Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được cấm vợ điều hành công ty

Tòa cấp phúc thẩm đã bác toàn bộ kháng cáo của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ, tuyên y án sơ thẩm rằng không được cấm vợ điều hành Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 20-9, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ kiện "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chồng bà Thảo), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Cả ông Vũ và bà Thảo đều vắng mặt và có đại diện ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Sau khi hội ý, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM đã bác toàn bộ kháng cáo của phía bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên trước đó.

Không có quyền ngăn cấm

Theo đó, cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu việc hủy bỏ quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ không có quyền ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành công ty.

Đây là vụ án được TAND TP HCM xét xử sơ thẩm ngày 19-9-2017. Sau khi bản án được tuyên, phía bị đơn có đơn kháng cáo bản án của TAND TP HCM.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một phiên hòa giải tại TAND TP HCM

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một phiên hòa giải tại TAND TP HCM

Tại tòa, phía nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và bị đơn thay đổi, sửa đổi bổ sung kháng cáo. Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên rút kháng cáo đối với việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với mục 1 của bản án sơ thẩm TAND TP HCM đã tuyên trước đó.

Từ những vấn đề này, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng cáo; yêu cầu tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc: "Buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên".

Đồng thời, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng yêu cầu tòa đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc "Hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên" của nguyên đơn.

Bãi nhiệm trái quy định

Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập năm 2006, bà Thảo sở hữu 10% vốn điều lệ và đồng thời sở hữu 50% trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trong đó, bà Thảo sở hữu 30% vốn còn ông Vũ sở hữu 70% vốn Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 8-5-2006, bà Thảo được ông Vũ bổ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, bà được quyền điều hành, quản lý công ty theo ủy quyền của Tổng giám đốc là ông Vũ.

Năm 2014, ông Vũ ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo; chỉ đạo nhân viên đập bỏ phòng làm việc của bà Thảo và ngăn cản, không cho bà Thảo vào công ty cũng như quản lý, điều hành, gặp gỡ đối tác với tư cách là người của công ty.

Nguyên đơn và bị đơn tại tòa

Do đó, bà Thảo khởi kiện ông Vũ và Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo; yêu cầu công ty cung cấp các báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động của công ty; ngăn chặn và kiểm soát chi tiêu của ông Vũ bằng tài khoản của công ty; chấm dứt hành vi ngăn cấm bà Thảo điều hành, quản lý công ty…

TAND TP HCM đã tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo do ông Vũ ban hành, khôi phục lại chức danh cho bà Thảo. Ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành và quản lý công ty với tư cách là thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc thường trực.

TAND TP HCM ghi nhận thỏa thuận của các đương sự về việc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên đồng ý cung cấp các báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động của công ty từ các năm trước đây và đến thời điểm hiện tại; cung cấp điều lệ, biên bản họp, nghị quyết của HĐQT cho bà Thảo…

Ông Vũ, bà Thảo nói gì?

Về việc bà Thảo nói ông Vũ cấm cản và không cho bà vào công ty, luật sư của ông Vũ nói rằng không có căn cứ chứng minh, không đúng với thực tế và quy định của pháp luật. Theo luật sư, vì hiện nay bà Thảo là thành viên HĐQT và là cổ đông công ty nên việc bà thực hiện hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên HĐQT, cổ đông là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Vũ cũng đã gửi thông báo đến các thành viên HĐQT, cổ đông, trong đó bà Thảo trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện tham gia. Do vậy, bà Thảo nói rằng ông Vũ ngăn cấm, cản trở bà tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên HĐQT là hoàn toàn không đúng, không có căn cứ để chấp nhận.

Về phần mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phản biện rằng bà liên tục gặp biến cố từ khi bất ngờ bị bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Việc bà không thể tham gia điều hành tập đoàn khiến bà cùng nhiều người lao động tại đó vô cùng rối ren.

Bà Thảo kể đã khóc cạn nước mắt vì sự tồn vong của gia đình, của Trung Nguyên- sự tồn vong của một thương hiệu quốc gia mà bà nỗ lực đến cùng, trông đợi vào sự công bằng của luật pháp để bà có "ngày về".

Bà tâm sự chưa phút giây nào ngừng nỗ lực bảo vệ giá trị cốt lõi của Trung Nguyên, bảo vệ chồng con và nhiều người lao động liên quan.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được giới kinh doanh biết rõ là người đồng cam cộng khổ với chồng suốt 20 năm để gầy dựng Trung Nguyên. Bà đã điều hành Trung Nguyên liên tục, tính từ khi Trung Nguyên khởi nghiệp đến năm 2014.

Trong một thông cáo, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói: "Với kết quả kinh doanh xuất sắc, tôi xứng đáng được Trung Nguyên tiếp đón và kính trọng chứ không phải để cầm trên tay tờ quyết định bãi nhiệm sai phép đầy mờ ám mà tôi đã từng cầm vào năm 2015".

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/ong-dang-le-nguyen-vu-khong-duoc-cam-vo-dieu-hanh-cong-ty-2018092012363714.htm