Ông Biden: 'Nước Mỹ đã trở lại'

Trong phát biểu quan trọng đầu tiên với cộng đồng quốc tế, tổng thống Mỹ cho thấy rõ sự tương phản với người tiền nhiệm Donald Trump, chỉ ra các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra cam kết về sự ủng hộ "không thể lay chuyển" của Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương, trong những gì ông mô tả là cuộc đấu tranh mang tính định hình thời đại để bảo vệ nền dân chủ.

Ông đã ra mắt sân khấu thế giới với vai trò mới hôm 19/2, phát biểu trong hội nghị của G7 và sau đó là Hội nghị An ninh Munich. Cả hai đều diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Dù cái tên Donald Trump không được nhắc đến, hầu như mọi câu trong phát biểu của ông Biden tại hội nghị Munich đều được đóng khung bởi cách tân tổng thống Mỹ sẽ đảo ngược các chính sách và cách tiếp cận của người tiền nhiệm, theo Guardian.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

"Nước Mỹ đã trở lại"

"Tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại", ông Biden nói từ Nhà Trắng, trong hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Biden cho rằng Mỹ sẽ phải nỗ lực để giành lại sự tin tưởng của các đồng minh nếu muốn tiếp tục vị trí lãnh đạo. Ông đồng thời liệt kê toàn bộ những bước đi cụ thể mà ông đang thực hiện để khắc phục nhiều bất cập trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Đáp lại phát biểu quan trọng đầu tiên của ông Biden với cộng đồng quốc tế về chính sách đối ngoại, bà Markel hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại "chủ nghĩa đa phương" sau bốn năm hỗn loạn thời cựu Tổng thống Trump, theo AFP.

Ông Biden lưu ý rằng Mỹ chính thức quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris hôm 19/2 và ngày hôm trước, Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng tái tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân đa phương với Iran, do EU chủ trì. Cả hai động thái đều đảo ngược chính sách của ông Trump.

Tương tự, Mỹ cũng quay lại Tổ chức Y tế Thế giới, và ông Biden nói rõ rằng ông đang khẩn trương chi tiền cho cuộc chiến tập thể chống lại Covid-19. Ông đã công bố 4 tỷ USD hỗ trợ mới cho chương trình cung cấp vaccine toàn cầu Covax.

Trong phát biểu của mình, ông Macron cho rằng chỉ cung cấp tiền là chưa đủ. Ông nói phương Tây phải cung cấp vaccine cho châu Phi, nếu không người dân châu Phi sẽ sử dụng tiền của phương Tây để mua vaccine của Nga và Trung Quốc, khiến ảnh hưởng của phương Tây biến thành "một khái niệm chứ không phải thực tế".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Reuters.

Sau vụ bạo loạn ở Washington, trong đó những người ủng hộ ông Trump đã cố gắng dùng vũ lực để lật ngược kết quả bầu cử Mỹ, ông Biden cho biết ông và các lãnh đạo châu Âu không thể coi dân chủ là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu.

"Ở rất nhiều nơi, bao gồm cả châu Âu và Mỹ, tiến trình dân chủ đang bị tấn công", ông Biden nói, theo Guardian. "Các nhà sử học sẽ xem xét và viết về thời điểm này như một điểm uốn và tôi hoàn toàn tin rằng nền dân chủ sẽ và phải thắng thế".

"Dân chủ không xảy ra một cách tình cờ. Chúng ta phải bảo vệ nó, chiến đấu cho nó, củng cố nó, làm mới nó", tổng thống Mỹ nói.

Mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc

Ông Biden nói ông không muốn đưa thế giới quay lại thời Chiến tranh Lạnh, nhưng việc hồi sinh của liên minh Đại Tây Dương là cần thiết để đối phó thác thức từ Nga và Trung Quốc.

Những lời lẽ đanh thép của ông về Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự ủng hộ đối với Ukraine đã đánh dấu sự tương phản rõ rệt với ông Trump, người đã luôn tránh chỉ trích trực tiếp ông Putin, trong khi lại gây sức ép với chính phủ Kiev.

Nhà Trắng cũng cho biết ông Biden đã gạt bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm về việc tái lập G8 - nhóm trở thành G7 vì Nga bị trục xuất sau vụ sáp nhập Crimea.

Bà Merkel tán thành lời kêu gọi của ông Biden về lập trường thống nhất đối với Nga, kêu gọi xây dựng "chương trình nghị sự chung" mang lại cơ hội đối thoại và thừa nhận những khác biệt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong hội nghị trực tuyến. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, tiếp tục chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm với Bắc Kinh, ông Biden kêu gọi các đồng minh của Mỹ đứng lên chống lại "sự lạm dụng và cưỡng bức kinh tế của chính phủ Trung Quốc".

Jens Stoltenberg, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng tình với những quan ngại của ông Biden.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một vấn đề rất quan trọng đối với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, với những hậu quả tiềm tàng cho an ninh, sự thịnh vượng và lối sống của chúng ta", ông nói, theo AFP.

"Đó là lý do tại sao NATO nên làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng ta với các đối tác thân thiết, như Australia và Nhật Bản, đồng thời tạo ra những liên minh mới trên toàn thế giới".

Trong phát biểu tại hội nghị Munich, ông Biden cũng tập trung vào việc củng cố NATO, liên minh mà ông Trump đã ngờ vực và thường xuyên miêu tả đây là trò lừa đảo của châu Âu để khiến Mỹ phải trả tiền cho việc bảo vệ họ.

Người tiền nhiệm của Biden đã đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ một số quốc gia thành viên nhỏ hơn, gây nghi ngờ về nguyên tắc phòng thủ tập thể được gói gọn trong điều 5 của hiệp ước thành lập NATO. Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông, John Bolton, đã dự đoán Mỹ có thể rời NATO nếu ông Trump tái đắc cử.

"Mỹ sẽ trung thành với Điều 5", ông Biden nói. "Đó là sự đảm bảo rằng nếu một nước bị tấn công, chúng ta sẽ coi như tất cả bị tấn công. Đó là lời thề không gì có thể lay chuyển của chúng ta".

Ông xác nhận ông đã hủy bỏ mệnh lệnh của ông Trump vào năm ngoái về việc cắt giảm quân số của Mỹ tại Đức. Tổng thống Mỹ đưa ra lệnh này mà không tham khảo ý kiến của Berlin, được cho là vì ông Trump bực tức với bà Merkel sau khi bà tỏ ý không muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mà ông muốn tổ chức trong thời gian đại dịch.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-biden-nuoc-my-da-tro-lai-post1185456.html