Ông chủ thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam là ai?

Một điểm khá bất ngờ, ông chủ thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam không phải là công ty vận tải thủy Vivaso mà lại là công ty chuyên về bất động sản của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên.

Mấy ngày gần đây, câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang được dư luận quan tâm khi hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về thực trạng mở nhà hàng, khách sạn tại địa điểm của công ty này, chứ không còn sản xuất phim như thường lệ sau hơn một năm sau cổ phần hóa.

Năm 2016 Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).

Cơ cấu cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi IPO.

Mặc dù Vivaso là một đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, cảng, cơ khí…nhưng đứng sau công ty này lại là một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng đường giao thông - Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường). Hiện, Vạn Cường là cổ đông lớn nhất của Vivaco và sở hữu hơn 70% cổ phần tại Vivaso.

Được biết, công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường được thành lập từ năm 1992. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm đại diện pháp luật và là Tổng giám đốc công ty. Vạn Cường chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hạ tầng giao thông, xây dựng với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường, đồng thời là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây. Tuy nhiên, sau khi mua lại Vivaso, hoạt động sôi động nhất của Công ty Vạn Cường chính là cho thuê trụ sở, kho bãi. Tòa nhà trụ sở chính của Vivaso ở Nguyễn Văn Cừ được cho thuê.

Vivaso lại là đơn vị sở hữu gần 50 ha đất tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có nhiều khu đất vàng, gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc...và trụ sở Vivaso tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét đất tại đây có giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2.

Nhưng điểm đáng nói, sau khi mua VFS thì Vivaso cũng không đầu tư cho điện ảnh, thay vào đó đất vàng trụ sở được mở nhà hàng, khách sạn. Trước thực trạng này, dư luận đặt câu hỏi phải chăng việc Vạn Cường bỏ nghìn tỷ thâu tóm Vivaso và việc Vivaso mua lại VFS tất cả cũng chỉ vì mục đích đất vàng chứ không phải để phát triển vận chuyển thủy hay làm phim như bề nổi của câu chuyện.

Tại cuộc họp trả lời những bức xúc của các nghệ sĩ về tình hình hãng sau khi cổ phần hóa, ông Nguyên cũng cho biết năm 2015 hãng lỗ hơn 7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 11 tỷ, nửa năm đầu 2017 vẫn tiếp tục báo lỗ 4,7 tỷ đồng.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ong-chu-thuc-su-cua-hang-phim-truyen-viet-nam-la-ai-209834.htm