Ông Biden gây sức ép lên thái tử quyền lực của Saudi Arabia

Chính phủ Tổng thống Joe Biden muốn Saudi Arabia thay đổi cách tiếp cận với Washington, gửi tín hiệu cho thấy Mỹ muốn giữ khoảng cách với vị thái tử gây nhiều tranh cãi.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuần này thông báo Tổng thống Joe Biden dự định "điều chỉnh lại" quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Tân tổng thống Mỹ xem nhà vua Salman là người đồng cấp thật sự, chứ không phải thái tử Mohammed bin Salman, theo Guardian.

Trong vài năm qua, vị thái tử 35 tuổi của Saudi Arabia được xem là người nắm giữ quyền lực thực tế và duy trì quan hệ ngoại giao trực tiếp với lãnh đạo các nước.

Việc chính phủ của ông Biden đề nghị Saudi Arabia "thay đổi cách tiếp cận" với Mỹ cho thấy Washington muốn hạn chế mọi mối liên hệ trực tiếp giữa tổng thống với vị thái tử gây nhiều tranh cãi.

Lập trường này khác hẳn sách lược quan hệ với Saudi Arabia thời Tổng thống Donald Trump. Người tiền nhiệm của ông Biden từng dành nhiều sự quan tâm và ưu ái cho thái tử trong vài năm qua.

 Thái tử Mohammed bin Salman là nhân vật gây nhiều tranh cãi khi mạnh tay trấn áp những người bất đồng ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP.

Thái tử Mohammed bin Salman là nhân vật gây nhiều tranh cãi khi mạnh tay trấn áp những người bất đồng ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP.

Tín hiệu điều chỉnh quan hệ được phát đi giữa giai đoạn cơ quan tình báo Mỹ chuẩn bị công khai báo cáo về trách nhiệm của vị thái tử trong vụ ám sát Jamal Khashoggi - nhà báo của Washington Post bị một số nhân viên chính phủ Saudi Arabia giết hại vào năm 2018.

Theo giới quan sát, những tuyên bố từ bà Psaki vẫn có khả năng chỉ mang tính tượng trưng.

Mặt khác, đây cũng có thể là sự thay đổi chính sách nhằm tạo thêm sức ép lên tiến trình kế thừa ngôi vua tại Saudi Arabia, tìm cách buộc nhà vua Salman chọn một người kế vị khác thay cho thái tử Mohammed.

Phản hồi về nghi vấn trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ khẳng định Saudi Arabia luôn là đối tác then chốt trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước cần "tôn trọng các giá trị và lợi ích mà Mỹ mang đến".

"Nhân dân Mỹ kỳ vọng chính sách Mỹ đối với mối quan hệ đối tác chiến lược cùng Saudi Arabia sẽ ưu tiên nền pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền. Mỹ sẽ hợp tác với Saudi Arabia ở những vấn đề mà ưu tiên của hai nước cùng chung chí hướng, và sẽ không ngại bảo vệ lợi ích cùng giá trị của Mỹ", người phát ngôn khẳng định.

"Tổng thống Biden cũng muốn lắng nghe cách Saudi Arabia dự định thay đổi cách tiếp cận để làm việc cùng chính phủ mới. Chúng tôi mong chờ những cuộc đối thoại này nhằm định hình tương lai quan hệ giữa hai nước", người này nhấn mạnh.

Theo Bruce Riedel, cựu chuyên viên phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Tổng thống Biden rõ ràng đang gửi tín hiệu đến hoàng gia Saudi rằng khi nào vị thái tử 35 tuổi còn là người kế vị ngai vàng thì Saudi Arabia sẽ chịu cách đối xử đặc biệt.

"Kịch bản tốt nhất là Saudi Arabia loại ông ấy. Vị thái tử vẫn có thể về hưu tại dinh thự ở Pháp", Riedel chia sẻ.

Trong bài phát biểu đầu tiền của Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại, tân lãnh đạo Mỹ cũng cam kết chấm dứt hỗ trợ cho chiến dịch quân sự Saudi Arabia đang dẫn dắt tại Yemen.

Mỹ cũng kết thúc bán vũ khí có khả năng tấn công cho nước này. Dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Bliken lưu ý Washington vẫn "duy trì cam kết củng cố năng lực phòng thủ cho Saudi Arabia".

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-biden-gay-suc-ep-len-thai-tu-quyen-luc-cua-saudi-arabia-post1184754.html