Ông chủ điện tử Asanzo: Tôi ở căn hộ chung cư, có ngày không tiêu tiền

Phạm Văn Tam nói anh chỉ mới mua căn hộ chung cư để ở gần đây. Cuộc sống gia đình 4 người của anh cũng hết sức đơn giản và có nhiều ngày anh không tiêu tiền.

Xuất phát điểm của ông chủ hãng điện tử Asanzo đặc biệt hơn nhiều doanh nghiệp khác. Học xong phổ thông, anh khăn gói vào TP.HCM tìm cơ hội làm ăn bằng bán linh kiện điện tử. Có lẽ vì vậy mà Phạm Văn Tam nói mình "bị" nhiễm cách sống đơn giản của người miền Nam rồi. Cũng có lẽ vì tự lập, bươn chải từ nhỏ nên anh không thấy cực hay phiền vì phải làm bất cứ công việc gì.

"Thói quen của tôi mỗi ngày vẫn là ăn sáng ở nhà và đi thẳng đến công ty. Bận rộn nhưng tôi không sử dụng tài xế riêng đưa đón mà tự lái xe đi làm. Cũng nhiều khi tôi đi Grab, taxi cho tiện. Tôi không mê xe đẹp, nhà sang và suy tính mình có bao nhiêu tiền", ông chủ Asanzo chia sẻ.

- Asanzo đã có một năm 2017 rực rỡ với doanh thu gần 5.000 tỷ đồng và mục tiêu khoảng 8.000 tỷ đồng của năm 2018 cũng sắp về đích. Những con số này có được coi là thành công quá nhanh sau gần 10 năm anh khởi nghiệp không?

- 2017 đúng là một năm thành công của chúng tôi vì các kế hoạch đều đạt và vượt ngoài mong đợi. Còn năm 2018, kế hoạch doanh thu 8.000 tỷ đồng tôi cũng nói thật là nếu không có mùa World Cup sẽ khó đạt, bởi có một số model ra chậm, không như kế hoạch.

Nói thành công thì thực tế tôi cũng có chút tự hào với những thành quả mình đạt được. Tuy nhiên, đó là một sự nỗ lực suốt chặng đường dài. Tôi làm hàng công nghệ, trong 10 năm quy mô chỉ mới như hiện nay là không phải nhanh. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác họ chỉ cần một vài năm là phát triển rực rỡ rồi. Không phải vì nhanh hay chậm, mà làm công nghệ thì vấn đề là nắm bắt được công nghệ, thời điểm.

Thực tế, tôi cũng có nhiều thời điểm chững lại, không ra sản phẩm để tổ chức lại sản xuất, không thì còn chạy nhanh hơn bây giờ.

- Nhiều doanh nghiệp có mối lo là mình lên đỉnh cao quá sẽ khó khăn, vì theo quy luật phát triển của hình sin lên rồi sẽ xuống? Anh có lo lắng điều này không?

- Nói thật, đó là mối lo thường trực của tôi. Tôi không lo tụt với thị trường, mà lo cách quản trị, điều hành. Doanh nghiệp tôi từ trước đến giờ có cái bất lợi là tôi điều hành nhiều lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất đến kinh doanh. Nên tôi hay sợ mình có vấn đề sức khỏe hay gì đó thì rất khó.

Tôi cũng không được đào tạo bài bản về bất cứ lĩnh vực nào, nên khi doanh nghiệp phát triển đến một giai đoạn mới thì tôi rất lo lắng mình lạc hậu, không đủ khả năng vận hành hợp lý.

Còn các vấn đề khác như lên cao thì dễ tự mãn, tôi nghĩ không rơi vào mình đâu. Tôi không phải là người dễ tự mãn, mong muốn hưởng thụ. Tôi mới có 38 tuổi và đã vất vả từ thời mới 18-20, cũng trải qua nhiều thất bại, nên tôi luôn muốn phấn đấu, muốn truyền lửa cho lớp kế cận bên dưới, để cùng phát triển.

- Đó có phải là lý do anh chia sẻ gần đây, là muốn IPO Asanzo? Bởi mới năm ngoái thôi, anh tuyên bố vẫn đủ khả năng điều hành, quản lý doanh nghiệp?

- Đúng là như vậy. Mỗi thời điểm mình nên có chiến lược phát triển phù hợp. Sau một thời gian phát triển, tôi đã nhận ra điều mình cần phải bổ sung. Điểm mạnh của tôi là nhanh nhạy, quyết đoán, chớp được thời cơ làm ăn, nhưng điểm yếu là khâu quản lý, điều hành. Cách tổ chức một doanh nghiệp với quy mô như Asanzo bây giờ cũng khác. Doanh nghiệp phát triển đến mức nào đó thì mình cũng không thể áp dụng cách quản lý cũ được.

Thử nghĩ xem, 5 năm trước bán hàng là tôi bưng tận nơi cho khách. Bây giờ cách làm như thế không phù hợp nữa. Tôi phải tổ chức như thế nào để thu hút người tiêu dùng đến với mình, không phải uống ly bia ly rượu là người ta lấy hàng, bán hàng của mình nữa.

Tôi cũng phải tìm cách nào để làm cho sản phẩm trên kệ hàng bắt mắt hơn chứ không chỉ có ăn chắc mặc bền như trước đây. Rất nhiều thứ khác mà nếu áp dụng chiến lược cũ thì sẽ lạc hậu. Đó là lý do tôi muốn IPO, mong tìm được người đồng hành, quản trị tốt hơn. Tôi cũng mong tìm được các nhân sự trẻ, giỏi, tâm huyết, cùng chia sẻ trách nhiệm quản lý doanh nghiệp.

Nói thật là hồi trước tôi cũng lo, sợ IPO thì doanh nghiệp bị thâu tóm, sợ cổ phần thì mình không còn tiếng nói quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ đi sai đường. Nhưng giờ thì tôi thấy suy nghĩ đó cũ kỹ. Mọi thứ đều từ mình quyết định thôi.

- Hỏi thật, ngoài tìm nhà quản trị giỏi thì việc IPO của Asanzo có liên quan đến chuyện anh muốn kêu gọi vốn đầu tư?

- Hiện tại thì tôi không thiếu vốn đâu. Nhưng tiền trong kinh doanh nói bao nhiêu cho đủ, nhất là khi chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng ra ngoài nước. Tôi nghĩ tôi cần tính trước, để cơ hội đến thì mình nắm bắt mà không bị động.

Bây giờ các tập đoàn nước ngoài cũng muốn liên kết với Asanzo gia công sản phẩm, nhưng lực tôi chưa đủ, nên cái quan trọng mà tôi muốn là tìm người đủ lực và cùng chí hướng. Tôi hy vọng IPO trong thời gian sớm nhất, để nắm bắt được các cơ hội phát triển, có thể là khoảng năm 2020.

Nhưng trước khi IPO, điều tôi muốn đầu tư một khu công nghiệp khoảng 100 ha dành riêng cho ngành điện tử. Cả nước chưa có khu công nghiệp nào dành riêng cho ngành đặc thù này. Tham vọng của tôi có khu công nghiệp bài bản, chuyên biệt, để Asanzo và các doanh nghiệp điện tử, doanh nghiệp phụ trợ hoạt động tập trung. Việc này trước hết có lợi cho Asanzo, sau đó phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong, ngoài nước.

- Từ đi buôn chuyển sang điều hành doanh nghiệp gồm cả sản xuất, kinh doanh, lại không được đào tạo, khi đó, anh xoay sở thế nào?

- Cực kỳ khó khăn, cũng may là tôi còn trẻ, tôi tiếp thu nhanh và đổi mới nhanh. Làm doanh nghiệp, mình không thể mang suy nghĩ của người đi buôn được. Đầu tiên là phải hiện đại hóa quy trình sản xuất, quản lý, cả buôn bán. Cũng vì vậy mà những người đi buôn cùng thời với tôi lúc đó, họ không làm được. Nếu thay đổi như mình, thì bây giờ có lẽ sẽ có nhiều doanh nghiệp điện tử lớn lắm.

Hồi đó, tôi chỉ hiểu về sản phẩm thôi chứ không biết cách quản lý. Bởi tôi tính đơn giản, nhập hàng về, bán lại, trừ vốn ra thì còn lại tiền lời. Làm doanh nghiệp, tôi phải tính toán làm sao để nuôi công nhân, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị, tìm kiếm khách hàng, rồi bảo trì bảo dưỡng - những thứ mà tôi chưa bao giờ trải qua.

Nói vậy thôi chứ đi buôn sẽ gặp nhiều bấp bênh, không được bền vững như xây dựng tập đoàn.

- Anh nhận ra điểm yếu của mình là quản trị, vậy anh có nghĩ mình tiếp tục đi học hoàn chỉnh để quản lý doanh nghiệp tốt hơn không?

-Không. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình phải tiếp tục đi học cái gì đó để về quản lý doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Tại sao mình không tìm những người giỏi, có khả năng, chuyên môn để giúp mình. Nếu tôi bỏ thời gian đi học như thế thì cơ hội kinh doanh của tôi cũng qua, không làm lại được. Tôi vẫn tham gia các khóa học phù hợp song song với điều hành doanh nghiệp. Nhân viên, cấp dưới tôi cũng hỗ trợ, dạy tôi nhiều.

Kinh nghiệm, bài học từ thương trường mới thực sự quan trọng, nó giúp tôi lèo lái, điều hành công ty. Có thể là cách quản lý của tôi không giống ai, nhưng tôi tin là tôi làm đúng.

- Khá nhiều công ty mà người sáng lập cũng như anh, không cần phải học hành bài bản vẫn thành công. Anh có sợ con anh sau này cũng giống bố, bươn chải tìm kiếm thành công mà không cần phải học?

- Chẳng có ai giống ai được và cũng không thể mang cách của người này áp dụng vào người kia. Tôi nói thẳng là con tôi không thể giống tôi được, bắt buộc phải học hành đàng hoàng. Ở đây, tôi làm được còn nhờ thời điểm, cơ hội và vận dụng được sức mạnh của những người khác cùng hỗ trợ mình.

Nên tôi không bao giờ khuyến khích cấp dưới tôi hay con cái tôi sau này học tôi làm như thế. Tôi muốn con cái học hành bài bản trước khi tham gia làm bất cứ việc gì trong khả năng của mình, kể cả nối nghiệp tôi hay không.

- Việc thừa kế ở các công ty gia đình tại Việt Nam đang là điều khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Với anh thì sao, anh có định hướng cho con gánh vác công việc của mình không?

- Hiện tại con tôi còn rất nhỏ, mới học cấp 1 thôi nhưng tôi cảm nhận 2 con có phần yêu thích công việc này. Có lẽ trẻ con tò mò, lạ lẫm khi trực tiếp ngắm nhìn các công đoạn làm ra một chiếc tivi, một cái máy lạnh…Hoặc cũng có thể chúng thần tượng công việc mà bố mẹ chúng đang làm. Còn những việc khác là ở tương lai. Tôi nói thật là tôi đã định hướng và muốn 2 con tôi làm tiếp công việc này, nhưng chọn lựa của chúng mình cũng chưa nói trước được.

Mà tôi cũng không đồng ý chuyện dạy con dựa theo việc thích hay không thích của các con. Kiểu như ba mẹ hỏi: Con ơi con có thích học môn này/môn kia không ba mẹ cho đi học. Tôi quan niệm là tuổi đi học thì việc học là của chúng. Những gì cần thiết, có lợi thì ba mẹ nên hướng cho con và chúng sẽ có trách nhiệm học. Sau 18 tuổi, con cái muốn làm gì, thích gì thì tự chúng quyết định mới đúng.

- Nhưng giả sử con cái anh, người thân anh sau này không thích nối nghiệp, không thích kế thừa, phát triển Asanzo, thì anh làm thế nào?

- Tôi có cách của tôi chứ. Tôi cũng không phải đặt tất cả kỳ vọng vào con mình đâu. Chúng còn nhỏ mà. Nhưng mình phải định hướng cho chúng, tạo niềm hứng khởi, yêu thích công việc của mình. Bây giờ cuối tuần tôi vẫn cho các con đi cùng lên văn phòng, xuống xưởng sản xuất, chạm tay vào các công đoạn làm sản phẩm, cho chúng cầm ốc vít sửa các chi tiết nhỏ…. Mình tạo thói quen cho chúng trước.

Lớn hơn nữa thì tôi hy vọng là giữ được các con, không để chúng cách xa mình. Tôi không mải mê ôm công việc mà xa con, như thế chúng sẽ rẽ sang hướng khác thôi. Tôi quan niệm, hoặc là con thật sự yêu thích và gánh vác, hoặc thể hiện thẳng việc không thích, chứ không có lơ lửng, kiểu không định hướng được.

Nuôi dạy con gia đình tôi rất quan trọng, và tôi thừa nhận tôi cũng có phần khắt khe với con. Rất bận rộn, nhưng 2 vợ chồng luôn phân công giành thời gian cho con. Tôi đi công tác nước ngoài nhưng chiều vẫn gọi điện nhắc vợ về sớm với các con chứ không tiếc việc.

Tôi cũng là người hướng nội, thích cả nhà quay quần bên nhau hơn. Chiều tối thứ 7 thì 3 bố con đi bơi. Các tối trong tuần cả nhà cũng có thói quen đi dạo, đạp xe. Nhà tôi không có chuyện cơm nước xong thì ngồi lì mỗi người một góc ôm điện thoại.

Còn chủ nhật thì thói quen là tôi vào bếp, vợ con phụ. Tôi thấy cũng nên "ăn cắp" thời gian của các con một chút, để chúng không quá rảnh rỗi, đua đòi, hoặc mê một thứ gì đó thiếu lành mạnh.

- Tuổi 38 anh đã sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ, nhưng dường như anh không giống những người trẻ khác, chỉ có đam mê công việc mà không có những nhu cầu hưởng thụ cuộc sống sung túc?

- Tôi sinh ra, lớn lên ở miền Bắc. Nếu theo cách của người Bắc thì mình thành đạt càng phải chỉn chu, phô trương một tí. Lứa tuổi tôi bạn bè cũng nhiều người vô thành phố này lập nghiệp, cũng mua nhà đẹp xe sang. Mỗi lần về quê là phải có xe sang để họ hàng nở mặt, tôi thấy sao phải khổ như vậy. Mình làm gì mình thấy đủ sức, thoải mái là được mà.

Tôi bận rộn, nhưng tự lái xe đi làm chứ không có tài xế. Tôi cũng thường đi Grab, taxi, cái nào tiện thì đi thôi. Tôi đi chiếc xe bình thường, nhà ở đúng theo tiêu chí vừa đủ để ở. Tôi nói thật là mới mua căn hộ chung cư cho cả nhà ở vài năm nay thôi.

Quần áo, giày dép tôi cũng thích sử dụng những gì phù hợp, tiện ích. Tôi dạy các con cái gì đáng sử dụng thì nên sử dụng và sử dụng đúng. Có những ngày gần như tôi không tiêu tiền vì quen ăn sáng ở nhà, lên công ty thì ăn cơm công ty. Mỗi ngày sau giờ làm việc, không gặp khách hàng, không phải ngoại giao tiếp khách là về nhà ăn cơm và tập thể dục với con.

Tôi không biết như vậy có cổ hủ không. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi sống khổ sở. Ví dụ, thay vì ra nhà hàng ăn tôm hùm thì tôi thích mua về nhà, cả nhà cùng nhau nấu nướng, cùng ăn.

- Câu chuyện xây dựng thương hiệu điện tử của ông chủ Asanzo vẫn là điều điều truyền cảm hứng cho thế hệ 8X, 9X. Ngày đó vì sao anh lại chọn TP.HCM để bán hàng điện tử, trong khi cửa khẩu Móng Cái quê anh mới thực tế thuận lợi hơn?

- Tuổi trẻ thường có những khát vọng và "liều mạng". Năm 2000, khi đó tôi 20 tuổi, vào TP.HCM ban đầu chỉ với ý định là đi cho biết. Khi vào rồi tôi xác định đây là vùng đất mình tìm kiếm. Tôi khẳng định với bố mẹ là tôi ở lại.

Nhưng tôi không có người thân, bạn bè để nhờ vả. Ngày đó không có tiền đi máy bay, xe đò thì 3-4 ngày mới tới. Trận say xe khi đi vào khiến tôi chưa hết sợ, nên không dám về.

Được giới thiệu nên tôi mang linh kiện tivi vào chợ Nhật Tảo để bán. Ở chợ này không có người Bắc kinh doanh, người ta nghe giọng tôi nói là cứ đuổi đi. Được cái tôi liều và lỳ. Đuổi cửa này tôi luồn qua cửa khác chào hàng tiếp. Các cô tiểu thương chửi miết còn tôi cứ cười.

Ở chợ Nhật Tảo có cô Ba, bán hàng điện tử lâu đời nhất, cô chửi mà thấy tôi cười miết nên lại thấy thương. Cổ gọi tôi lại, bảo: Mày dễ thương nên tao lấy thử hàng mày bán coi sao. Lấy rồi cô giới thiệu tôi với các cô khác nữa. Sau đó thì chính các cô bán hàng ở đây lại là người thân nhất của tôi, giúp đỡ tôi như người nhà.

Tôi cũng làm ăn bằng tất cả tình cảm mình có, cố gắng tìm những sản phẩm tốt nhất mang về bán. Đến năm 2009 thì tôi lập công ty, ban đầu làm hàng gia dụng, thất bại liên tục rồi mới ổn định với với tivi.

- Doanh nghiệp 100% Việt Nam, vì sao anh lại không đặt một cái tên "thuận Việt" hơn cho doanh nghiệp, mà lại là diện tử Asanzo?

- Rõ ràng tôi cũng muốn đặt như thế lắm chứ. Nhưng tâm lý người tiêu dùng mình khó lắm. Không người nào muốn xài một sản phẩm điện tử thuần Việt đâu, họ không tin đâu, phải lấy tên có chút yếu tố nước ngoài.

Asanzo thì ngẫu nhiên thôi. Nhà tôi trước ở Móng Cái, giáp biên giới Trung Quốc. Tên Tam của tôi tiếng Trung Quốc, đọc là "san" và mọi người thường gọi là "A San" (A Tam). Khi vào TP.HCM, đi buôn bán, mỗi khi được món lời chúng tôi vẫn gọi là "zô, zô mánh". Tôi thấy từ này hay quá, làm ăn zô mánh ai mà không ham. Khi lập doanh nghiệp, tôi ngồi suy tính và ghép những từ này lại, là Asanzo, nó có nghĩa như anh Tam làm ăn zô mánh (cười).

- Anh từng nói anh luôn nghĩ xa cho 3-5 năm sau. Khi làm tivi anh nghĩ tới máy lạnh, làm máy lạnh anh lại nghĩ tới điện thoại. Bây giờ đã bán điện thoại hơn 1 năm, vậy sản phẩm tiếp theo anh bán là gì?

- Tôi đã sản xuất máy giặt, tủ lạnh và tháng 12 này có tủ lạnh chính thức trên thị trường. Máy giặt, tủ lạnh tôi đánh giá là cơ hội lớn hơn điện thoại, laptop rất nhiều, bởi đây là hàng cồng kềnh, chi phí vận chuyển lớn. Nếu doanh nghiệp tại chỗ sản xuất tốt thì các doanh nghiệp ngoại sẽ khó cạnh tranh, bởi chi phí tại chỗ của mình bằng không, đó là lợi thế.

Giá máy giặt, tủ lạnh của tôi cũng sẽ ở phân khúc bình dân. Và tôi sẽ tiết kiệm giá thành để có giá bán thấp nhất bằng cách đầu tư tổng kho tại các điểm bán của các tỉnh.

Còn điện thoại, tôi dự định “nuôi” 3 năm, nhưng bây giờ thì không phải nuôi nữa, mới hơn 1 năm thôi nhưng đã tự sống được rồi. Tôi sắp ra một model mới, mỗi dòng tôi thường bán khoảng 10.000 chiếc.

- Bây giờ, cái tên Phạm Văn Tam còn xuất hiện với danh nghĩa một ông bầu bóng đá. Hỏi thật, anh làm bóng đá vì đam mê hay với mục đích đưa sản phẩm tiến ra thị trường miền Bắc?

- Cả hai. Tôi mê bóng đá và chia sẻ thật là tôi cũng muốn người tiêu dùng miền Bắc biết đến sản phẩm của Asanzo. Trước trận chung kết U23 châu Á năm 2017, tôi mang tivi tặng cho cả làng tại vùng nhà của thủ môn Bùi Tiến Dũng ở Thanh Hóa.

Tôi gọi điện tới tỉnh và xin danh sách, mới thấy rằng cả làng ai cũng biết rõ nhà Dũng, từ trẻ con tới người già. Chúng tôi tặng tivi cho khoảng 200 hộ nghèo nhất. Lúc tặng xong, tôi tới một số nhà lắp đặt và rất cảm động vì nhà rất nghèo nhưng ai cũng nói chuyện bóng đá. Người miền Bắc là vậy.

Và tôi quyết định đầu tư bóng đá. Lẽ ra tôi đầu tư cho Quảng Ninh quê tôi, nhưng vì Quảng Ninh đã có đơn vị khác hỗ trợ, nên tôi đầu tư vào câu lạc bộ Hải Phòng đang thiếu ngân sách. Tôi hy vọng khi đầu tư như vậy cũng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư bóng đá cho các doanh nghiệp khác.

Hà Linh
Ảnh: Lê Quân Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-chu-dien-tu-asanzo-toi-o-can-ho-chung-cu-co-ngay-khong-tieu-tien-post883859.html