Ðồng bộ trục giao thông huyết mạch của Thủ đô

Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (đường vành đai 3 trên cao, giai đoạn 2) đang được các đơn vị, nhà thầu huy động nhân lực, phương tiện thi công liên tục, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10-2020, nhằm khớp nối đồng bộ với đường Phạm Văn Ðồng (phía dưới), góp phần khơi thông tuyến giao thông cửa ngõ quan trọng của Thủ đô đang trong tình trạng quá tải. Ðiểm nổi bật là đoạn tuyến cầu cạn mới sẽ được điều chỉnh thiết kế hiệu quả hơn so với các đoạn đang khai thác hiện nay.

Công nhân tại dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang tập trung thi công, bảo đảm yêu cầu tiến độ.

Bảo đảm tiến độ thi công

Công trình xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội có quy mô đường cao tốc bốn làn xe, chiều dài cầu và đường dẫn gần 5,4 km, trong đó riêng phần cầu cạn dài hơn
4,8 km. Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, bằng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao
thông vận tải - GTVT) làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dự án gồm hai gói thầu, đều lần lượt khởi công vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Trong đó, gói số 1 xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (Km0+130 - Km2+812,5), do Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và Cienco 4 (Việt Nam) là nhà thầu chính; gói số 2 xây dựng đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (Km2+812,5 - Km5+497,7) do Liên danh Tokyu - Taisei (Nhật Bản) làm nhà thầu chính. Ðây là các nhà thầu từng tham gia thi công cầu Nhật Tân trước đây.

Dẫn chúng tôi đi thực tế hiện trường, Trưởng phòng Ðiều hành dự án 1 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Phạm Anh Tú cho biết: Ðến thời điểm giữa tháng 10, Hà Nội đã bàn giao cho nhà thầu hơn 4,7 km trên tổng số gần 5,4 km (còn hơn 680 m chưa bàn giao). Cụ thể, gói thầu số 1, nhà thầu đã tiếp nhận 2.020 trong số 2.682 m, đạt 75,3%, từ Km0+130 (trước mố A1) đến Km2+150 (sau trụ P43), đồng thời Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép rào chắn cho nhà thầu thi công. Ðoạn còn lại từ trụ P43 đến trụ P61 (dài 682,5 m), theo kế hoạch được bàn giao cho nhà thầu trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và dự án mở rộng đường vành đai 3 đang thực hiện dở dang nên nhà thầu vẫn chưa tiếp nhận mặt bằng.

Trên cơ sở điều kiện tiếp nhận mặt bằng, nhà thầu đã hoàn thành dựng rào chắn thi công các phân đoạn từ trụ P4 đến P16, từ trụ P19 đến P22 và đoạn từ trụ P29 đến P37; hoàn thành đóng 109 trong số 406 cọc D 1.200 mm; huy động một bãi đúc dầm (bố trí cho sáu bệ đúc) và đã đúc được bốn phiến dầm đầu tiên. Tại gói thầu số 2, kỹ sư Trần Văn Quyền (nhà thầu Tokyu - Taisei) giới thiệu, trên công trường gói 2 luôn có khoảng 130 kỹ sư, công nhân thi công ba ca liên tục. Do toàn bộ mặt bằng được bàn giao nên nhà thầu đã dựng xong hàng rào các phân đoạn từ trụ P61 đến P96. Các đoạn còn lại (phần đã cấp phép rào chắn và tiếp nhận mặt bằng), nhà thầu đang quản lý và thực hiện công tác bảo đảm giao thông. Nhà thầu phụ Licogi 12 đã bố trí hai đội thi công cọc khoan nhồi, hoàn thành khoan 172 trong số 458 cọc D 1.200 mm, huy động một bãi đúc dầm (12 bệ đúc) và hoàn thành đúc 14 phiến. Dự kiến đến cuối tháng 2-2019 sẽ thi công xong cọc khoan nhồi, vượt tiến độ so với yêu cầu.

Do dự án vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông nên các hàng rào được dựng chắc chắn, bố trí đèn quay cảnh giới, có hố ga, rãnh thu nước để tránh bùn và nước thải tràn ra đường, ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Kỹ sư Phạm Hoàng Giang, tư vấn giám sát gói thầu số 1 đánh giá, nhà thầu Nhật Bản rất khắt khe về vấn đề an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Công trường làm đến đâu phải sạch sẽ đến đó thì mới được làm tiếp, công tác bảo đảm an toàn giao thông được chú trọng.

Thiết kế tiết kiệm, hiệu quả

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn nhận định, việc TP Hà Nội triển khai đồng thời dự án mở rộng đường Phạm Văn Ðồng, thúc đẩy nhanh việc giải tỏa mặt bằng đã giúp công trình xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuận lợi hơn khi "nút thắt" lớn này từng bước được tháo gỡ. Khi hai dự án được triển khai đồng thời, các đơn vị thực hiện đã nhìn nhận được những bất cập phát sinh trong thực tiễn để kịp thời điều chỉnh. Ðây là trục huyết mạch, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn nên cần nghiên cứu thiết kế một cách kỹ lưỡng, khoa học, tránh gây bất tiện cho lưu thông và tạo áp lực lên khu vực nút giao đường Hoàng Quốc Việt và một số tuyến lân cận. Cụ thể, dự án cầu cạn trên cao đã được nghiên cứu, thay đổi thiết kế phù hợp thực tế, bảo đảm tiết kiệm, khai thác hiệu quả hơn so với các đoạn triển khai trước.

Khi phê duyệt dự án này, do chưa triển khai mở rộng đường Phạm Văn Ðồng nên Hội đồng nghiệm thu nhà nước yêu cầu tính toán lại thiết kế của nút giao cầu vượt Mai Dịch phù hợp, nắn theo hướng mở rộng mỗi bên khoảng 5 m để thành hai làn như đường đô thị và đường cao tốc vẫn chạy bên trên. Phương án này ưu điểm hơn cả, tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông ở khu vực nút giao.

Tương tự, một số khu vực trước đây dự kiến không thể giải tỏa được mặt bằng, phải tính phương án sử dụng cọc vít xoay thay thế cọc khoan nhồi tránh ảnh hưởng nhà dân nhưng chi phí cao gấp hai lần và thi công khó khăn hơn. Tuy nhiên, hiện tại, TP Hà Nội đã giải tỏa mặt bằng thuận lợi, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất Bộ GTVT sử dụng cọc khoan nhồi để tiết giảm chi phí. Ðoạn cầu cạn mới có sáu nhánh lên xuống, theo thiết kế cũ sử dụng loại dầm Super T, hiện tại đã được thiết kế lại, sử dụng dầm bản rỗng bảo đảm gọn nhẹ, thanh mảnh, đáp ứng yêu cầu mỹ thuật.

Ðiểm đáng chú ý khác là gầm cầu cạn đã khai thác trước đây chỉ để trồng cỏ, làm dải phân cách thì tới đây sau khi hoàn thành, đoạn từ Mai Dịch tới Nam Thăng Long sẽ được tận dụng làm đường đô thị, bố trí hai đến ba làn xe con và xe buýt lưu thông, nhằm phát huy hiệu quả giao thông và tránh lãng phí quỹ đất.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá, từ khi công trình khởi công, Bộ thường xuyên giám sát, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực thi công liên tục tại các phần mặt bằng đã tiếp nhận. Tiến độ thi công đang bảo đảm kế hoạch, tuy dự án này mặt bằng giải tỏa nhanh, thuận lợi hơn nhiều dự án giao thông khác trên địa bàn Thủ đô, nhưng so yêu cầu thì tiến độ vẫn chậm.

Theo hợp đồng đã ký, dự án sẽ hoàn thành sau 28 tháng thi công (dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2020) với điều kiện mặt bằng được bàn giao đúng hạn. Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Ðồng và các nút giao thông lân cận, kết nối trục giao thông quan trọng của Hà Nội với các địa phương khác.

Bài và ảnh: MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/38060202-%C3%B0ong-bo-truc-giao-thong-huyet-mach-cua-thu-do.html