Ông chú đạp xe bán báo cuối cùng ở Sài Gòn và chuyện tình yêu dung dị của đôi vợ chồng bên sạp báo vỉa hè

Có lẽ, ở Sài Gòn khó lòng tìm được ai vẫn giữ tấm lòng son với báo giấy như ông Sơn, khó lòng tìm chuyện tình nào dung dị như ông Sơn - bà Mai, và cũng khó lòng tìm Sài Gòn nào yên bình chậm rãi như con hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai mỗi sớm.

Một ngày cuối tháng 6, trời Sài Gòn sớm nắng, dòng người hối hả nối đuôi nhau trôi trên những con đường trung tâm tấp nập. Lọt thỏm ở đó, buổi sớm yên bình khác đến với con hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) bằng hình ảnh đôi vợ chồng nhẹ nhàng bày sạp báo bên đường. Người vợ ngồi bán, người chồng cọc cạch đạp con xe đi giao.

Từng vòng quay lăn đều, lăn đều trong chiếc giỏ xe chở đầy báo mới đến từng hẻm, từng ngách nhà và tận tay từng người như một niềm thương riêng biệt của sớm Sài Gòn.

Hai vợ chồng ông chú đạp xe bán báo dạo vẫn có buổi sớm yên bình 40 năm nay như thế!

Ông chú hơn 40 năm đạp xe bán báo ở Sài Gòn

Ông chú thân tình ấy tên là Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi), chủ sạp báo nhỏ ở đầu hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) đã được hơn 40 năm có lẻ.

Theo đó, chú Sơn là người Hà Nội gốc. Vào năm 1954, gia đình chuyển vào Nam lập nghiệp, mẹ chú Sơn đã bày sạp báo ở vỉa hè để kiếm thêm tiền nuôi các con. “Thời ấy vì mắt cận bẩm sinh, việc học bị đứt quãng, lại thêm sức khỏe yếu làm việc gì cũng khó. Vậy là chú quyết định đi bán báo phụ mẹ từ những năm 1975” - chú Sơn kể lại.

Chú Sơn là người gốc Hà Nội, theo gia đình vào Nam từ năm 1954.

Ngay thuở nhỏ ấy, cậu bé Sơn ngày ngày vẫn đạp xe đi khắp nơi để giao báo phụ mẹ. Nhờ thế mà cậu có niềm thương đặc biệt cho báo giấy. “Không chỉ được đọc báo mỗi ngày, được tiếp cận thông tin mà còn gặp nhiều người cùng mê mẩn báo giấy như mình nữa chứ. Bán báo không chỉ vì nghề mà còn mang niềm vui cho mình nũa…” - chú Sơn tấm tắc.

Sau này, mẹ nghỉ, chú Sơn vẫn tiếp tục giữ cái duyên với nghề. Cứ thế, 40 năm nay, nắng nắng mưa mưa đều hai mùa, xe đạp của chú Sơn chưa một ngày vắng bóng trên những con đường Sài Gòn. Cái giỏ đầy báo giấy mới đằng trước, người đàn ông bận thêm chiếc sơ-mi nai nịt cẩn thận, đội chiếc mũ beret bạc màu và đôi dép nhựa cũ thong dong giữa dòng ngưòi.

“Có hôm mưa quá cũng đi bán, lấy cái bao ni lông trùm lại thôi à. Có hôm ế lại đem về gấp bịch đựng gạo sử dụng tiếp” - chú Sơn nhớ.

40 năm nay dù nắng hay mưa, chú Sơn vẫn đạp xe đạp với chiếc giỏ đựng đầy báo.

Nhắc kỷ niệm xưa, chú Sơn vẫn không thể quên cái thuở thịnh vượng nhất của báo giấy ngày ấy. “Cứ đúng giờ người ta lại ùa ra sạp báo, ai cũng cầm trên tay một tờ báo mới, nghiền ngẫm đọc tin tức. Không thì đặt tận nhà, mình cũng lặn lội đi giao. Lượng khách mua dồi dào lắm”.

Giờ đây, báo giấy đã không còn được ưa chuộng, công việc làm ăn của chú Sơn trở nên khó khăn hơn. Từ bán buôn đến 6-7 giờ tối, giờ chỉ 1 giờ chiều sạp lại đóng, chú đạp xe đi bán thêm vài tờ cuối ngày rồi trở về nhà cho buổi cơm trưa.

Nhưng nói bỏ nghề, chú vẫn lắc đầu hùi hụi. Không chỉ vì báo giấy đã là cái nghề, cái cần câu cơm để tăng thêm thu nhập… mà bởi chú đã quen với vòng quay tròn đều của chiếc xe đạp chở xấp báo cũ, quen cả những người bạn thân tình đến giờ vẫn giữ nguyên sở thích đọc báo giấy mỗi sáng bên ly cafe đá như mình.

Chuyện tình dung dị của đôi vợ chồng bên sạp báo vỉa hè

Ấy thế, cũng ngần ấy năm nay, có người phụ nữ vẫn cần mẫn cùng chú Sơn chăm sạp báo, đôi bữa ăn, hay đôi lần hỏi thăm: “Có mệt không? Người ta giao báo đằng sớm để em đi phụ”. Đó là cô Thu (48 tuổi), vợ chú.

Câu chuyện tình của chú Sơn và cô Thu bình dị, nhẹ nhàng.

Tình yêu của cô Thu-chú Sơn cũng dung dị như cái sạp báo nhỏ vỉa hè ấy thôi. Cái năm 39 tuổi, bằng lời mai mối, chú Sơn quen được người con gái tên Thu. Vì thương cô có mái tóc dài mượt, còn cô cũng quý cái tánh hiền lành của chú mà cả hai đến với nhau.

Chú Sơn kể: “Thời đó thì đâu có yêu nhau, cũng do người quen mai mối với mình đã lớn tuổi, làm cái đám cưới nhỏ nhỏ là về chung nhà. Ở chung rồi mới có tình cảm đó”.

Mấy chục năm, hai vợ chồng lủi thủi mãi không có mụn con. Buồn tủi lắm, rồi cũng có lúc toan đi xin con, nhưng duyên chưa tới nên cả hai quyết định ở vậy với nhau. Được cái cô Thu tính chịu khó, từ ngày theo chồng lại giúp sức phụ sạp báo ở đầu hẻm.

Cô Thu một mình trông sạp báo.

Cứ 5 giờ sáng, cả hai thức dậy, ăn miếng cơm nguội rồi lại tất tả đạp con xe đi lấy báo. Cô Thu bày biện ở đầu ngõ ngồi bán, còn chú Sơn đạp con xe cũ đi giao báo đến từng nhà.

Mấy nay, sức khỏe chú Sơn yếu dần đi, cái bàn đạp bằng sắt cũng trở nên nặng nhọc hơn, cô Thu phải thức dậy sớm hơn để một mình đạp xe đi lấy báo, chăm bữa cơm và đóng sạp trở về.

Không cần tiếng yêu nào, tình cảm thời đó chỉ là mỗi ngày cô Thu ngồi bên sạp chờ chồng đạp xe trở về, giỏ xe đã vơi đi ít nhìu báo mới. Họ lại xẻ đôi ổ bánh mỳ, cốc nước đá và lặng nhìn Sài Gòn chậm lại trong con hẻm nhỏ.

Người dân Sài Gòn đã quen với tiếng rao báo của chú Sơn.

Có lẽ giờ đây, tiếng rao vặt “báo đây”, “báo mới đây”… đã lùi vào quá khứ, người ta khó lòng được nghe lại đôi lần. Song, cái niềm thương với một thời báo giấy thì vẫn đọng đầy trong lòng những người xưa cũ như chú Sơn.

Như 40 năm, ông chú đem tấm lòng người Tràng An của mình gieo vào Sài Gòn, như cách ngày ngày vẫn cần mẫn đạp con xe đi giao đôi tờ báo ươm nắng… đôi khi chỉ là để mủi lòng về cái thời huy hoàng người ta thương nhớ báo giấy đến thế mà thôi!

Huy Hậu - Đại Thạch

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/ong-chu-dap-xe-ban-bao-cuoi-cung-o-sai-gon-va-chuyen-tinh-yeu-dung-di-cua-doi-vo-chong-ben-sap-bao-via-he-3048904.html