Ông Chung 'gái' và giấc mơ World Cup

Đến giờ, trong khi chúng ta mãi trông chờ HCV đầu tiên bóng đá nam SEA Games thì bóng đá nữ đã 6 lần đứng lên bục vinh dự. Trong đó riêng ông Chung 'gái' đã 4 lần trực tiếp cầm quân, một thành tích mà chưa có HLV Việt Nam nào có được. Nếu có người chắp cánh, ông sẽ viết tiếp câu chuyện giấc mơ World Cup.

Ông vừa là người thầy, người cha của đội tuyển nữ. Ảnh VFF

Ông vừa là người thầy, người cha của đội tuyển nữ. Ảnh VFF

Năm 1984, ông Mai Đức Chung giải nghệ cầu thủ trong màu áo Tổng cục đường sắt để chuyển sang đi học nghề HLV. Khi còn cầu thủ ông đã cùng TCĐS có chức vô địch quốc gia năm 1980. Đến nay, ông Chung đã gắn bó với bóng đá một phần tư thế kỷ, từng nắm cả CLB, đội tuyển quốc gia nam, đội tuyển quốc gia nữ. Nhưng thành công hơn cả, vẫn là khi gắn bó với các cô gái vàng, làm nên 4 chức vô địch SEA Games, để rồi vận vào các tên Chung “gái” như một niềm tự hào.

Trọn đời đam mê

Trên thế giới, cũng hiếm có HLV nào tham gia huấn luyện cả đội tuyển quốc gia nam lẫn nữ như ông Mai Đức Chung. Việc làm HLV “1 trận” cũng được coi là “độc nhất, vô nhị” của bóng đá. Năm 2017 mới đây, khi vừa dẫn dắt ĐTQG Việt Nam khi vừa giành HCV SEA Games 29 bóng đá nữ từ Malaysia trở về, HLV Hữu Thắng từ chức, VFF ngỏ lời cầm giúp đội 1 trận gặp tuyển Campuchia trong khi chờ… đàm phán với ông Park.

Ông gần gũi, thân thiện với các học trò. ẢnhZing

Tất nhiên, trước ông Chung đã bao nhiều HLV từ chối, chả ai thích thú gì chỉ cầm quân 1 trận. Ông Chung nhận lời rồi đi tìm trợ lý còn khó, bởi “chữa cháy” được thì không ai khen, thua mang tiếng để đời.

Trong khi U23 Việt Nam vừa thua tan nát tại SEA Games 2017 thì chiến thắng 5-0 trước Campuchia đủ cho ĐT Việt Nam đạt mục đích là tiến sát tấm vé VCK Asian Cup 2019, và đủ để VFF (và ông Park sau này) phải nói lời cảm ơn "người đóng thế" Mai Đức Chung.

Tiếng là Chung “gái” vì 22 năm làm nghề, ông gắn bó rất nhiều với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Nhưng thành tích cấp CLB với bóng đá nam của HLV Mai Đức Chung không ít nhà cầm quân Việt Nam có được. Ông từng đưa B.Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2009, vô địch V.League 2015 cùng đội bóng đất Thủ.

Ở cấp độ đội tuyển, ông Chung là người dẫn dắt đội tuyển nam U22 Việt Nam đoạt cúp Merdeka 2008 tại Malaysia. Đây là chiếc cúp Đông Nam Á hiếm hoi trong bảng thành tích của bóng đá Việt Nam.

Người thầy, người cha

Bóng đá nữ bắt đầu từ ý tưởng của ông Trần Thanh Ngữ, Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM. Ban đầu, chúng ta không có đội ngũ HLV quen làm công việc này, bởi tâm, sinh, lý của các nữ cầu thủ hoàn toàn khác với nam cầu thủ, phương pháp huấn luyện cũng khác.

Thời gian đầu tiên, chúng ta phải thuê các HLV ngoại như ông Steve Darby (Anh), Giả Quảng Thác, Trần Vân Phát (Trung quốc), Norimatsu Takashi (Nhật Bản) để làm tiền đề cho HLV nội học tập kinh nghiệm. Thực tế VFF đã cử hàng loạt HLV nội như Trần Ngọc Thái Tuấn, Ngô Lê Bằng, Vũ Bá Đông, Mai Đức Chung tham gia nắm đội tuyển nữ. Nhưng chỉ có ông Mai Đức Chung là thành công và được các học trò trìu mến gọi bằng “bố”, xưng “con”. Đúng là trước khi làm thầy, ông đã làm người cha của hàng chục đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Ông đã cầm quân giành 4 trong 6 HCV SEA Games. Ảnh VFF

Thực ra, nhiều nhà cầm quân ngại lấn sân sang lĩnh vực bóng đá nữ, do đặc thù nghề nghiệp vất vả hơn, thu nhập lại thấp, trong khi đó các nữ cầu thủ “đời đầu” giải nghệ, thì mới đảm nhận được vai trò trợ lý. Khác với nam giới, các cô gái “mít ướt” đang tuổi ăn, tuổi lớn và tuổi yêu, tâm sinh lý thất thường, nữ cầu thủ thu nhập lại thấp, nếu thầy làm căng là dễ mất trò như chơi.

Điều đầu tiên đó chính là sự đồng cảm với học trò. Đã không ít lần, hễ có điều kiện là ông Chung “gái” tìm cách nói hộ lòng mình cho các cô học trò của mình có thêm thu nhập. Đến nay các cô gái CLB Thái Nguyên, Sơn La đã được các Mạnh Thường quân hỗ trợ kinh phí, tăng thu nhập.

Vươn ra biển lớn

Đến nay, Việt Nam và Thái Lan vẫn là những đối thủ lớn bóng đá Đông Nam Á cả nam lẫn nữ. Tại đấu trường SEA Games, sau 11 kỳ tổ chức chúng ta đã vượt qua nữ Thái Lan với 6 lần vô địch, trong đó ông Chung đã đóng góp 4 kỳ đại hội.

Nhìn trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30, nhiều người đều nhất trí, so về trình độ chúng ta và Thái Lan chỉ một chín, một mười. Nhưng nói về tinh thần thi đấu, phải ngả mũ khâm phục các cô gái vàng, tuy thua thiệt về thể hình nhưng họ thi đấu lăn xả và chiến thắng hầu hết trong từng pha đấu tay đôi.

Ông đã bên các học trò trong những lúc khó khăn nhất. Ảnh SP5

Để có được HCV, ngoài việc chuẩn bị tâm lý thi đấu thật tốt, bằng chính những hành động quan tâm, chăm sóc ân cần, ông Chung đã được “các con” tin yêu, quyết tâm giành chiến thắng. Nếu như ngoài đời ông bày dạy cho các con hãy dịu dàng dễ thương và tràn đầy nữ tính thì trong sân ông đã biến họ thành chiến binh.

Những ngày đầu sang Philippens, khẩu phần ăn không đủ ông nhường bớt suất ăn cho cầu thủ không nề hà gì. Ngoài giờ huấn luyện, ông đi chợ mua đồ ăn thêm cho các cầu thủ nữ VN. Trong 20 “đứa con” tình cảm của ông bố san đều, quan tâm đến từng đứa con, bên nó những lúc buồn vui.

Không có thành tích nào mà không phải đổ mồ hồi, nước mắt, thậm chí cả máu. Giấc mơ về một ngày sẽ cầm quân dự World Cup đang cháy bóng trong người đàn ông 68 tuổi. Trong ngày vui chức vô địch, không nói nhiều về mình, ông chỉ bảo: “Tôi nghĩ nhiều về World Cup bóng đá nữ, nếu VFF cần, tôi sẽ xung trận”.

Người Thái đã 2 lần có mặt tại World Cup, điều đó cho thấy mọi việc không quá tầm chúng ta. Nếu được tạo điều kiện về điều kiện tập luyện, dinh dưỡng và chế độ thu nhập, với những ông thầy như HLV Mai Đức Chung và thế hệ cô gái vàng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng!

An Thanh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ong-chung-gai-va-giac-mo-world-cup-375288.html