'Ông Đồ Gàn' - bộ phim xúc động về cố nhà giáo Văn Như Cương

GiadinNet - 'Thông qua bộ phim, những người làm phim muốn muốn nhắn nhủ thông điệp con người trong xã hội bây giờ luôn sống vì những điều tốt đẹp nhất, giống như tấm gương của thầy Văn Như Cương' - đại diện đoàn làm phim 'Ông Đồ Gàn' chia sẻ.

Sáng 22/4, tại cơ sở A, Nam Trung Yên - Trường THCS và THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã diễn ra buổi công chiếu bộ phim “Ông Đồ Gàn” tới toàn thể học sinh, giáo viên đang học tập, giảng dạy tại trường và đông đảo giáo cán bộ, giáo viên phụ huynh, các thế hệ học sinh của trường cũng về tham dự.

Đặc biệt, buổi công chiếu có sự góp mặt của NSND Nguyễn Như Vũ - quyền Tổng giám đốc hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương; ông Trịnh Quang Tùng - Phó Giám đốc Đạo diễn phim cùng đoàn làm phim; nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, TS. Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn nhiều năm giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh…

Bà Văn Thùy Dương giới thiệu về bộ phim "Ông Đồ Gàn".

Bà Văn Thùy Dương giới thiệu về bộ phim "Ông Đồ Gàn".

Bộ phim “Ông Đồ Gàn” là phim tài liệu, do hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương thu thập tư liệu và dựng. Bộ phim được bắt đầu từ năm 2017. Đến tháng 10/2017, khi thầy mất bộ phim vẫn chưa làm xong. Phim đã được mang đi tham dự giải “Cánh diều vàng 2018”.

Bộ phim giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Văn Như Cương, người thầy đáng kính đã sáng lập ra Trường Dân lập Lương Thế Vinh - trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Bộ phim nói lên sự giản dị và chân thực về cuộc đời thầy Văn Như Cương, một ông đồ khó tính nhiều khi đến khó chịu nhưng ẩn sau đó là một tình yêu thương đối với học sinh, với mọi người.

Chân dung một ông đồ “gàn” theo đúng nghĩa được khái quát, gây xúc động với người xem qua những dòng suy nghĩ, hồi tưởng của những đồng nghiệp năm xưa, những người luôn ủng hộ nhà giáo Văn Như Cương, cho dù những lời nói, việc làm của ông đều bị cho là “gàn”. Nhưng cái “gàn” ở đây là sự tâm huyết, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm được theo những gì thôi thúc.

Học sinh cấp THCS, THPT của trường Lương Thế Vinh chăm chú xem phim "Ông Đồ Gàn".

Bộ phim kể về câu chuyện nhà giáo Văn Như Cương khởi nghiệp ở độ tuổi 52, khi nhận thấy nhu cầu của xã hội đổ xô đến những “lò” luyện thi để ôn vào đại học. Từ đó, ngôi trường Lương Thế Vinh ra đời như một sự “liều lĩnh”, tất cả xuất phát từ con số 0: Không thầy giáo, không học trò, không phòng học, không bàn ghế…, và nhất là không tiền vốn.

Dù nhiều khó khăn, nhưng ngôi trường Lương Thế Vinh đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của phụ huynh, của học sinh và của các thầy cô giáo khắp nơi, thậm chí nhiều giáo viên sẵn sàng dạy học, chuyện tiền lương tính sau... Khi đợt tuyển sinh đầu tiên, nhà trường nhận được 1.600 đơn dự tuyển, đôn đáo ngược xuôi để đi tìm thuê các phòng học cho 800 học sinh lúc ban đầu và sau đó tăng lên đến hơn 3.000 học sinh.

Thành công ngay từ những khóa tốt nghiệp đầu tiên, khi trường Lương Thế Vinh đến nay luôn nằm trong top trường THPT có tỷ lệ đỗ đại học cao nhất tại Hà Nội. Thành công này cũng là mong muốn của nhà giáo Văn Như Cương ngay từ lúc ấp ủ thành lập trường, đó là ngôi trường làm sao để dạy học sinh không còn phải vất vả đi khắp nơi ôn luyện vào đại học, mà vừa học vừa luyện tập tại trường là đủ.

Hình ảnh gần gũi của nhà giáo Văn Như Cương trên màn hình khiến nhiều học sinh xúc động.

Dù là người nguyên tắc, đề cao tính kỷ luật với giáo viên, học sinh, thế nhưng nhà giáo Văn Như Cương luôn được các thế hệ giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh yêu mến về đức tính giản dị, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh.

Bộ phim cũng đã nhắc đến trường hợp em Đào Thu Hương, một học sinh khiếm thị nhưng học giỏi, dù điểm thi thừa đỗ vào bất cứ trường nào, nhưng mẹ của em đã khóc hết nước mắt vì tất cả các trường không nhận một học sinh khiếm thị.

Đến khi gặp thầy Văn Như Cương, không những nhận Hương, thầy còn miễn toàn bộ học phí cho cô bé. Cuối cùng Hương đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Không chỉ Hương, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác cũng được thầy giúp đỡ.

Tọa đàm chia sẻ về bộ phim, triết lý giáo dục và con người PGS Văn Như Cương.

Chia sẻ cảm xúc về bộ phim, bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng nhà trường, con gái cố nhà giáo Văn Như Cương tâm sự: “Với cá nhân tôi, tôi còn thấy bộ phim đã toát lên được toàn bộ hành trình tạo nên cái đẹp trong con người bố tôi. Xem bộ phim này xong tôi tin rằng tất cả những gì còn lại của Bố, tinh thần Bố, sự yêu thương đầy trách nhiệm của bố với cuộc đời này nhất định sẽ được truyền giữ”.

Nói về thông điệp của bộ phim, ông Trịnh Quang Tùng - Phó Giám đốc Đạo diễn phim chia sẻ: “Bộ phim “Ông Đồ Gàn” nói về nhân vật nhà giáo Văn Như Cương, người mà chúng tôi biết đến từ lâu và rất yêu mến ông. Thông qua bộ phim, những người làm phim muốn muốn nhắn nhủ thông điệp lớn nhất đó là tình yêu của con người vì tình yêu cao đẹp với cuộc đời, với sự nghiệp giáo dục. Từ đó, mong muốn con người trong xã hội bây giờ luôn sống vì những điều tốt đẹp nhất, giống như tấm gương của thầy Văn Như Cương”.

Quang Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xem-nghe-doc/ong-do-gan-bo-phim-xuc-dong-ve-co-nha-giao-van-nhu-cuong-20190422153619858.htm