Ông Biden làm 'động tác giả' ở Iran?

Ngay cả phát đi tín hiệu sẵn sàng nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Biden vẫn sẽ rất khó để đạt được thành quả thời Obama.

Theo Reuters, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden ngày 28/1 đã chỉ định ông Robert Malley, một cựu cố vấn hàng đầu của chính quyền Obama, làm Đặc phái viên Mỹ về Iran.

Ông Robert Malley sẽ làm Đặc phái viên Mỹ về Iran

Ông Malley là thành viên chủ chốt trong đội ngũ của cựu Tổng thống Barack Obama về đàm phán Thỏa thuận hạt nhân với Iran và các cường quốc thế giới, một thỏa thuận mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đưa Mỹ rời khỏi vào năm 2018 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh châu Âu của Washington.

Tín hiệu nhân sự mới cho phép chính quyền ông Joe Biden phát đi thông điệp hòa nhã hơn so với người tiền nhiệm, mở ra khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, ngay cả với bước đi đầy thiện chí cho thấy sự sẵn sàng của chính quyền mới nhằm "sửa sai" quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden sẽ không dễ đạt được mục đích.

Mới đây, truyền hình nhà nước Iran ngày 28/1 đưa tin nước này đã vượt mục tiêu sản xuất 17 kg uranium làm giàu ở mức 20% trong vòng 1 tháng, qua đó đưa chương trình hạt nhân của Tehran đến gần hơn tới cấp độ có thể sản xuất vũ khí.

Chủ tịch Quốc hội Iran - ông Mohammad Bagher Qalibaf cho biết trong vòng chưa đầy một tháng, các nhà khoa học nước này đã vượt mục tiêu sản xuất 17 kg urani được làm giàu ở mức 20%.

Trước đó, Iran tuyên bố sẽ sản xuất 120 kg urani làm giàu ở mức 20% mỗi năm, tương đương với 12 kg/tháng. Vì vậy, sản lượng trên đã vượt quá mục tiêu mà Tehran đề ra.

Theo các chuyên gia, khoảng 250 kg urani được làm giàu ở mức 20% có thể chuyển thành 25 kg urani độ tinh khiết 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Bước phát triển trên đưa Iran tiến gần hơn tới giới hạn các hoạt động sử dụng hạt nhân vì mục đích dân sự, trong khi Iran lâu nay bác bỏ điều này.

Bên cạnh đó, các nguồn tin cho thấy Iran cũng đã chuẩn bị loạt điều kiện giành cho chính quyền ông Biden trước khi ngồi đàm phán cho một thỏa thuận hạt nhân.

Theo Sputnik, yêu cầu thứ nhất là Iran muốn được dỡ cấm vận kinh tế hoàn toàn trước khi nước này quay trở lại JCPOA.

Yêu cầu thứ hai là mọi bất đồng về việc thực thi thỏa thuận phải được đàm phán thông qua các cơ chế đã thiết lập sẵn, không đàm phán riêng. Một trong những vấn đề phía Tehran kỳ vọng được đối thoại sòng phẳng là việc Washington bồi thường những thiệt hại về kinh tế gây ra cho Iran trong thời gian chính quyền ông Trump rời bỏ thỏa thuận và cấm vận nước này.

Thứ ba, Iran không chấp nhận sử dụng các điều khoản trong JCPOA để giải quyết các vấn đề không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận, như việc lợi dụng đàm phán JCPOA để quay sang bàn thêm về chương trình tên lửa hay các hoạt động quân sự của nước này.

Thứ tư, ngoài những nước đã từng ký tên vào JCPOA năm 2015 (gồm Liên minh châu Âu, Đức, Iran, Mỹ và các thành viên thường trực khác thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) thì không thêm bất kỳ thành viên mới nào khác.

Thứ năm, Iran không đông trao đổi các vấn đề liên quan tới an ninh chính trị khu vực xung quanh khi đang đàm phán về JCPOA. Dù vậy, các vấn đề như thiết lập các biện pháp kiểm soát vũ khí cấp khu vực với sự giám sát của Liên Hợp Quốc hoặc các vấn đề có liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Israel có thể được cân nhắc là ngoại lệ.

Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine, yêu cầu Liên Hợp Quốc tổ chức trưng cầu có đại diện của cả người dân hai bên về vấn đề này. Dù vậy, việc trưng cầu sẽ tổ chức ra sao thì phía Iran không nói rõ.

Với các tuyên bố như vậy, chính quyền ông Biden sẽ càng gặp khó hơn trong cách tiếp cận đàm phán để đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân như năm 2015.

Ông Robert Malley và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong lần đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Cho đến nay, chính quyền ông Biden vẫn luôn phát đi tín hiệu yêu cầu phía Tehran thực hiện trước các vấn đề đã được đặt ra trong thỏa thuận đồng thời bác bỏ khả năng Mỹ sẽ hành động trước. Nếu không thay đổi hướng tiếp cận này, ông Biden sẽ không thể giải quyết được bài toán Iran.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-biden-lam-dong-tac-gia-o-iran-3426789/