Ông đồ thi tuyển tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Đa số viết sai và như bôi bẩn

Đây là nhận xét của TS. Phạm Văn Ánh - nhà nghiên cứu Văn học và Hán Nôm, Viện Văn học, một thành viên ban tuyển chọn các ông đồ từ các tỉnh thành phía Bắc tụ hội về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) thi hôm 31-1. Đảm bảo chất lượng con chữ, họ mới có thể vào "cho chữ” tại Hồ Văn dịp Tết Ất Mùi này.

TS. Phạm Văn Ánh

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết ngày 1-2, TS. Phạm Văn Ánh nói: - Tôi cùng một số thành viên khác được mời tham gia hội đồng khảo hạch, thẩm duyệt trình độ Hán Nôm và trình độ viết chữ Hán. Có bộ phận khác thẩm duyệt các cây bút chữ Quốc ngữ. Là người yêu thích Hán Nôm và Thư pháp chữ Hán nên tôi vẫn thường xuyên để tâm đến các hoạt động thư pháp trong nước, đặc biệt là hoạt động xin - cho chữ dịp Tết mỗi năm mà tập trung nhất là ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

PV: Vâng thưa TS, xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng. Đây không chỉ là xin may mắn, tài lộc mà còn là để được thưởng thức tài năng của người "có chữ”. Là người tham gia thẩm duyệt, anh có nhận xét gì ở kỳ sát hạch các ông đồ vừa diễn ra?

TS. Phạm Văn Ánh: Mỗi năm đến đây, tôi đều chú ý quan sát xem sau một năm trình độ các tay viết ở đây có tiến triển không, nhưng phần lớn là thất vọng, vì những người viết chữ ở đây, tám chín phần là những người không có tu dưỡng về Hán học và thư pháp, nên họ chỉ viết đi viết lại một số chữ thông dụng kiểu Tâm, Chí, Trí, Đức, Nhẫn, Phúc, Lộc… Chữ viết không đáng coi là có giá trị thẩm mĩ. Được mời tham gia Hội đồng khảo hạch các tay viết chữ Hán lần này, chúng tôi cũng không ảo tưởng lắm về khả năng của các tay viết. Tuy nhiên, qua thực tế khảo hạch, chúng tôi thất vọng hơn những gì mình đã tưởng, bởi trình độ của các tay viết về cả hai phương diện, Hán Nôm và thư pháp đều rất tệ hại. Nhưng trong một cuộc thi, chẳng nhẽ không một ai đỗ, cho nên chúng tôi cố gắng trên mặt bằng chung, chấm đạt một số người.

Anh có nói "chả nhẽ thi không ai đỗ”, vậy Ban giám khảo tuyển chọn theo những tiêu chí nào, và đâu là tiếu chí các ông đồ đi thi yếu nhất?

- Chúng tôi tuyển chọn theo 2 tiêu chí là trình độ Hán Nôm và trình độ thư pháp. Về trình độ Hán Nôm, chúng tôi không đòi hỏi quá cao nếu không muốn nói là đòi hỏi rất thấp. Chỉ cho phiên âm Hán Việt 4 chữ Hán thuộc loại thông dụng, như: Vạn tử thiên hồng – Muôn tía ngàn hồng, Xuân sắc mãn viên – Sắc xuân đầy vườn… Đề nghị các tay viết viết thành chữ Hán làm nội dung chính cho bức thư pháp của mình. Ấy vậy mà chỉ một yêu cầu này thôi, đã có phân nửa viết sai, thậm chí có người viết sai đến 3 trong tổng số 4 chữ.

Về trình độ thư pháp, chúng tôi không đòi hỏi cao, chỉ cốt sao viết chuẩn xác, sạch sẽ, không gợi cảm giác xấu xí, bệ rạc. Thế nhưng kết quả thì đa số viết như bôi bẩn, nhếch nhác… Biểu hiện về trình độ Hán Nôm thấp kém và khả năng thư pháp tệ hại của các tay viết làm chúng tôi rất thất vọng.

Theo quan niệm xưa, mỗi bức thư pháp đều thể hiện tâm, ý, khí, lực của người viết. Người cho chữ phải có tầm kiến thức rộng, cốt cách được mọi người kính trọng. Ngày nay yếu tố này còn được coi trọng không, thưa anh?

- Kiến thức rộng, cốt cách thì thời nào cũng trọng. Tuy nhiên với ngày nay, Hán học bị đứt gãy, khó có thể đòi hỏi những người cho chữ, viết chữ phải được như các nhà nho, các ông đồ ngày xưa. Dẫu vậy, theo tôi, những người cho chữ, viết chữ cần phải có một trình độ Hán Nôm nhất định - có một vốn chữ Hán kha khá, có khả năng đọc, dịch được một số văn bản đơn giản, có một chút hiểu biết tối thiểu về các vấn đề của văn hóa truyền thống…, có hiểu biết nhất định về thư pháp mà thể hiện cụ thể là ở trình độ viết chữ. Đa số các cây viết hiện nay không đảm bảo được 2 yếu tố trên.

Nhiều người cho chữ, thực chất là bán chữ, kém đều cả 2 mặt nói trên, chỉ được cái mẽ tuổi cao râu tốt, khi có người mua chữ đến thì thao thao những lời huyễn hoặc, tự xưng là nhà thư pháp, là ông đồ, cốt kiếm được tiền. Hành vi đó là kiểu dối đời lừa dân, rất thấp kém.

Anh có lời khuyên nào với người tỏ ra chuộng chữ nghĩa, rủ nhau đi xin chữ theo phong trào là chính mà không nắm được ý nghĩa của nó?

- Xin chữ có nhiều kiểu, có người xin câu đối để thờ cúng tổ tiên, có người xin chữ treo chơi… Nói chung khi muốn xin chữ thì cần tham khảo nhiều người, nhất là người có hiểu biết về Hán Nôm và văn hóa truyền thống để đảm bảo phần nội dung cho chuẩn xác và phù hợp. Còn như làm thế nào mới xin được chữ đẹp, vì người đi xin phần lớn không biết chữ Hán, nên trong một vài dòng, trong khoảng thời gian ngắn rất khó giải thích cho họ được. Có điều tôi lưu ý là với thực trạng thư pháp chữ Hán nước ta hiện nay, với những người "cho chữ” thì tóc râu phần lớn không đồng nghĩa với trình độ Hán học và khả năng thư pháp của họ. Cho nên người đi xin chữ nên đi dạo khắp lượt, chú ý quan sát tỉ mỉ thì may chăng cũng có thể phân biệt được đẹp - xấu. Cách khác là xin chữ của những người thuộc các câu lạc bộ thư pháp có uy tín.

Anh có hy vọng gì khi Phố ông đồ Tết này chuyển vào Hồ Văn?

- Tôi vẫn luôn mong là trong mỗi dịp Tết, với những tay bút có trình độ về Hán Nôm và thư pháp, ngoài các cây bút tốt vào loại hàng đầu nước ta hiện nay như Lê Quốc Việt chẳng hạn, sẽ thấy một hai "nhân tố mới” xuất hiện. Với mặt bằng phổ thông, tôi hi vọng các tay bút cũng không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao trình độ của mình, để sau mỗi năm, chữ viết cũng có những cải thiện, tiến đến sự tao nhã, đáng ưa.

Trân trọng cảm ơn TS!

Phương Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=99554&menu=1420&style=1