Ông Donald Trump đã góp phần đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ vực

Nhưng Mỹ không hẳn là toàn bộ nguyên nhân gây ra sự chao đảo kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 10/8, ông Berat Albayrak, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một kế hoạch kinh tế mới trong một bài phát biểu. Bài phát biểu này được kì vọng sẽ cứu đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tình cảnh rơi xuống vực thẳm, hoặc ít nhất cũng làm đệm đỡ bớt chấn động cho đồng tiền này.

Thế nhưng khi ông Albayrak vừa kết thúc phát biểu, tổng thống Mỹ Donald Trump liền đăng trên Twitter là ông sẽ tăng gấp đôi thuế quan lên sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là đồng lira giảm giá sâu hơn nữa. Trong vòng một giờ đồng hồ, đồng lira đã rơi xuống mức 6,8 đồng ăn 1 USD, mức thấp nhất trong vòng một thập niên qua. Đồng lira đã hồi phục một ít sau đó, nhưng tính từ đâu năm đến nay đồng tiền này cũng đã mất khoảng 40% giá trị so với đồng USD.

Quyết định của ông Trump đến vào lúc tranh chấp nảy lửa giữa hai đồng minh NATO này ngày càng gia tăng. Bộ Tài chính Mỹ đã đóng băng tài sản của hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vì vai trò của hai người này trong việc bắt giữ và giam cầm một mục sư người Mỹ (một thỏa thuận để thả vị mục sư này về Mỹ đã đổ vỡ vào phút chót).

Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ được cử đến Washington để tháo gỡ căng thẳng cũng không đạt được tiến triển nào khả quan. Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền của ông Trump hiện đang bất hòa về nhiều vấn đề khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua một hệ thống tên lửa hiện đại từ Nga, điều đã khiến nhiều đồng minh NATO cảm thấy bất an.

Một trong những ngân hàng lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã có dính líu vào một kế hoạch nhằm lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giận dữ vì Mỹ tài trợ cho các nhóm chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ coi các nhóm này là các tổ chức khủng bố người Kurd. Một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Mỹ nhúng tay vào cuộc đảo chính chống lại tổng thống Recep Tayyip Erdogan hai năm trước.

Ông Erdogan có vẻ như không sẵn sàng nhượng bộ. Ông cho rằng sự rớt giá của đồng lira là một âm mưu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bài phát biểu trước khi ông Trump tuyên bố áp thuế quan, ông Erdogan nói rằng đất nước của ông đang trong một “cuộc chiến kinh tế” chống lại các thế lực nước ngoài và kêu gọi những người ủng hộ ông cứu đồng lira bằng cách đổi đồng USD và euro lấy lira. Ông cho biết: “Đây là phản ứng tốt nhất của chúng ta dành cho phương Tây”.

Nhưng đồng lira đã chịu áp lực từ rất lâu trước khi có sự tranh cãi với Mỹ. Ông Erdogan đã dựa vào ngân hàng trung ương để giữ cho lãi suất thấp, cổ vũ các công ty Thổ Nhĩ Kỳ lao vào tín dụng giá rẻ, phần lớn là tính bằng USD. Kết quả là họ đã ngập trong khoản nợ khoảng 220 tỷ USD.

Lạm phát đã chạm mức 16% vào tháng trước. Ông Albayrak, vốn là con rể ông Erdogan, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào tháng trước và khiến các nhà đầu tư càng lo sợ hơn. Ông này đã không thể giải quyết các thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Trong khi đồng lira phá kỷ lục thấp nhất hết lần này đến lần khác, ông Albayrak đã đợi suốt một tuần rồi một mới công bố một chương trình cải cách, mà trong đó không có một đề xuất nào cụ thể.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương lại giả vờ như không thấy không biết. Lần cuối ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất là ngày 7/6. Từ đó đến nay đồng lira đã mất đến một phần ba giá trị.

Nguồn The Economist

Bá Ước

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/ong-donald-trump-da-gop-phan-day-tho-nhi-ky-den-bo-vuc-3325411/