Ông chủ 8X với ước mơ 'đánh thức' nguyên liệu vùng bãi ngang Thạch Hà

Nhận thấy những lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có ngay tại quê hương, sau nhiều năm vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm tại miền Nam, anh Trần Minh Đức ở thôn Quyết Tiến, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

"Bố mẹ mất sớm, sau bao năm học đại học bôn ba ở miền Nam khi trở về quê lập nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu bởi lúc bấy giờ vốn không có, nhà cửa không, mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Cuối năm 2016 tôi bàn vợ vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Sau một thời gian thử sức với sản phẩm đậu nành sấy nhưng không mang lại lợi nhuận, thị trường tiêu thụ không ổn định. Vì vậy, sau đó tôi chuyển sang sản xuất sản phẩm lạc rang tỏi ớt với mong muốn tận dụng được nguồn nguyên liệu lạc sẵn có của vùng đất bãi ngang. Tôi bắt đầu mày mò tìm hiểu máy móc, nguyên liệu, thị trường. Vừa làm vừa học, sản phẩm làm ra đổ buôn cho các nhà hàng, quán ăn nhỏ trên địa bàn. Những ngày đầu vào nghề khen có, chê có nhưng tôi thu nhặt hết để quyết tâm học nghề, tích lũy kinh nghiệm và vốn để lập nghiệp”, anh Đức kể về hành trình lập nghiệp của mình.

Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng.

Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng.

Tận dụng những kiến thức trên giảng đường đại học anh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhiều loại máy móc hiện đại như máy chiên, máy vắt ly tâm, cắt gọt bao bì, đóng gói sản phẩm, máy hút chân không, máy đóng giấy bạc. Việc sản xuất cũng được tuân thủ các quy trình kỹ thuật với các công đoạn phân loại, lựa chọn làm sạch lạc, chiên chín, tách dầu sau đó phối trộn gia vị, giảm nhiệt, tạo kết dính, làm nguội, đóng gói và bảo quản sản phẩm.

Theo anh Đức, anh đã làm việc bằng tất cả "tâm huyết", "cái tâm", "uy tín" để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Để sản phẩm ngon thì việc thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào đến thực hiện các quy trình sản xuất rất quan trọng, hạt lạc phải đảm bảo được trồng ở vùng đất cát bãi ngang ven biển mới giàu dưỡng chất, hạt to, béo và ngậy hơn so với lạc được trồng ở vùng đất thịt.

Sản phẩm Lạc rang tỏi ớt của anh Trần Minh Đức đã được thị trường đón nhận và có chỗ dựa vững chắc trên thị trường.

“Đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và kiên trì quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau. Lấy kinh doanh tiêu dùng làm kim chỉ nam, lấy chữ tín làm đường đi, lấy tình yêu làm vốn” nên sản phẩm lạc rang tỏi ớt của anh đã được thị trường đón nhận và có chỗ dựa vững chắc trên thị trường đến nay sản phẩm lạc rang tỏi ớt của anh đã có mặt ở một số tỉnh như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh….

Đặc biệt, sản phẩm lạc rang tỏi ớt đã được tham gia các hội chợ triển lãm trong huyện, tỉnh và được lựa chọn là một trong những sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh năm 2019. Đây là sự ghi nhận bước đầu cho sự nỗ lực, mạnh dạn đầu tư sản xuất của vợ chồng anh Trần Minh Đức, đồng thời giúp cơ sở tự tin tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Lạc rang tỏi ớt của cơ sở anh Trần Minh Đức là một trong 8 sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) huyện Thạch Hà năm 2019.

Hiện, trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Đức dạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

"Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất bãi ngang Thạch Hà một nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng trước nay cũng chỉ dừng lại ở việc bán cho thương lái, trường bấp bênh. Khi cơ sở lạc rang tỏi ớt của anh Đức ra đời đã mở ra một hướng đi mới, góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương, có sản phẩm cho người địa phương sử dụng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động hoàn cảnh khó khăn", ông Bùi Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đánh giá.

Hỏi về những dự định sắp tới, anh Trần Minh Đức cho biết, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, khâu nối để đưa sản phẩm sang nước Lào, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời liên kết chuỗi HTX trồng lạc nhằm xây dựng thương hiệu lạc trên vùng đất cát vùng biển ngang Thạch Hà.

Trà Giang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ong-chu-8x-voi-uoc-mo-danh-thuc-nguyen-lieu-vung-bai-ngang-thach-ha-post32498.html