'Ông chú' bán vé số dạo ở miền Tây thi đậu công chức: Giỏi tiếng Anh và Tin học

'Ông chú' bán vé số dạo 20 năm vừa thi đậu công chức ở miền Tây xôn xao dư luận những ngày qua còn có khả năng giao tiếp khá tốt tiếng Anh và thạo tin học.

Những ngày này, khi về miền Tây, đặc biệt là vùng đất Long Phú (Sóc Trăng), lại nghe người ta bàn tán xôn xao về một "ông chú" quanh năm mang chiếc túi đã ngả màu đi bán vé số dạo. Điều đáng nói, "ông chú" này vừa đậu thi công chức huyện với số điểm khá cao khiến nhiều người ngỡ ngàng.

"Ông chú" được nói đến trên là anh Kim Thái (SN 1981, người dân tộc Khmer), ngụ ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Sở dĩ gọi anh là "ông chú" vì đám trẻ trong làng vẫn thường gọi anh như vậy: "Ông chú bán vé số dạo".

Anh Kim Thái (SN 1981, người dân tộc Khmer), ngụ ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Đối với người dân nghèo nơi đây, anh Kim Thái trở thành tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, nghi lực phi thường và hiếu học để nhiều người noi theo.

Gặp và trò chuyện với anh Thái, chúng tôi không khỏi bất ngờ về vốn kiến thức mà anh đang có. Một người quanh năm bán vé số, lao động chân tay nhưng khả năng nói Tiếng Anh và trình độ Tin học khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Anh có thể giao tiếp khá tốt bằng Tiếng Anh, mặt khác cũng có thể tự dạy cho con gái học Tin học.

"Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo đói, nên lúc nào tôi cũng tự nhủ bản thân phải cố gắng để thoát nghèo, để con cái mình sau này không khổ như ba mẹ chúng. Vậy nên, cho dù có "nghèo rớt mồng tơi”, tôi vẫn cố gắng tự bươn chải để kiếm tiền trang trải học phí.

Nhưng nói vậy thôi, nghèo quá cũng không thể cố hết được. Nếu không vì gia cảnh, lẽ ra bây giờ tôi đã là giáo viên dạy môn Lịch sử cấp THCS rồi. Nhưng vì hồi đó gia đình quá khó khăn, tôi phải bỏ học Cao đẳng Sư phạm giữa chừng để mưu sinh với công việc bán vé số.

Công việc thường ngày của anh là bán vé số dạo.

Đến năm ngoài (2017), tỉnh Sóc Trăng mới tổ chức đợt thi tuyển công chức, tôi đăng ký dự thi vào công chức huyện Long Phú và đạt 233 điểm. Đạt số điểm cao nhất trong những người cùng thi chung ngành với tôi", anh Kim Thái cho biết.

Theo anh Thái, năm 1998, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng. Theo học tại đây được 2 năm, khi cha mẹ già yếu, kinh tế gia đình khó khăn hơn, anh phải bỏ lỡ ước mơ làm thầy giáo để đi làm nông phụ giúp gia đình.

Đến năm 2001, anh kết hôn với chị Ung Thị Thu Hằng (38 tuổi, ngụ huyện Long Phú). Sau khi lập gia đình, anh chị tách ra ở riêng trong ngôi nhà nhỏ tạm bợ được ba mẹ hai bên góp lá - dựng vách với đứa con gái đầu lòng. Cuộc sống quá khó khăn, nhưng không đầu hàng số phận, hằng ngày sau khi lo chuyện đồng áng xong, anh Thái tiếp tục rong ruổi khắp nơi đi bán vé số dạo để đổi gạo sống qua bữa cho cả gia đình.

Tuy ngày ngày đi bán vé số dạo, nhưng chưa bao giờ anh thôi ấp ủ, ước mơ sẽ được đi học đại học và có một tấm bằng cử nhân đúng nghĩa. Bởi theo anh, có học thì mới thành công được.

“Thời gian đầu cưới nhau chúng tôi khổ lắm, nhưng hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau. Đến khi làm nông và bán vé số ổn hơn thì cuộc sống mới bắt đầu dễ thở một chút. Tôi quyết định dành dụm tiền để cho vợ đi học lớp sơ cấp dược sĩ và y sĩ. Sau khi hoàn thành khóa học, vợ tôi được nhận vào làm nhân viên y tế học đường tại một trường THPT ở địa phương.

Dù bán vé số dạo, nhưng anh vẫn đỗ trong kỳ thi tuyển công chức của huyện với điểm số khá cao.

Năm 2011, tôi quyết định đăng ký học ngành Luật (Trường Đại học Cần Thơ) nhưng là hệ đào tạo từ xa của trường. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ suy nghĩ là phải quyết tâm đi học, phải tốt nghiệp đại học mới có nghề nghiệp ổn định mới lo cho tương lai của con sau này. May mắn cạnh tôi luôn có người vợ thấu hiểu, luôn động viên và an ủi tôi cố gắng", anh Thái kể.

Với sự nỗ lực vượt khó, năm 2015, anh Kim Thái xuất sắc tốt nghiệp Đại học Cần Thơ với tấm bằng loại khá trên tay. Từ đây, ước mơ trở thành công chức nhà nước của anh mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Hỏi về lý do chọn ngành Luật, anh Thái cho biết: "Theo tôi, làm người thì ai cũng nên biết về luật pháp. Tôi muốn được tuyên truyền kiến thức pháp luật, giúp đỡ bà con địa phương hòa giải trong mối quan hệ gia đình, các kiện cáo bất cập. Vì người dân vùng quê nghèo họ ít hiểu về luật pháp lắm.

Hơn nữa, tôi cũng muốn học để chính tôi hiểu, để bản thân không vô tình phạm sai trái gì. Mặt khác, kiến thức luật sẽ giúp tôi nhiều trong kỳ thi công chức và cách ứng xử nếu tôi làm công chức.

Và rồi thời giờ tôi mong đợi cũng đến, cuối năm 2017, tôi bước vào kỳ thi tuyển công chức do Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Biết tin tôi dự thi, ngoài những người ủng hộ thì cũng không ít người dè bỉu chê bai tôi vịt mà mơ hóa thiên nga. Nhưng giờ thì mọi người đều thấy đấy, tôi không xuất sắc, nhưng đỗ vào vị trí công chức hành chánh tổng hợp thuộc UBND huyện Long Phú thì ít nhiều tôi cũng đã làm nên kỳ tích rồi còn gì".

Chị Ung Thị Thu Hằng (vợ anh Thái) là người luôn sát cánh bên anh khi khó khăn.

Đặt thắc mắc về việc tại sao khi trở thành cử nhân Luật nhưng không xin việc vào đúng ngành, anh Thái đưa mắt nhìn xa xăm, sâu thẳm trong ánh mắt anh là sự trăn trở đối với chính mơ ước của mình.

"Thực ra ai chẳng muốn có công việc đúng ngành của mình, nhưng ở vùng quê nghèo này xin việc đâu dễ. Sau khi tốt nghiệp, tôi có nộp hồ sơ vào một số công ty luật trên địa bàn, đồng thời một số công ty kinh doanh khác để làm cố vấn luật cho họ nhưng đều không được, chưa một công ty nào về Luật cho tôi hy vọng mình sẽ được làm đúng ngành.

Sau thời gian xin việc không được, một số bác trong tổ bảo vệ dân phố mà tôi đang tham gia mới khuyến khích tôi thi công chức. Nghĩ kỹ tôi mới thấy hợp lý, vừa liên quan đến ngành, vừa ổn định sau này. Bởi vậy, dù khó đến mấy tôi cũng không lùi bước", anh Thái chia sẻ.

Thấy chồng cực khổ, vừa làm đủ thứ nghề vừa miệt mài đèn sách, chị Hằng không khỏi xót xa cho chồng. Nhưng biết ước mơ của chồng, nên hằng ngày chị vẫn động viên chồng cố gắng, nhiều đêm chị thức cùng anh đọc sách, pha trà chăm lo cho anh.

Con gái của anh chị nay cũng lớp 10, là động lực để anh cố gắng hơn. Với suy nghĩ tất cả việc anh làm hôm nay là vì tương lai con gái sau này, anh không bao giờ nản chí.

Trong quá trình sống mưu sinh tại quê nhà, anh Thái tham gia vào tổ bảo vệ dân phố và được nhận nhiều bằng khen, khen thưởng.

"Nhìn anh học hành rồi đi bán vậy, làm vợ sao không xót cho được. Ngày nào cũng vậy, sau khi lo việc đồng áng, anh lại rảo bộ hết khắp ngõ ngách trong thị trấn để bán vé số. Mỗi khi đi bán, anh lại mang theo chiếc túi to đùng đoàng toàn sách vở.

Cứ bán hết hay bán được ít, khi ngồi nghỉ anh lại lôi sách ra đọc. Tối đến, hôm nào không trực tổ dân phố thì anh cũng đi bán đến khuya. Khuya về nhiều lúc anh học bài quên giờ tới tận sáng. Nhìn chồng như vậy mà nhiều lúc tôi không cầm được nước mắt", nói đến đây, mắt chị Hằng đã ngấn lệ.

Đến hiện tại, dù biết đã đậu trong kỳ thi tuyển nhưng hằng ngày anh Thái vẫn đi bán vé số dạo để trang trải cuộc sống gia đình. Theo anh, đến khi nào anh được nhận chính thức, anh sẽ gác lại mọi công việc để trở thành một công chức có trách nhiệm, phục vụ hết mình cho nhân dân.

Video: Chuyện về người bán vé số thi đậu công chức ở miền Tây

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ong-chu-ban-ve-so-dao-o-mien-tay-thi-dau-cong-chuc-gioi-tieng-anh-va-tin-hoc-d386342.html