công ty Botas của Thổ Nhĩ Kỳ lại thông báo về việc đóng van lần thứ hai của TurkStream. Theo Botas, đường ống dẫn khí này sẽ ngừng hoạt động trong 2 tuần - đến ngày 10/8 - để sửa chữa. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy vận hành lại.

Tuy nhiên, theo trang tin điện tử tài chính Nga Finan.ru thì vấn đề TurkStream dừng vận hành để bảo trì đường ống không phải là lý do chính, mà thực chất là do nhu cầu sụt giảm mạnh trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều gì khiến nhu cầu khí đốt Nga sụt giảm quá nhanh tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ? Đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ đang thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt từ Azerbaijan, quốc gia đã duy trì vị thế là nhà cung cấp lớn nhất cho nước này kể từ tháng 3/2020.

Được biết, ngay từ năm 2019, nguồn cung cấp khí đốt của Azerbaijan cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh. Khi đốt từ mỏ Shah Deniz của Azerbaijan cho thị trường này đã tăng tới 27%. Sang năm 2020, Ankara còn thúc đẩy sự gia tăng mạnh hơn.

Theo Interfax, trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov về vấn đề hợp tác năng lượng giữa Ankara và Baku, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết :

“Azerbaijan đã chiếm vị trí đầu tiên trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tăng lượng mua khí đốt từ Azerbaijan. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực".

Hai gọng kìm của Nga đối với khí đốt thị trường EU đều đang bị cứng

Theo Reuters, ngoài tăng mua khí đốt của Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ còn có kế hoạch tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường giao ngay. Dấu hiệu này cho thấy dường như Ankara đã chuẩn bị cho TurkStream dừng vận hành thời gian dài.

Trước thực tế sụt giảm mạnh nhu cầu của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và những động thái của Ankara, Gazprom được cho là đã lên kế hoạch chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với việc vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream.

Ông Erdogan muốn sử dụng đột phá khẩu của Putin làm công cụ hại Nga?

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã được xem là đột phá khẩu của Tổng thống Putin vào vòng vây cấm vận - trừng phạt của Mỹ-phương Tây bao quanh nước Nga, sau khi Dòng chảy phương Nam chết yểu.

Finacial Times ngày 11/10/2016 từng bình luận rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng nhau “vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu” khi Nga có thể bỏ qua cửa ngõ Ukraine và mở những tuyến đường ống mới để cung cấp khí đốt cho toàn bộ khu vực Tây Âu.

Từ “vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu”, Kremlin có thể sử dụng an ninh năng lượng làm công cụ phá cấm vận trừng - phạt của Mỹ-phương Tây và Moscow còn có thể chuyển đổi an ninh năng lượng thành đòn bẩy kinh tế cho nước Nga.

Nghĩa là đầu tư vào Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là nhất cử lưỡng tiện với chiến lược kinh tế của Tổng thống Putin và chính phủ Nga nhằm vượt cấm vận trong bối cảnh không thể thoát cấm vận của Mỹ-phương Tây.

Ngày 8/1/2020, phát biểu tại lễ khánh thành TurkStream, Tổng thống Putin đã khẳng định việc thực hiện thành công dự án chung quy mô lớn này chứng tỏ quan hệ đối tác chiến lược Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công, mang lại kết quả rõ rệt và thực chất.

Vậy mà sau khi TurkStream mở van thì nhu cầu khí đốt Nga tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi tự do theo hướng giảm dần đều, thay bằng khí đốt Azerbaijan theo hướng tăng dần đều. Điều đó khiến cho TurkStream khô đường ống.

Hành lang khí đốt phía Nam cũng là một chướng ngại vật với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Điều gì đã cho khiến đột phá khẩu của Tổng thống Putin lại rơi vào cảnh trớ trêu như vậy? Không khó nhận diện đây là hệ quả tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời là chiêu trò kinh tế hóa chính trị của Ankara nhằm tối đa hóa lợi ích từ Moscow.

Có thể thấy, khi Mosow chọn "sống chung với trừng phạt", tích cực hóa trừng phạt để phục vụ lợi ích dân tộc, gia tăng sức mạnh quốc gia và chiếm lĩnh mặt bằng sân khấu chính trị thế giới, đã khiến Washington giật mình.

Những hiệu ứng tích cực từ nước Nga đang tạo ra xu hướng "chấm dứt chủ nghĩa bá quyền của Mỹ-phương kéo dài hàng thế kỷ, từ đó định hình lại trật tự thế giới, mà Nga có vai trò trong cả tạo hình và định hình".

Nếu để "yếu tố Nga" ảnh hưởng quá mạnh mẽ và sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội tại Châu Âu, Mỹ sẽ khó có thể tránh phải đối mặt nguy cơ ở các nước đồng minh sẽ xuất hiện những chuyển động ly tâm Mỹ một cách tự nhiên, mạnh mẽ.

Vì vậy, Mỹ quyết ngăn chặn hậu họa bằng việc áp trừng phạt đối với bất cứ nghiệp vụ kinh tế phát sinh nào liên quan tới yếu tố Nga, đặc biệt là những nghiệp vụ kinh tế trực tiếp ảnh hưởng đến việc tạo hình cho những chuyển động chính trị.

Dự án Dự án TurkStream có liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng của Châu Âu - yếu tố nền tảng trong tạo hình cho các chuyển động chính trị, vì vậy Wahsington đã trừng phạt TurkStream - cùng với NordStream-2.

Dù có nhiều chuyển động lệch pha, song Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh chiến lược trong NATO, nên việc Ankara chịu đèn Washington để cho TurkStream không thể vận hành trơ tru là dễ hiểu.

Ankara đang thách thức Moscow ở Nam Caucasus bằng đột phá khẩu của Putin

Trong bối cảnh Mỹ liên tục dựng lên những rào cản với Nord Stream-2, thì việc Thổ Nhĩ Kỳ để TurkStream khô đường ống là một thách thức rất lớn với "chiến lược đưa nước Nga thoát ra theo các dòng chảy" của Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, với việc South Stream bị chết yểu và TurkStream chỉ được tái khởi động sau khi Erdogan phải chạy lại với Putin, chắc chắn cựu điệp viên KGB Vladimir Putin phải tính tới những phát sinh bất lợi với đột phá khẩu của mình.

Tức là TurkStream khô đường ống chỉ là hiệu ứng nhất thời chứ không phải dấu hiệu của việc TurkStream chết yểu. Vậy Tổng thống Putin có công cụ gì để có thể khiến TurkStream mở van trở lại, xin phép giới thiệu ở kỳ sau.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-erdogan-bien-dot-pha-cua-putin-thanh-cong-cu-hai-nga-3416411/