Ông Duterte thách thành phần quân đội phản đối ông dám nổi dậy

Ông Duterte thách thành phần quân đội phản đối ông dám nổi dậy sau khi một nghị sĩ chống đối ông đề cập khả năng này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại sân bay quốc tế Davao ở TP Davao sau khi trở về từ Israel ngày 8-9. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 11-9 lên tiếng thách các cựu binh và binh sĩ tại ngũ có quan điểm phản đối ông dám tiến hành một cuộc nổi dậy lật đổ ông.

Phát ngôn này có liên quan đến diễn biến tranh cãi giữa ông Duterte và một thượng nghị sĩ mà ông Duterte vừa ra lệnh bắt, theo New York Times.

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes là ai

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes vốn là một cựu sĩ quan hải quân và phản đối kịch liệt ông Duterte. Ông Duterte bị ông Trillanes tấn công dữ dội trong quá trình thực hiện cuộc truy quét tội phạm ma túy làm hàng ngàn người chết.

Ông Trillanes từng tham gia vào hai cuộc nổi dậy quân sự ngắn chống lại một trong những người tiền nhiệm của ông Duterte hơn 10 năm trước. Năm 2003, ông Trillanes lúc đó là một sĩ quan hải quân trẻ dẫn đầu một nhóm 300 binh sĩ trẻ chiếm đóng, cố thủ tại một khách sạn hạng sang ở Makati (thủ đô Manila) biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong quân đội. Cuộc nổi dậy nhanh chóng bị tổng thống Philippines khi đó là bà Gloria Macapagal Arroyo dập tắt cùng lời hứa sẽ xem xét các cáo buộc của nhóm ông Trillanes.

Bốn năm sau, ông Trillanes và một số sĩ quan khác khi đang trình diện tại một phiên tòa ở Manila thì đã bỏ chạy khỏi tòa án, tới chiếm đóng một khách sạn hạng sang khác. Cuộc chiếm đóng cũng kết thúc rất nhanh sau khi quân đội đưa xe bọc thép tấn công vào tận sảnh khách sạn.

Ông Trillanes sau thời gian ngồi tù thì được Tổng thống Benigno S. Aquino III ân xá năm 2010 và được bầu vào Thượng viện. Các sĩ quan khác từng tham gia các cuộc nổi dậy cũng thành công trong chính trị. Trước giờ ông Duterte vẫn cho rằng lệnh ân xá với ông Trillanes không có hiệu lực.

Rút lại lệnh ân xá và ra lệnh bắt

Tuần trước, ông Duterte rút lại lệnh ân xá này và ra lệnh bắt ông Trillanes. Sau hành động này của ông Duterte, ông Trillanes lên tiếng rằng ông có sự ủng hộ rộng khắp trong quân đội nhưng ông vẫn đang cố ngăn chặn một cuộc nổi dậy. Hơn một tuần nay, ông Trillanes cố thủ trong văn phòng mình ở Thượng viện để tránh lệnh bắt.

Thượng nghị sĩ Philippines Antonio Trillanes (trái) tại văn phòng mình ở Thượng viện tuần trước. Ảnh: AP

Lên tiếng trên truyền hình ngày 11-9, ông Duterte cứng rắn: “Tôi thách thức Magdalo khởi sự. Nhưng cần chắc chắn là binh sĩ và tướng tá đi theo quý vị. Hãy cho người dân Philippines thấy điều quý vị thật sự muốn”. Magdalo là tên đảng chính trị của ông Trillanes.

Theo Reuters, ông Duterte cũng cho biết có nhận thông tin tình báo quân đội cáo buộc ông Trillanes âm mưu với các thành phần nổi dậy lật đổ ông. Ông Duterte cho biết thông tin này đến từ "một nước có thiện cảm với chúng ta”.

Phát ngôn của ông Duterte đến chỉ vài tiếng sau khi Tòa án Tối cao nước này từ chối ra phán quyết về đơn khẩn cầu của ông Trillanes đề nghị rút lệnh bắt mà ông Duterte chỉ đạo, chuyển vụ việc xuống tòa án cấp thấp hơn.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cũng cho biết có nhận được một đề nghị của lực lượng vũ trang và cảnh sát không bắt ông Trillanes theo lệnh ông Duterte, trừ khi lệnh bắt được chính tòa án công bố. Ngày 11-9, tại thủ đô Manila có tin đồn thái độ của Tòa án Tối cao có liên quan đến sự triển khai quân đội bất thường nhưng phía quân đội thẳng thừng bác bỏ.

Người ủng hộ ông Trillanes tập trung trước Thượng viện ngày 9-9. Ảnh: AFP

Tòa án Tối cao cũng đề nghị ông Duterte không bắt ông Trillanes đến chừng nào có phán quyết cụ thể của tòa án cấp thấp hơn mà Tòa án Tối cao vừa chuyển vụ việc.

Quân đội chỉ trung thành với hiến pháp

Nhiều nghị sĩ đối lập không đồng tình với việc ông Duterte rút lệnh ân xá và ra lệnh bắt ông Trillanes. Theo Inquirer thì trong ngày 11-9, 5 thượng nghị sĩ đối lập đã cùng gửi kiến nghị lên Thượng viện xem xét khả năng không hợp pháp của việc ông Duterte chỉ đạo thu hồi lệnh ân xá ông Trillanes, nhằm ngăn ông Duterte lạm dụng quyền lực trong tương lai.

Năm thượng nghị sĩ đối lập cùng kiến nghị Thượng viện xem lại việc Tổng thống Duterte thu hồi lệnh ân xá với nghị sĩ Trillanes. Ảnh: INQUIRER

Trong khi đó ngày 10-9, Tổng Tư lệnh quân đội Philippines - ông Carlito G. Galvez Jr cảnh cáo các binh sĩ không đứng về phe nào trong diễn biến tranh cãi giữa ông Duterte và ông Trillanes.

“Tôi nhắc nhở các binh sĩ lục quân, không quân, thủy thủ, thủy quân lục chiến không can thiệp hay tham gia vào chính trị đảng phái. Sự trung thành của chúng ta là với hiến pháp” - tướng Galvez nói, đồng thời bác bỏ có sự bất mãn trong lực lượng quân đội.

Quân đội Philippines trong một buổi lễ hồi tháng 3 với hình ảnh Tổng thống Rodrigo Duterte trên màn hình phía sau. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyện quân đội nổi dậy không mới ở Philippines. Tổng thống Corazon Aquino, nắm quyền trong thời gian Philippines chuyển tiếp lên dân chủ sau hàng thập niên dưới chế độ độc tài Ferdinand Marcos, trải qua sáu cuộc nổi dậy quân sự. Tổng thống Joseph Estrada cũng bị quân đội nổi dậy năm 2001 và đã bị đuổi ra khỏi văn phòng tổng thống.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/ong-duterte-thach-thanh-phan-quan-doi-phan-doi-ong-dam-noi-day-791947.html