Ông Donald Trump bị chỉ trích vì thương vụ bán công nghệ hạt nhân

Phe chống đối Tổng thống Donald Trump trong Quốc hội Mỹ vừa công bố một bản báo cáo cảnh báo về nguy cơ của việc chuyển giao các công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia.

Theo báo cáo, một người bạn thân của tổng thống là thương gia Thomas Barrack vừa đạt được thỏa thuận ký kết hợp đồng bỏ qua điều khoản ngăn cấm quốc gia mua lại sử dụng công nghệ trên để chế tạo vũ khí hạt nhân. Được biết tham gia vào sơ đồ vận động hành lang trên còn có cả cựu cố vấn Tổng thống Michael Flynn.

Vào đúng ngày xuất hiện báo cáo trên, tờ The Wall Street Journal cũng tung ra một thông tin nhạy cảm cho biết, một trong những kẻ tổ chức ra vụ khủng bố 11-9-2011 sẵn sàng đưa ra lời khai chống lại chính quyền Saudi Arabia để đổi lấy việc có thể tránh khỏi bản án tử hình…

Người đứng đầu Ủy ban Quốc hội về giám sát và cải cách – nghị sĩ Dân chủ Elijah Cummings – khẳng định, chính những người bạn thân của Donald Trump đã đứng ra vận động hành lang cho quyết định bán các công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia. Phần mở đầu của bản báo cáo dày 50 trang được công bố hôm 29-7 đã đặc biệt nhấn mạnh, thương vụ trên đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về việc, liệu Nhà Trắng đã đặt lợi nhuận của những người bạn Tổng thống lên trên lợi ích an ninh quốc gia, thậm chí trên cả mục tiêu chính trên toàn cầu – đó là ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cần nhớ là trong vài năm gần đây Saudi Arabia đã không ít lần tuyên bố, họ muốn đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng phục vụ các nhu cầu trong nước, trong đó xem xét cả phương án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Danh sách các đối tác tiềm năng được Riyadh đưa ra có Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Thomas Barrack.

Ông Thomas Barrack.

Ngay từ đầu, những người ủng hộ khả năng ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Saudi Arabia đã lý giải rằng, việc hợp tác của Riyadh với Moscow hay Bắc Kinh trong lĩnh vực này có thể gây ra “những nguy cơ địa chính trị nghiêm trọng” đối với Mỹ, trong đó có cả nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Khi ông Donald Trump đặt chân vào Nhà Trắng, Hãng tin Bloomberg vào tháng 12-2017 thông báo, chính quyền đã khôi phục đàm phán về cung cấp các công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia, trong đó sẵn sàng gỡ bỏ những hạn chế trước đây. Nhà Trắng khi đó đã không có bất cứ bác bỏ nào liên quan đến thông tin này.

Trong báo cáo của ủy ban – được xây dựng trên cơ sở lời khai của nhiều nhân chứng và việc nghiên cứu khoảng 600 ngàn trang tài liệu liên quan đến “thỏa thuận hạt nhân” – có khẳng định việc thông qua quyết định trên là nhờ các nỗ lực của Thomas Barrack, nhà sáng lập và điều hành của Hãng đầu tư Colony Capital Inc., một trong những nhà tài trợ nổi tiếng nhất cho đảng Cộng hòa. Bản thân nhân vật này cũng là một người bạn thân cận lâu năm của Donald Trump.

Báo cáo còn chỉ rõ, tham gia vào việc vận động hành lang cho hợp đồng hạt nhân trên còn có Công ty IP3 International, trong hội đồng giám đốc tại đây có một vài viên tướng quân đội về hưu, kể cả một đối tác kinh doanh quan trọng của Thomas Barrack là Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ.

Cũng theo báo cáo, để đạt được việc ký kết thỏa thuận với Saudi Arabia, ông Thomas Barrack cùng với các đại diện của IP3 International “đã tận dụng những khả năng tiếp cận chưa từng có đối với các quan chức cao cấp nhất của chính quyền Donald Trump”, kể cả những cuộc gặp với chính tổng thống, cố vấn đồng thời là con rể của ông ta là Jared Kushner, cựu cố vấn kinh tế Gary Cohn và ít nhất 6 thành viên khác của chính phủ, trong đó có cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry.

Trong quá trình đàm phán, phe vận động đã tìm cách thuyết phục rằng, việc đưa “tiêu chuẩn vàng” vào điều khoản hợp đồng sẽ ngăn cản khả năng ký kết, thay vào đó chỉ cần đưa thêm một vài thỏa thuận cho phép “tuân thủ hiệu quả quy định không phổ biến công nghệ hạt nhân cho mục đích khác”.

Các tác giả báo cáo cũng làm rõ được, Thomas Barrack đã thỏa thuận cùng hợp tác với IP3 International chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống. Thương gia này còn có dự định thâu tóm Westinghouse Electric Co, công ty chuyên sản xuất lò phản ứng hạt nhân vừa tuyên bố phá sản, đồng thời lập kế hoạch lôi kéo Quỹ đầu tư Saudi Public Investment Fund cùng vài nhà đầu tư Trung Đông khác vào thương vụ này.

Barrack cùng lúc đó cũng tìm cách thỏa thuận với ông Donald Trump cùng các quan chức cao cấp khác về khả năng nhận được chiếc ghế đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông hoặc chức đại sứ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Cần biết là từ trước đó, Barrack đã nhiều lần tìm cách lấy lòng các quan chức tại Saudi Arabia và UAE.

Chẳng hạn như trước bài phát biểu của ông Donald Trump tại một hội nghị về khai thác dầu mỏ tại North Dakota vào tháng 5-2016, Thomas Barrack từng trao cho các đại diện của hai quốc gia này bản dự thảo phát biểu của tổng thống tương lai, trước khi cùng thỏa thuận đưa những nội dung có lợi đối với họ vào bài phát biểu.

Dù những tham vọng về Westinghouse và chiếc ghế quan chức ngoại giao của Thomas Barrack không thành hiện thực, nhưng điều đó không ngăn cản ông ta nỗ lực thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Saudi Arabia. Theo các số liệu cụ thể, Nhà Trắng đang đàm phán cung cấp cho Riyadh ít nhất 12 lò phản ứng hạt nhân.

Có điều trùng hợp đáng chú ý là vào đúng ngày bản báo cáo được công bố, tờ The Wall Street Journal cũng tung ra một bài báo gây chú ý liên quan gây bất lợi cho Saudi Arabia. Theo đó, Khalid Sheikh Mohammed, một trong những kẻ tham gia tổ chức vụ khủng bố ngày 11-9-2011 đã đề xuất đưa ra những lời khai chống lại Riyadh ngay trước tòa để đổi lấy cơ hội thoát khỏi bản án tử hình.

Đinh Linh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ong-donald-trump-bi-chi-trich-vi-thuong-vu-ban-cong-nghe-hat-nhan-557544/