Ông chủ bác sĩ của Miti

Nghe ông chủ thương hiệu Miti kể chuyện chiến thắng cặp sách Trung Quốc trên sân nhà.

Ông Nguyễn Trí Kiên, Chủ tịch hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến. Ảnh: Trường Nikon

Biết đến Nguyễn Trí Kiên vào khoảng hai năm trước trong buổi gặp mặt cuối năm của ngành da giày túi xách Việt Nam. Lúc đó, Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến, nơi ông Kiên đang làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc được ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, giới thiệu là một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất va ly và túi xách.

Sự thành công của Minh Tiến được chia sẻ bởi Nguyễn Trí Kiên chính là việc dòng sản phẩm cặp học sinh của Miti đã đánh bật được sản phẩm Trung Quốc, một hiện tượng trong ngày da giày túi xách Việt Nam vào lúc đó.

Tuy nhiên, phải đến khoảng thời gian gần đây người viết mới có cơ hội gặp lại anh và câu chuyện kinh doanh của Miti mới được anh gợi mở một cách rõ ràng hơn.

Chiến thắng hàng Trung Quốc

Miti tiền thân là cơ sở may túi xách Minh Tiến được thành lập từ năm 1987 bởi cha của Nguyễn Trí Kiên. Lúc đó Minh Tiến chỉ là cơ sở sản xuất gia công, bỏ mối cho các chợ, đại lý ở Chợ Lớn chứ chưa hề có thương hiệu. Phải đến những năm đầu thập niên 90, tên tuổi Miti mới dần được biết đến khi Kiên tham gia kinh doanh.

Nguyễn Trí Kiên sinh năm 1968, ông tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa tại Đại học Y Tây Nguyên vào năm 1992 và sau đó về làm việc cho bệnh viện Nhi Đồng 2 tại TP.HCM. Tuy nhiên, ngay khi học xong chương trình Thạc sĩ sau 2 năm, ông Kiên lại bỏ bệnh viện để quay về nghề sản xuất túi xách của gia đình.

Cũng giống như nhiều doanh nhân Việt Nam vào thời điểm đó, Nguyễn Trí Kiên trở thành doanh nhân xuất phát từ một lý do rất căn bản: cơm áo gạo tiền. “Lúc ấy, mình nghĩ chỉ tạm ngưng nghề bác sĩ một vài năm, khi nào việc kinh doanh của gia đình khá lên một chút thì sẽ quay lại với nghề y, nhưng không ngờ tôi lại thích và theo luôn nghề này cho đến hôm nay”, ông Kiên kể.

Từ một cơ sở sản xuất gia đình với vỏn vẹn hơn 10 người thợ, nay đã tăng lên gần 400 công nhân với hai nhà máy công suất 500.000 sản phẩm/năm. Theo ông Kiên, hiện sản phẩm của Miti chiếm khoảng 30 - 40% thị trường ở TP.HCM với doanh thu khoảng 100 tỉ đồng (2013).

“Tôi khá may mắn”, Kiên nói về thành công của mình. Sự may mắn của Kiên trước tiên chính là việc gặp được những quý nhân rất giỏi trong lĩnh vực kinh doanh.

Người đầu tiên là một thương gia người Đài Loan đặc biệt, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu. Chỉ sau hai năm làm ăn với ông, Kiên đã học được nhiều thứ và vận dụng vào việc xây dựng, phát triển thương hiệu của mình.

Vào thời điểm đó, câu chuyện thương hiệu rất ít được doanh nghiệp Việt Nam để ý đến, nhưng Minh Tiến là một trường hợp ngoại lệ. Trong khi nhiều cơ sở khác vẫn chỉ biết sản xuất rồi mang ra chợ bán thì Minh Tiên lại xây dựng được một thương hiệu riêng với tên viết tắt Miti và câu slogan “luôn luôn bên bạn - always beside you” khiến người tiêu dùng xem Miti như là một sản phẩm cao cấp.

Tạo được chỗ đứng với thương hiệu túi xách Miti, nhưng thành công nhất với Nguyễn Trí Kiên và Miti cho đến đến thời điểm hiện nay chính là dòng cặp siêu nhẹ.

Những năm 2000, mặc dù đã tạo được dấu ấn với sản phẩm túi xách, nhưng cặp học sinh vẫn là dòng sản phẩm chủ lực của Miti. Bằng kiến thức của một bác sĩ nhi khoa, anh nhìn thấy tác hại của những chiếc cặp thông thường với trọng lượng quá sức. Kiên cho biết, vào năm 2000, có đến 40% học sinh bị vẹo, lệch cột sống do mang những chiếc cặp quá nặng so với sức của các em.

Muốn làm một điều gì đó để thay đổi nhưng nhiều lần nghiên cứu Kiên vẫn chưa thể tìm ra được lời giải. Bởi lúc đó, nguyên liệu chính là nhựa tái sinh nên những chiếc cặp học sinh thời đó vừa hôi, vừa nặng, lại dễ gãy.

Và vị quý nhân thứ hai của Kiên xuất hiện và cũng lại là một người Đài Loan. Tình cờ trong một dịp hội thảo, Kiên gặp được nhà sản xuất chuyên cung cấp nhựa nguyên sinh không độc hại, không mùi, bền và đặc biệt có trọng lượng rất nhẹ. Với loại vật liệu mới, Kiên bắt tay vào thiết kế chiếc cặp siêu nhẹ. Sau 2 năm liên tục cải tiến, đầu năm 2002 chiếc cặp siêu nhẹ với 600 gram (chỉ bằng 1/3 trước kia) được đưa ra thị trường.

Khởi đầu từ sản phẩm của Miti, chỉ một năm sau, thị trường cặp siêu nhẹ bùng nổ và và đã đánh bật được cặp xách Trung Quốc trước đó vốn thống trị tại thị trường Việt Nam.

Bài toán tăng trưởng và sở hữu

Mặc dù đã đánh bật được hàng Trung Quốc nhưng từ đó, Miti lại vấp phải sự cạnh tranh không nhỏ từ các doanh nghiệp nội địa. Hiện thị trường nội địa đã có hơn 200 doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng cặp, túi.

Tại khu vực phía Nam đang nổi lên một số nhà cung cấp có thương hiệu như Công ty May túi xách Hasun, Công ty May túi xách Phú Minh Quang (Qami), Công ty Sản xuất thương mại Hoàng Hải Cáp. Trong khi đó, khu vực phía Bắc có Ladoda thuộc Công ty Cổ phần Ladoda, với 2 nhà máy đặt tại Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Lâm (Hưng Yên) cũng chiếm lĩnh một phần thị trường nội địa với đa dạng sản phẩm.

Cạnh tranh gay gắt nhưng ông chủ của Miti cho biết, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, ước tính từ 1.500 tỉ đồng đến 1.700 tỉ đồng. Theo ông Kiên, nguồn lực của Miti vẫn còn hạn chế nên chưa thể tạo sự tăng trưởng đột biến. “Vay ngân hàng để đầu tư thì không có tài sản để thế chấp trong khi gọi vốn từ các quỹ đầu tư thì chúng tôi chưa muốn”, ông Kiên nói.

Giải thích nguyên nhân của việc từ chối các quỹ đầu tư, ông Kiên cho rằng, nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư vẫn là vì lợi nhuận, dễ dẫn đến việc trao tay phần vốn góp một khi quỹ đầu tư không đạt được mức sinh lợi mong muốn. Ngoài ra, ông cũng muốn đưa Miti phát triển hơn để được đánh giá cao hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng doanh thu 20% hằng năm, ông Kiên đã đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý. Một trong những số đó là chiến thuật tạo ra nhu cầu.

Cụ thể, sau cặp siêu nhẹ, MiTi tiếp đà tạo ra các sản phẩm siêu nhẹ khác như túi xách, vali... Chỉ 1 năm xuất hiện, vali siêu nhẹ của Miti đã nhận được tín hiệu khá tốt từ khách hàng. Mỗi tháng, Miti cung cấp gần 10.000 chiếc vali siêu nhẹ. Ngoài dòng sản phẩm Miti, ông Kiên cho biết hiện doanh nghiệp cũng đã triển khai dòng sản phẩm cao cấp hơn mang thương hiệu Bravio, gồm ba lô và túi xách công sở.

Miti cũng bắt đầu tính chuyện làm phình to chiếc bánh thị trường bằng việc mở rộng ra các khu vực trong nước và quốc tế.

Hiện nay thị trường xuất khẩu vẫn chưa chiếm tỉ lệ cao trong tổng doanh thu của Miti. Nhưng Miti đã có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển thêm trường mới. “Tôi vừa đi khảo sát thị trường Lào, sắp tới sản phẩm của Miti sẽ chính thức xâm nhập thị trường Lào”, ông Kiên cho hay.

Đây có lẽ là một hướng đi phù hợp cho chiến lược tăng trưởng của Miti và phù hợp với tình hình chung. Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, sản phẩm ba lô, túi xách xuất khẩu tăng trưởng 40,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó với thị trường trong nước, hiện Miti đã có hơn 400 đại lý và 80 cửa hàng trực thuộc công ty. “Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp co cụm lại, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, nên đây là cơ hội tốt để Miti tăng tốc phát triển mạng lưới bán lẻ. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ chỉ phát triển một cách chọn lọc”, ông Kiên nói.

Có lẽ sự thận trọng của ông Kiên là không thừa bởi hiện nay, ngay trong hệ thống cửa hàng của Miti cũng đang gặp vấn đề. Ông Kiên cho biết, các cửa hàng của Miti hiện chỉ bán các sản phẩm của công ty nên hiệu quả kinh doanh không cao. Sắp tới, những cửa hàng này sẽ bán thêm sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác.

Sự thận trong này cũng là điều dễ hiểu, bởi Miti cũng từng gặp vấn đề vì mở rộng quá nhanh. Năm 2008, Miti thành lập nhà máy ở miền Bắc và đã đóng cửa sau hơn một năm hoạt động do gặp nhiều khó khăn về con người, nguồn nguyên liệu và vận chuyển.

Ông Kiên kể lại, hồi trước công nhân của nhà máy chủ yếu là người Bắc, mỗi lần về quê là họ nghỉ luôn. Vì thế ông cho rằng mở nhà máy ở ngoài đó sẽ vừa thu hút công nhân cũ vừa phục vụ thị trường. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng sự phát triển đó đã vượt quá sức của doanh nghiệp, nhà máy ở xa nên việc quản lý khó khăn.

Nghề mới

Tạm thành công với Miti, nhưng Nguyễn Trí Kiên không quay lại nghề y như dự định ban đầu mà lại đang rẽ sang một hướng khác. Đào tạo về Quản trị năng lượng toàn diện. Dù anh nói rằng mình chỉ dành 10% cho lĩnh vực đào tạo nhưng suốt quá trình trò chuyện, anh dành hơn nửa thời gian để nói về nó.

Quản trị năng lượng toàn diện theo chia sẻ của ông là tối ưu hóa 4 nguồn năng lượng cơ bản gồm Năng lượng thể chất, năng lượng tình cảm, năng lượng trí tuệ, và năng lượng tinh thần. Tất cả những nguồn năng lượng trên được đào tạo một cách khoa học trên nền tảng kiến thức y khoa.

Ông Kiên kể rằng, một biến cố trong gia đình đã khiến ông thay đổi suy nghĩ. Ông cho rằng, kinh doanh chỉ mang lại ý nghĩa về mặt tiền bạc cho mình, nhưng việc đào tạo về quản trị năng lượng toàn diện và thông minh sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều người. Bởi, mọi thứ được giải thích và khởi nguồn từ năng lượng. Nó là tiền đề của mọi thành công và hạnh phúc.

“Làm một người thành công cần để lại 2 thứ cho gia đình và xã hội, đó là tài sản và di sản. Tài sản thì có thể mất đi, nhưng di sản thì còn mãi”, ông Kiên nói về việc bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhan-vat/ong-chu-bac-si-cua-miti-388784.html