Ðồng chí Hoàng Ðình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Ðình Giong (1-6-1904 - 1-6-2019), ngày 30-5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Cao Bằng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: 'Ðồng chí Hoàng Ðình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng'. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu phát biểu của đồng chí GS,TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo.

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Ðình Giong (1-6-1904 - 1-6-2019), ngày 30-5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Cao Bằng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Ðồng chí Hoàng Ðình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng”. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu phát biểu của đồng chí GS,TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo.

Thưa các đồng chí,

Đồng chí Hoàng Ðình Giong sinh ngày 1-6-1904, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, tức làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hòa An, nay là phường Ðề Thám, TP Cao Bằng. Ðồng chí là người chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối của Ðảng Cộng sản Việt Nam - nguyên Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ; nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu 9; Khu Bộ trưởng Khu 6; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Cao Bằng.

Tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của quê hương, gia đình và dòng họ, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã sớm hình thành tư tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại ách áp bức của chế độ thực dân. Tháng 3-1926, khi còn đang học tại Trường Bách nghệ Hà Nội, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên đòi để tang và tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Bị nhà trường của thực dân Pháp đuổi học, đồng chí trở về quê nhà tiếp tục hoạt động tuyên truyền tinh thần yêu nước trong thanh niên.

Năm 1927, đồng chí sang Trung Quốc, tìm bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức. Tháng 6-1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu, Trung Quốc - bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Hoàng Ðình Giong. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Ðông Dương Cộng sản Ðảng và được cử làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Ðảng và phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Trong những năm 1932-1935, sau Cao trào cách mạng Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng trong nước bị khủng bố ác liệt, các tổ chức Ðảng và cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài - cơ quan Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðảng, đồng chí Hoàng Ðình Giong cùng một số đảng viên trung kiên đã bám sát địa bàn hoạt động, chỉ đạo từng bước khôi phục hệ thống tổ chức Ðảng, cơ sở cách mạng ở các tỉnh biên giới phía Bắc và một số tỉnh, thành phố ở vùng duyên hải Bắc Bộ như Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh.

Tháng 3-1935, đồng chí Hoàng Ðình Giong được cử làm trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Tại đây, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Ðảng, được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 2-1936, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Hải Phòng. Mặc dù bị giam cầm, đày ải trong nhiều nhà tù thực dân ở trong và ngoài nước, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người đảng viên Ðảng Cộng sản. Tháng 10-1944, với tài trí và sự vận động khôn khéo, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã cùng với một số tù chính trị cộng sản đang bị lưu đày ở đảo Ma-đa-gát-xca được trở về nước tiếp tục hoạt động, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Cao Bằng.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Hoàng Ðình Giong được giao nhiệm vụ Chỉ huy Bộ đội Nam tiến, tham gia cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Với tài năng chỉ huy quân sự, đồng chí đã được giao đảm nhiệm nhiều cương vị, như: Chủ nhiệm Chính trị Bộ Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng đầu tiên Khu 9, Khu Bộ trưởng Khu 6. Năm 1947, trong một trận chiến đấu không cân sức với quân địch, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại tỉnh Ninh Thuận, thuộc mặt trận Nam Trung Bộ.

Thưa các đồng chí!

Đồng chí Hoàng Ðình Giong là tấm gương tiêu biểu về người chiến sĩ cách mạng mẫu mực, trung kiên, người đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Thứ nhất, đồng chí Hoàng Ðình Giong - đảng viên lớp đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam, người đã lãnh đạo trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Ðảng đầu tiên ở Cao Bằng, Lạng Sơn.

Ðồng chí Hoàng Ðình Giong có công lao to lớn, đặt nền móng đầu tiên cho phong trào cách mạng và tổ chức đảng ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Từ nửa sau năm 1928 đến năm 1929, khi vẫn đang hoạt động ở Long Châu, Trung Quốc, đồng chí Hoàng Ðình Giong vừa giúp việc cho Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tham gia chuẩn bị cho các lớp huấn luyện lý luận chính trị, vừa tích cực trực tiếp chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức Ðảng Cộng sản ở Cao Bằng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, từ cuối năm 1928 và sang năm 1929, nhiều cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Cao Bằng đã được thành lập và phát triển mạnh mẽ, tập hợp được những hạt nhân tiên tiến như Ninh Văn Phan, Lê Ðoàn Chu, Hoàng Văn Nọn, Nông Văn Ðô...

Trên cương vị Bí thư Chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng ở Long Châu, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng tại vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn. Ðầu năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Ðình Giong trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Ðảng và là một trong những người cộng sản đầu tiên của Cao Bằng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, ngày 1-4-1930, Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Cao Bằng được thành lập. Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức đảng và cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh được thành lập, phong trào cách mạng của quần chúng được phát triển rộng khắp ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Từ năm 1930 đến 1935, từ một chi bộ với ba đảng viên, tổ chức Ðảng ở Cao Bằng đã phát triển thành 10 chi bộ, hoạt động ở năm huyện: Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An và Nguyên Bình.

Thứ hai, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã có những cống hiến xuất sắc trong việc tái lập hệ thống tổ chức Ðảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Sau Cao trào cách mạng 1930 - 1931, trước sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và cấp ủy nhiều địa phương không còn, phong trào cách mạng rơi vào thoái trào. Yêu cầu của cách mạng Việt Nam lúc này là phải nhanh chóng tái lập Ban Chấp hành Trung ương và hệ thống tổ chức Ðảng, đưa phong trào cách mạng tiến lên. Tháng 4-1932, đồng chí Hoàng Ðình Giong bắt liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong - người được Quốc tế Cộng sản cử về Ðông Dương để chủ trì tái lập Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và hệ thống tổ chức Ðảng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã tích cực chỉ đạo và trực tiếp tham gia khôi phục hệ thống tổ chức Ðảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ. Chi bộ đặc biệt Long Châu do đồng chí là Bí thư, đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ và chỉ đạo tổ chức lại các đường dây liên lạc đưa cán bộ về nước hoạt động. Sau khi nắm tình hình trong nước, đồng chí trở về hoạt động tại Cao Bằng, Hải Phòng và vùng mỏ Ðông Bắc, từng bước gây dựng lại phong trào cách mạng. Với hoạt động tích cực của đồng chí, các chi bộ Ðảng tại Hải Phòng dần được tái lập và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Hải Phòng. Tại vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, trên cơ sở nhận thức rõ, trước hết phải tổ chức Hội Ái hữu và Công hội đỏ để làm nòng cốt tập hợp quần chúng đấu tranh, qua đó phát hiện, bồi dưỡng các đảng viên mới, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục một số chi bộ Ðảng, như: Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Chi bộ Nhà máy kẽm Quảng Yên... - những nơi tập trung công nhân, trở thành trung tâm của phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Thứ ba, đồng chí Hoàng Ðình Giong là người cán bộ quân sự tài năng của Ðảng và cách mạng Việt Nam.

Sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân trở về nước, đồng chí Hoàng Ðình Giong được Trung ương Ðảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh phân công cùng Tỉnh ủy Cao Bằng xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ðồng chí đã cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, vừa tiến hành xây dựng lực lượng, mở rộng địa bàn, căn cứ cách mạng, vừa chỉ huy lực lượng vũ trang ngăn chặn quân Nhật tiến công, đồng thời tiễu trừ phỉ, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng.

Tháng 8-1945, trên cương vị Trưởng Ban khởi nghĩa tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã chủ động, quyết đoán, nắm thời cơ, kịp thời lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Cao Bằng, trước khi quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào.

Trước âm mưu của thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, hưởng ứng chủ trương của Trung ương Ðảng, Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã tham gia đoàn quân Nam tiến và được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến. Trên cương vị là Chỉ huy Bộ đội Nam tiến, rồi Chủ nhiệm Chính trị Bộ Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng Khu 9, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã xây dựng được khối đoàn kết vững chắc giữa nhân dân và bộ đội các địa phương; vận động các lực lượng giáo phái ở Nam Bộ tham gia kháng chiến; chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và gắn bó cùng quân dân Nam Bộ bám trụ chiến đấu kiên cường. Trên cương vị Khu Bộ trưởng Khu 6 chỉ huy các lực lượng vũ trang Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã chỉ đạo tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng căn cứ mới của Khu và tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về cách đánh du kích, xây dựng lực lượng kháng chiến ngày càng phát triển.

Dù phải thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn, tác chiến trên những chiến trường ác liệt, phức tạp, ở xa sự lãnh đạo của Trung ương, nhưng với bản lĩnh của một người chỉ huy quân sự tài năng, trí dũng song toàn, đồng chí đã cùng Bộ tham mưu xây dựng phương án tác chiến đúng đắn, hiệu quả, góp phần chặn bước tiến, làm phá sản âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của đội quân viễn chinh Pháp.

Thứ tư, đồng chí Hoàng Ðình Giong là tấm gương đạo đức mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của các dân tộc và quê hương Cao Bằng.

Ðồng chí Hoàng Ðình Giong là người con ưu tú của các dân tộc và quê hương Cao Bằng - vùng đất địa đầu biên giới phía Bắc của Tổ quốc, một địa danh lịch sử với bề dày truyền thống chống ngoại xâm, địa điểm đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng, từ đó lan tỏa ra cả nước, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám Mùa thu năm 1945.

Ðồng chí là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Cao Bằng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Ðảng bộ Cao Bằng được thành lập, trở thành một trong những chi bộ ra đời sớm trong cả nước, Ðảng bộ Cao Bằng trở thành một đảng bộ có những đóng góp to lớn và quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu về một thanh niên trí thức yêu nước, đến với cách mạng và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” đang rộng mở, đồng chí đã lựa chọn đi theo sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, nhưng hết sức vẻ vang nhằm đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Trong những năm tháng bị giam cầm, đày ải, bị tra tấn hành hạ trong các nhà tù thực dân, đồng chí Hoàng Ðình Giong vẫn tỏ rõ tinh thần kiên trung, bất khuất, giữ gìn thanh danh và khí tiết của người đảng viên cộng sản, nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Ðảng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Ðình Giong đã nêu cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức. Với phẩm chất đạo đức và tài năng, đồng chí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, dặn dò, trao trách nhiệm cầm quân Nam tiến và đặt tên gọi mới là: “Võ Văn Ðức”. Ðồng chí luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Ðảng và cách mạng lên trên hết, sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân đặc biệt yêu mến, tin tưởng và cảm phục.

Những hoạt động, cống hiến và sự hy sinh oanh liệt cho đất nước của đồng chí Hoàng Ðình Giong đã làm rạng danh quê hương Cao Bằng. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Cao Bằng, cùng nhân dân cả nước không ngừng học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40393202-%C3%B0ong-chi-hoang-%C3%B0inh-giong-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-cao-bang.html