Ông Doãn Mậu Diệp: Chỉ tiêu lao động việc làm phù hợp quốc tế

Vừa qua dư luận xôn xao trước một vài ý kiến cho rằng cần bỏ một số chỉ tiêu lao động việc làm, chả để làm gì mà chỉ gây thêm tốn kém ngân sách...Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản hồi ý kiến cho rằng cần bỏ một số chỉ tiêu lao động, việc làm chả để làm gì mà chỉ gây thêm tốn kém ngân sách...

Nhu cầu đào tạo nâng cao, đào tạo lại (ngắn hạn) được cho là rất lớn.

Thưa ông, hiện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến cáo các nước thành viên đánh giá chất lượng nguồn lao động theo những tiêu chí nào?

Đối với ILO, tôi thấy ít nhất có hai bộ chỉ tiêu đã được sử dụng. Bộ chỉ tiêu thứ nhất nằm trong bộ Các chỉ tiêu chính của thị trường lao động (Key Indicators of Labour Market) do ILO công bố hàng năm cho khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Sử dụng bộ chỉ tiêu này (ví dụ như chỉ tiêu số 14 - Trình độ cao nhất đạt được và tình trạng mù chữ của lực lượng lao động để đánh giá chất lượng lao động sẽ gặp một số hạn chế nhất định ở trong các trường hợp. Cụ thể ở các làng nghề, người thợ cả dù không qua đào tạo nhưng chẳng lẽ kỹ năng kém hơn nhiều người trẻ mới qua vài ba tháng đào tạo nghề. Tiêu chí này có hơi hướng của việc sính bằng cấp.

Bộ chỉ tiêu thứ hai là Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp được hoàn thiện đã công bố nhiều lần và lần gần đây nhất là năm 2008. Bộ tiêu chuẩn này thường được biết đến như là ISCO-08. Ở đây, lao động được chia thành các nhóm có kỹ năng cao, kỹ năng trung bình và không có kỹ năng. Với cách phân loại này đã khắc phục được hạn chế của việc phân loại lao động chỉ căn cứ vào bằng cấp của bộ tiêu chí thứ nhất. Cả hai bộ chỉ tiêu này bổ sung cho nhau và đều được các nước thành viên của ILO sử dụng.

Thực tế Việt Nam sử dụng các bộ chỉ tiêu của ILO như thế nào? Chỉ tiêu "tỷ lệ lao động qua đào tạo" và "tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ" cũng chính là chỉ tiêu do ILO khuyến cáo dùng, thưa ông?

Có thể khẳng định, các chỉ tiêu tính toán đưa ra của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là sử dụng các bộ chỉ tiêu của ILO. Theo ILO, nên sử dụng cả hai bộ chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy. Cụ thể, "tỷ lệ lao động qua đào tạo chung" chính là tính tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp dưới tên gọi "tỷ lệ lao động có kỹ năng từ trung bình trở lên" vì đã tính đến cả số lao động qua đào tạo tại nơi làm việc. Còn "tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ" chính là tính theo chỉ tiêu số 14 đã nói ở trên.

Tất cả các chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đã được chúng ta đề cập trong trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng. Luật thống kê năm 2015 ban hành kèm theo 186 chỉ tiêu quốc gia, trong đó có chỉ tiêu "tỷ lệ lao động đã qua đào tạo" (mã số 0203).

Nghị quyết số 142 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) đưa ra mục tiêu: "Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%".

Nghị quyết số 48 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã đưa ra 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó chỉ tiêu số 8 là "Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%"... Còn rất nhiều văn bản khác nữa đều đưa ra các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo.

Vậy ý kiến nói rằng "không nên giao các chỉ tiêu dạy nghề vì lãng phí và chỉ để nuôi sống các cơ sở dạy nghề" là cực đoan không, thưa ông?

Nên nhớ rằng, chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tiềm lực quốc gia, là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất, đóng góp vào việc quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Trách nhiệm của Nhà nước là gì nếu không chăm lo nâng cao chất lượng nhân lực thông qua xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch đào tạo cho người dân?

Chất lượng nhân lực có thể được nâng cấp thông qua đào tạo tại trường lớp và đào tạo tại nơi làm việc. Đào tạo tại trường lớp giúp cho nâng cấp kiến thức tiết kiệm thời gian và công sức cho người học, người dạy. Thực hành tại nơi làm việc giúp cho kỹ năng hoàn thiện nhanh hơn. Đó là đào tạo lấy bằng cấp, chứng chỉ.

Trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng, nhất là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra thì khả năng người lao động phải thay đổi việc làm và chuyển đổi nghề thường xuyên hơn. Do đó nhu cầu đào tạo nâng cao, đào tạo lại (ngắn hạn) là rất lớn. Hiện nhiều khóa đào tạo ngắn hạn đã giúp người nghèo cải thiện được sinh kế, giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng, chuyển đổi việc làm, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai đào tạo ở một số địa phương vẫn còn nhiều bấp cập về lựa chọn đối tượng đi học, chọn nghề để mở lớp nên hiệu quả không cao, thậm chí có sự phản ứng của người học. Điều đó là có, song không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn các chính sách và chương trình đào tạo nghề nói chung và cho các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế nói riêng. Hơn nữa, một người phải làm nhiều nghề, nhiều việc cũng là bình thường không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng vậy.

Lý Hà

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/ong-doan-mau-diep-chi-tieu-lao-dong-viec-lam-phu-hop-quoc-te-20181017153546209.htm