Ông cha ta đã từng xã hội hóa các hoạt động văn hóa

Ông cha ta đã tạo dựng được một nền văn hóa giàu có, phong phú và độc đáo với hơn 10.000 di tích lịch sử văn hóa, hơn 8.000 lễ hội, nhiều loại hình dân ca và sân khấu dân gian... Có thể nói ở một khía cạnh nào đó, từ hàng nghìn năm trước ông cha ta đã thực hiện xã hội hóa, cộng đồng hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, trong việc sáng tạo và thưởng thức các loại hình văn hóa.

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà từ xưa được xây dựng do công sức từ xã hội hóa.

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà từ xưa được xây dựng do công sức từ xã hội hóa.

Trước hết nói về các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc. Hàng nghìn di tích quý báu, những đình chùa miếu mạo, những làng cổ độc đáo đều được xây dựng bằng tài sản và công sức của cộng đồng làng xã, của những người hằng tâm, hằng sản. Công sức và tấm lòng của họ được nhân dân ghi nhớ, lưu truyền, không ít trường hợp còn được lưu lại trong văn bia được tạo dựng trang trọng trong khuôn viên của di tích. Không ít làng cổ có hệ thống đường thôn ngõ xóm tuyệt đẹp bằng đá xanh, bằng gạch xuất phát từ những tục lệ tốt đẹp: mỗi cô gái khi đi lấy chồng có nghĩa vụ lát cho làng một đoạn đường bằng gạch, hoặc đá. Từ công sức của mọi người đóng góp, tất cả đều trở thành tài sản của làng: từ cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa chiều, miếu mạo… đều thiêng hóa, mọi người đều được thụ hưởng và có nghĩa vụ gìn giữ bảo vệ.

Các lễ hội dân gian truyền thống cũng được tổ chức bằng nhân tài vật lực của làng xã. Từ những hội làng đến những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia như: hội chùa Hương, hội Phủ Giày, hội Gióng cũng đều do các làng xã diễn ra lễ hội chủ trì. Ban tổ chức lễ hội do nhân dân bầu ra gồm những người đạo cao đức trọng. Nhân dân cả làng, cả xã tùy tâm, tùy sự phân công mà đóng góp công sức, tiền của, hoàn toàn không vụ lợi. Không ai có ý định kiếm lợi lộc ở những sinh hoạt văn hóa thiêng liêng như thế này. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức giản dị, tiết kiệm và hoàn toàn không có yếu tố thương mại. Lễ hội lâu nhất như chùa Hương cũng chưa đến một tháng, lễ hội Phủ Giày tùy điều kiện có thể mở từ 3 đến 10 ngày. Không biết từ bao giờ và do ai mà các lễ hội ngày càng kéo dài, đến mức kỷ lục như hội chùa Hương tới 3 tháng, hội Phủ Giày cũng kéo dài cả tháng với bao nhiêu dịch vụ ăn theo, bao nhiêu cách moi tiền của du khách trảy hội.

Tôi còn nhớ ngày xưa không có lễ hội nào bán vé, không có di tích nào bán vé vào cửa. Làng tôi xưa cách hội Phủ Giày 4 – 5 cây số, dạo còn bé (khoảng 8 - 9 tuổi) đã có lần tôi trốn bố mẹ một mình đi hội Phủ Giày. Tôi như mê đi trong dòng người trảy hội quần áo đẹp mà thanh lịch, nền nã, trong khói hương và những nghi thức hành lễ… nhưng không tốn kém một xu hào. Có 5 hào trong túi, tôi dành tất cả để mua một cây mía và một ít quả nhót làm quà cho các em. Làng tôi năm nào cũng mở hội, có rước kiệu từ chùa trong ra chùa ngoài và ngược lại. Những người tham gia trực tiếp vào lễ hội phải là những người có đức, có tài, được dân tín nhiệm. Ai được trao trách nhiệm rước kiệu (gồm bát cống, long đình, kiệu võng) phải là trai thanh, gái lịch, bố mẹ song toàn, quần áo trang phục do làng cung cấp, nếu thiếu phải bỏ tiền túi ra sắm, nhưng ai cũng vui mừng, phấn khởi vì mình vinh dự được lựa chọn.

Các sinh hoạt dân ca trong lễ hội như hát Dặm ở Quyển Sơn (Hà Nam), hát Dô ở Quốc Oai, hát Chèo Tàu ở Đan Phượng (Hà Nội); hát Xoan ở Phú Thọ… rồi hát Quan họ ở Kinh Bắc, hát Đúm ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), hát Trống Quân ở nhiều nơi thuộc trung du và đồng bằng Bắc Bộ thường được tổ chức rất công phu và tốn kém nhưng đều được các thành viên tự nguyện gánh vác (đôi khi có thêm sự giúp sức của cộng đồng).

Sau này sân khấu dân gian phát triển với các loại hình như: múa rối, chèo, cải lương… cũng hoạt động theo kiểu xã hội hóa như vậy. Những gánh hát đều do những nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng rất yêu, rất say mê nghệ thuật lập nên. Bình thường họ vẫn là những người nông dân, thợ thủ công cần mẫn, nhưng những dịp lễ hội, các ngày tết họ bỗng hóa thân thành các nghệ sĩ. Họ tập luyện, biểu diễn trước hết là cho mình, thỏa mãn, khát khao sáng tạo của mình, sau đó là phục vụ bà con làng xã. Nhiều trường hợp biểu diễn không có thù lao, cũng có khi được làng thưởng cho ít, nhiều để bù đắp cho những tổn phí mà họ đã bỏ ra. Ở làng tôi vào những năm 60 của thế kỷ 20 trở về trước, có một gánh chèo tự phát. Những anh Hưởng, chị Khanh, chị Phụng… (bây giờ đều ở độ tuổi 70 - 80), tập hợp nhau lại tập tành rồi biểu diễn. Mọi chi phí từ trang phục, mũ mão, cho đến đèn đóm, phông màn, các thành viên trong nhóm đều tự sắm. Phần thưởng duy nhất là những đêm diễn của họ vào dịp đầu xuân, dịp Tết đông nghịt người xem. Những vở chèo đầu tiên tôi được xem (tất nhiên là miễn phí) như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ… đều là của đội chèo này.

Có thể nói trong một thời gian dài ông cha ta đã thành công trong việc xây dựng những thiết chế văn hóa và sinh hoạt văn hóa với phương châm cả cộng đồng sáng tạo và cả cộng đồng cùng thụ hưởng, trong một tâm thức chung: những sáng tạo văn hóa là thiêng liêng, cao quý, là phương tiện sinh hoạt tâm linh của cả cộng đồng. Tất nhiên những thành công nổi trội là do cá nhân có tài năng và đam mê, nhưng tất cả đều được xây dựng bởi cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng. Bây giờ hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa đã rất khác xưa, những cách thức mà ông cha ta thực hiện có thể đã không còn phù hợp nữa, nhưng xã hội hóa hoạt động văn hóa vẫn có thể thực hiện được ở những mức độ nhất định nếu chúng ta xây dựng được tâm thức văn hóa cho cả cộng đồng, nếu chúng ta từng tách văn hóa một cách rạch ròi ra khỏi những sinh hoạt và nhu cầu tâm linh của cộng đồng và nhất là không nên kéo dài tình trạng thương mại hóa các hoạt động văn hóa và lễ hội.

Trần Bảo Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/ong-cha-ta-da-tung-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-van-hoa-tintuc429566