Ðồng bộ các giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới

Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Quá trình phát triển, nhất là trong thời đại 4.0 thì chất lượng dân số là yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: PV

Cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: PV

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới đã xác định: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết số 21-NQ/TW (Nghị quyết 21) nêu ra 6 mục tiêu, đó là: Duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số "vàng"; thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư; nâng cao chất lượng dân số.

Thành tựu đạt được và duy trì mức sinh thay thế của nước ta trong nhiều năm nay rất khả quan. Tuy nhiên, thách thức hiện tại, là sự chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng. Nếu như mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Ðông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức "hai con" thì khu vực Tây Nguyên, miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, xây dựng các giải pháp phù hợp từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước là yêu cầu, cũng là thách thức lớn.

Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận vào năm 2006, khi cứ 100 cháu gái được sinh ra thì tương ứng có tới 110 cháu trai. Sự mất cân bằng đang tăng lên. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ 21, dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành, nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ tập trung ở một số khu vực mà điển hình là vùng Đồng bằng sông Hồng và đã sớm được quan tâm, chú ý đề cập trong chính sách, pháp luật để điều chỉnh.

Cơ cấu dân số "vàng" là khi số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 (độ tuổi lao động) nhiều gấp hai lần tổng số người dưới 15 tuổi (phụ thuộc trẻ) và số người từ 65 tuổi trở lên (phụ thuộc già). Nói khác đi, một dân số có cơ cấu vàng, khi tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm 66% tổng dân số trở lên. Năm 2007, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở nước ta đạt 66% (bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng") và hiện nay, tỷ lệ này rất cao, tới xấp xỉ 70%. Ðây là dư lợi rất lớn, mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số "vàng" không khai thác thì sẽ mất (dự kiến vào khoảng năm 2040). Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Năm 2011, số dân từ 60 tuổi trở lên của nước ta chiếm 10% dân số, nghĩa là cũng chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có "dân số già" vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20% số dân. Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với một nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua nhiều năm chiến tranh và nghèo khó nên già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề như: An sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe… Vì vậy, "thích ứng với già hóa dân số" là một thách thức lớn hiện nay.

ThS Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế).

Quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động, nhưng cũng đẩy nhanh quá trình tập trung dân số với mật độ rất cao, điều này dẫn tới ách tắc giao thông, quá tải trường học, bệnh viện, ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, mật độ dân số quá cao khiến cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, chậm chạp và đắt đỏ. Ngược lại, những địa phương xuất cư mạnh cũng có những thách thức về chăm sóc người già, trẻ em và cả những thách thức về sử dụng không hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, xã hội đã có. Rõ ràng, tạo điều kiện thông thoáng cho dòng di cư diễn ra trôi chảy, đồng thời định hướng, điều hòa để phân bố dân số hợp lý trên phương diện kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vừa là yêu cầu, vừa là thách thức hiện nay. Bên cạnh đó, những biến đổi dân số diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng cho nên cần xây dựng hệ thống thông tin quản lý dân cư phù hợp, linh hoạt, cập nhật và chính xác.

Ðể thực hiện thành công Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đã xác định trong nghị quyết. Trước tiên, cần tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết 21. "Tình hình mới" của công tác dân số không chỉ ở Trung ương mà còn ở từng địa phương; không chỉ là những xu hướng mới của dân số mà còn là điều kiện mới về kinh tế - xã hội, pháp luật, kỹ thuật... Ðặc biệt, cần nắm chắc hệ thống 6 mục tiêu tổng quát và 23 chỉ tiêu cụ thể của chính sách dân số mới. Những mục tiêu này bao trùm cả quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số. Ðáng chú ý, tình hình dân số, đặc điểm kinh tế - xã hội ở các vùng, các tỉnh có nhiều điểm khác nhau, cho nên mỗi địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện mục tiêu và vận dụng sáng tạo các giải pháp mà Nghị quyết 21 đề ra.

Công tác dân số trong tình hình mới được khởi đầu với việc thay đổi lớn về tổ chức bộ máy. Ðó là việc sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGÐ quận, huyện vào Trung tâm y tế đa chức năng. Ðiều này gây nên tư tưởng dao động, không yên tâm công tác của nhiều cán bộ dân số tuyến quận, huyện. Vì vậy, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ dân số các cấp, ở những địa phương đã tiến hành sáp nhập; cần sớm ổn định tổ chức, chú trọng khai thác những điểm mạnh, điểm hợp lý của mô hình này để công việc bớt khâu trung gian, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn. Những địa phương chưa hợp nhất cần cân nhắc kỹ để lựa chọn thời điểm hợp nhất, bảo đảm hiệu quả cao nhất cho việc thực hiện chính sách dân số mới. Mặt khác, chuyển trọng tâm chính sách dân số "từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển" đòi hỏi công tác dân số phải cập nhật, tính đến các yếu tố "phát triển". Ngược lại, các kế hoạch phát triển cũng cần tính đến sự biến đổi nhanh về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Với kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ làm công tác Dân số, nhất là 25 năm thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, chúng ta tin tưởng rằng, Nghị quyết số 21 sẽ được thực hiện thắng lợi góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Quá trình phát triển, nhất là trong thời đại 4.0 thì chất lượng dân số là yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng dân số của nước ta không ngừng được nâng lên, chỉ số phát triển con người đã tăng từ 0,486 năm 1992 lên 0,683 vào năm 2016. Tuy nhiên, so với thế giới, thứ hạng vẫn còn thấp, chưa bao giờ Việt Nam lọt vào tốp 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới; trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Ðiều này cho thấy những thách thức trong việc đạt mục tiêu "nâng cao chất lượng dân số".

ThS Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ong-bo-cac-giai-phap-thuc-hien-cong-tac-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-172211225082920054.htm