Ông chủ Telegram bị bắt, sau Pavel Durov sẽ là ai?
Các nhà quan sát lo ngại sau Pavel Durov, nhiều ông chủ của các nền tảng trực tuyến có tác động lớn tới truyền thông thế giới có thể gặp tình huống tương tự.
Không có động cơ chính trị?
"Tôi đang nhận thấy rất nhiều thông tin sai lệch về Pháp sau khi Pavel Durov bị bắt giữ”, Tổng thống Emmanuel Macron viết vào ngày 26/8/2024, "Pháp luôn coi trọng tự do ngôn luận, sự đổi mới và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp. Điều này sẽ không thay đổi. Việc bắt giữ người đứng đầu Telegram nằm trong một cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra. Đây không phải là một động thái chính trị. Quyết định việc này thuộc về thẩm phán".
Durov – nhà sáng lập Telegram bị bắt vào tối thứ bảy (24/8/2024) tại sân bay Le Bourget ở Paris. Ông bị giam giữ trong 48 giờ để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, thời gian tạm giữ có thể được gia hạn thêm 48 giờ nữa. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, việc này chỉ được phép thực hiện một lần, tối đa là 96 giờ. Sau đó, cơ quan chức năng phải đưa ra cáo buộc hoặc thả tự do cho Durov mà không có bất kỳ hạn chế nào, nghĩa là ông có thể rời khỏi nước Pháp mà không gặp trở ngại. Thời hạn này kết thúc vào thứ Tư, thông tin đã được xác nhận bởi cơ quan công tố Paris.
Nguyên nhân chính thức của việc bắt giữ, theo các nguồn tin từ cảnh sát mà truyền thông dẫn lại, là do Telegram từ chối hợp tác với chính quyền Pháp trong một số vụ án chống buôn bán ma túy, rửa tiền, gian lận và các vi phạm khác thực hiện qua ứng dụng nhắn tin này. Nếu bị kết tội, Durov có thể đối mặt với án tù lên đến 20 năm. Cuộc điều tra đang được tiến hành bởi các cơ quan chức năng của Pháp.
Cuộc điều tra nhắm vào một “cá nhân không xác định”
Vào thứ Hai (26/8), Cơ quan Công tố Paris đã công bố một số thông tin chi tiết về vụ việc. Việc bắt giữ Pavel Durov diễn ra theo một vụ án được khởi tố từ ngày 8/7/2024, "dựa trên kết quả điều tra ban đầu theo đề xuất của bộ phận chống tội phạm mạng".
Có một “nhân vật không xác định” được đề cập đến và người này có thể là mục tiêu chính, theo hồ sơ của cơ quan điều tra. "Cuộc điều tra tư pháp được mở ra nhằm vào một cá nhân không được nêu tên. Pavel Durov đang bị các điều tra viên thẩm vấn", cơ quan này cho biết.
Trong danh sách các cáo buộc có các tội danh như: tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức nhằm thực hiện hành vi phạm tội; cung cấp các dịch vụ mã hóa nhằm đảm bảo tính bảo mật; cung cấp các phương tiện mã hóa…
Cuộc điều tra cũng liên quan đến hành vi đồng phạm của nhân vật trong các hành vi phạm tội sau:
Quản trị nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Lưu trữ hình ảnh có nội dung ấu dâm, khiêu dâm của trẻ vị thành niên, phát tán hoặc cung cấp hình ảnh có tính chất khiêu dâm của trẻ vị thành niên bởi một nhóm tổ chức.
Mua bán, vận chuyển, lưu trữ hoặc chuyển giao ma túy, đồng phạm trong các vụ gian lận có tổ chức.
Chuyển giao hoặc cung cấp bất hợp pháp các thiết bị hoặc phần mềm được phát triển hoặc điều chỉnh để xâm nhập và truy cập hệ thống xử lý dữ liệu tự động.
Vụ án cũng được khởi tố do việc từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết từ phía Telegram, theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Sau Pavel Durov, nhân vật tiếp theo sẽ là ai?
Sự việc Pavel Durov bị bắt tại Pháp đã gây chấn động trên toàn thế giới. Không chỉ các chính trị gia mà cả những nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông cũng bày tỏ sự bất ngờ, đáng chú ý là nhà báo Mỹ Tucker Carlson, người gần đây đã cuộc phỏng vấn nhà sáng lập Telegram. Carlson nhấn mạnh rằng đây là "lời cảnh báo rõ ràng cho bất kỳ chủ sở hữu nền tảng nào từ chối yêu cầu từ phía cơ quan chức năng hoặc lực lượng tình báo".
Elon Musk, chủ sở hữu của mạng xã hội X (trước đây là Twitter), đã kêu gọi chính quyền Pháp thả tự do cho Durov. Chính Musk cũng vừa gặp phải mâu thuẫn với các quan chức châu Âu khi họ khởi xướng điều tra về hoạt động của X.
Các chính trị gia từ Áo, Đức và nhiều quốc gia khác đã đứng về phía Durov. Cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Vivek Ramaswamy dự đoán rằng chủ sở hữu các nền tảng trực tuyến khác có thể cũng sẽ gặp phải số phận tương tự.
Sau khi CEO của Telegram bị bắt giữ, Moscow đã phản ứng, bởi dù là một công dân toàn cầu (ngoài quốc tịch Pháp, Durov còn có hộ chiếu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và quốc đảo Saint Kitts và Nevis), ông chủ Telegram vẫn đang giữ quốc tịch Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặc biệt lưu ý rằng chính quyền Pháp đến nay vẫn chưa bình luận về vụ bắt giữ, viện dẫn lý do hệ thống tư pháp độc lập.
“Điều đáng chú ý là trước đây Bộ Ngoại giao Pháp không ngần ngại bình luận về các quyết định của cả Tòa án Quốc tế Liên hợp quốc,” bà Maria Zakharova nhắc lại dữ kiện này, “Điều này có nghĩa là họ không tôn trọng luật pháp quốc tế, theo logic của các nhà ngoại giao Pháp".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận xét rằng Durov đã sai lầm khi rời khỏi quê hương. "Đối với những kẻ thù chung của người Nga hiện nay, Durov vẫn là người Nga. Vì vậy, ông ấy không thể đoán trước những tình thế nguy hiểm. Ông ấy hoàn toàn không giống với Musk hay Zuckerberg – những người được cho là hợp tác tích cực với FBI", ông Medvedev nhấn mạnh.
Đại sứ quán Nga tại Pháp đã khẳng định với các cơ quan truyền thông Nga rằng chính quyền Pháp đang né tránh hợp tác với cơ quan này trong việc làm rõ vụ việc.
Moscow có thể sử dụng thỏa thuận dẫn độ để đưa Durov trở về, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Paris.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ong-chu-telegram-bi-bat-sau-pavel-durov-se-la-ai-261704.htm