Ông Don Lam: 'Rất nhiều doanh nghiệp sẽ cân nhắc tới Việt Nam'

Khoảng 20% năng lực sản xuất sẽ được dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong những năm tới và Việt Nam là một điểm đến tiềm năng với nhiều ưu thế, đặc biệt là thành tựu chống dịch.

Ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, mới đây chia sẻ về những giải pháp để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao trong bối cảnh dịch bệnh khiến các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc việc dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Doanh nghiệp FDI muốn gì?

Theo ông Don Lam, 4 yếu tố các doanh nghiệp FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia là nguồn lao động lành nghề, có kinh nghiệm dồi dào để có đủ nhân lực vận hành nhà; hệ thống logistics thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu; môi trường pháp lý linh hoạt đơn giản, các thủ tục hành chính tinh giản; tình hình chính trị và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

CEO VinaCapital đánh giá Việt Nam đều đạt chuẩn với những yếu tố này và đang tiếp tục cải thiện năng lực.

Một số đề xuất trong ngắn hạn để gia tăng vị thế trong thu hút đầu tư, theo ông Don Lam là Chính phủ nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng do chi phí hậu cần của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cao tại khu vực.

Việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phát triển các tuyến đường vành đại hợp lý ven TP.HCM và Hà Nội để giúp khu vực trung tâm thông thoáng, giảm tắc nghẽn giao thông.

Môi trường kinh doanh thuận lợi cũng là một tiêu chí có thể cải thiện nhanh chóng. Các cơ quan chức năng nên tập trung cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế.

Về lâu dài, CEO VinaCapital cho rằng cần thiết lập một trung tâm xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách quảng bá Việt Nam như điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới. “Cần chủ động chọn dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi khoản đầu tư đến Việt Nam”, ông Don Lam nói.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao hơn và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển, nâng cấp các đại học chuyên ngành kỹ thuật để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao phục vụ việc sản xuất các sản phẩm phức tạp hay cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao.

 Ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành VinaCapital. Ảnh: Việt Linh.

Ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành VinaCapital. Ảnh: Việt Linh.

Một giải pháp quan trọng theo ông Don Lam là thành lập mô hình cụm ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng. Cụm công nghiệp là sự tập trung về mặt địa lý của các nhà sản xuất, cung ứng cùng hoạt động trong một lĩnh vực nhất định hoặc các lĩnh vực liên quan với nhau.

Ví dụ điển hình nhất cho sự thành công của cụm ngành công nghiệp là khu vực thung lũng Silicon Valley tại Mỹ quy tụ các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. CEO VinaCapital khẳng định cụm ngành công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa giá trị FDI vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó.

Ảnh hưởng của FDI lên doanh nghiệp nội

CEO Don Lam lưu ý giảm thuế là việc ai cũng thích nhưng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quá cần thiết để thu hút FDI. Chính phủ nên sử dụng nguồn thu từ thuế để đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế, các lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Với các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, họ cần đảm bảo việc tìm được nguồn cung tiềm năng từ nhiều nhà cung ứng khác nhau. Ông Don Lam nêu thực tế nhiều nhà sản xuất mới chỉ đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam và nhập linh kiện tại Trung Quốc. Ông hy vọng họ có kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng ngay trong nước.

Theo CEO VinaCapital, ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia lên các doanh nghiệp nội địa rất đáng kể khi phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Những doanh nghiệp FDI sẽ trở thành đối tác chiến lược với doanh nghiệp trong nước, giúp các nhà cung cấp nội địa nâng cao chất lượng lao động, tối ưu hóa sản xuất, hỗ trợ vận hành.

Giữa các công ty đa quốc gia và nhà cung cấp địa phương, giữa những doanh nghiệp nội trong chuỗi cung ứng sẽ hình thành mối liên kết thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa. Các công ty trong nước sẽ nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

“Dịch bệnh giúp các công ty đa quốc gia nhận ra sự phụ thuộc quá mức của mình vào Trung Quốc hoặc một quốc gia nhất định. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ cân nhắc tới Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư mới từ những doanh nghiệp này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển kinh tế quốc gia trong tương lai”, CEO VinaCapital nhận định.

Theo ông Don Lam, Chính phủ có thể tận dụng thành tựu đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh để quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn cho đầu tư. Ông chia sẻ rất vui khi nhìn thấy Chính phủ đã và đang thực hiện những chính sách dứt khoát để tận dụng lợi thế này.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-don-lam-rat-nhieu-doanh-nghiep-se-can-nhac-toi-viet-nam-post1104004.html