Ông Biden đối phó Trung Quốc trên mặt trận công nghệ như thế nào?

Cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc bùng lên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhưng chính quyền mới của ông Joe Biden có thể đối phó Bắc Kinh theo cách khác.

Tháng 1 tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ phải "gỡ rối", thậm chí xóa bỏ, một loạt chính sách thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm của ông Trump. Theo South China Morning Post, Washington cần phát triển kế hoạch để đối phó với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn.

Bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dạy cho Bắc Kinh bài học về sự tự lực. Đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies bị chặn nguồn cung công nghệ từ Mỹ. Các công ty viễn thông Trung Quốc cũng không được tham gia thị trường Mỹ.

Dưới thời ông Trump, Bộ Tài chính hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Bộ Thương mại cấm một số doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh tại Mỹ. Bộ Quốc phòng lập danh sách đen những công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội. Bộ Ngoại giao khởi động chương trình Clean Network (Mạng sạch) để xóa bỏ ứng dụng và mạng do doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu.

Để đối phó, Trung Quốc tuyên bố sẽ nâng cao năng lực công nghệ. Hồi tháng 5, lãnh đạo Trung Quốc cam kết chi 1.400 tỷ USD trong vòng 6 năm để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mạng 5G và trí tuệ nhân tạo.

 Huawei Technologies lao đao vì các lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Huawei Technologies lao đao vì các lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Lập trường cứng rắn

"Đại dịch Covid-19 và việc chính quyền ông Trump hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải thực hiện những chính sách đổi mới trong nước", South China Morning Post dẫn lời ông Naomi Wilson, Giám đốc cấp cao về châu Á tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, nhận định.

"Chính quyền ông Biden đồng tình với ông Trump về việc đâu là vấn đề chính. Nhưng chiến thuật sẽ khác", ông Wilson nói. "Tôi cho rằng ông Biden có cách tiếp cận phù hợp hơn. Kế hoạch được thúc đẩy bằng các quy trình chính sách bài bản, cùng với sự phối hợp và tham vấn từ những bên liên quan khác", ông nhận định.

Theo chuyên gia Wilson, giọng điệu của chính quyền ông Biden sẽ tích cực hơn, chính sách cũng không còn thất thường. Tuy nhiên, sự thay đổi về chính sách không diễn ra trong một sớm một chiều.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 4, ông Biden khẳng định lập trường của ông là cứng rắn với Trung Quốc. "Nếu tiếp tục, Trung Quốc sẽ còn cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và doanh nghiệp Mỹ", cựu phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

"Chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho doanh nghiệp này nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng, đẩy mạnh việc thống trị công nghệ và các ngành công nghiệp tương lai", ông cảnh báo.

Tổng thống đắc cử Joe Biden khẳng định lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong một số lĩnh vực, chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ tiếp nối các chính sách của ông Trump. Chúng bao gồm tăng cường kiểm soát những khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài sản công nghệ Mỹ, chấm dứt hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, thúc đẩy Trung Quốc san bằng sân chơi nội địa thông qua cải cách cơ cấu.

Theo giới phân tích, các chính sách sẽ tập trung vào những lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chất bán dẫn. Mục đích là đảm bảo Mỹ duy trì hoặc giành lại vị thế dẫn đầu thông qua đẩy mạnh tài trợ liên bang đối với nghiên cứu và phát triển.

Chính quyền ông Biden cũng sẽ tiếp tục loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi các mạng viễn thông Mỹ, cùng với đó là tập trung tìm kiếm những giải pháp thay thế với các đồng minh.

Kết hợp chặt chẽ với đồng minh

Ông Biden nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để đối phó với Bắc Kinh là tạo "mặt trận thống nhất" với các đồng minh. "Khi cộng hưởng với các quốc gia khác, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc không thể làm ngơ hơn 50% kinh tế toàn cầu", ông khẳng định.

Các đồng minh đã bị gạt sang một bên dưới chính quyền Tổng thống Trump với ý tưởng “Nước Mỹ trên hết”. Ngoài nỗ lực tẩy chay Huawei cùng Anh, Australia, New Zealand và Nhật Bản, hầu hết hành động của chính phủ Mỹ đều được thực hiện đơn phương.

Dưới thời ông Trump, quan hệ với các đồng minh trở nên căng thẳng. Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế và áp thuế lên hàng hóa của hàng loạt đối tác thương mại như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

"Tổng thống đắc cử Biden rất nổi tiếng và được tôn trọng trong giới lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, các động thái tiêu cực dưới chính quyền ông Trump đối với các đồng minh vẫn khó có thể đảo ngược", ông Wilson nhận định. Ngoài ra, ông Biden có thể tiến hành tinh chỉnh chiến lược.

Chính quyền ông Trump chủ yếu viện dẫn lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ đưa công ty viễn thông Trung Quốc ZTE vào danh sách đen. Kể từ đó đến nay, hơn 450 công ty công nghệ Trung Quốc đã có tên trong danh sách. Những công ty này bị cấm hoạt động tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.

Chính quyền ông Trump chủ yếu viện dẫn lý do an ninh quốc gia để cấm cửa các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong một danh sách riêng tại Lầu Năm Góc, 31 công ty Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư từ Mỹ vì bị cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Tháng trước, một số nguồn tin cho biết chính quyền ông Trump chuẩn bị đưa ra lệnh hạn chế với 89 doanh nghiệp Trung Quốc khác do liên quan tới quân đội.

Hồi tháng 8, Tổng thống Trump ký hai lệnh hành pháp, dán nhãn TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent là mối đe dọa an ninh quốc gia. "Dù vậy, chính quyền ông Biden có thể không nhắm vào các công ty riêng lẻ như ông Trump", ông Paul Triolo, Trưởng bộ phận Chính sách Công nghệ Toàn cầu tại Tập đoàn Eurasia, nhận định.

Theo ông, Tổng thống đắc cử Biden có thể rút lại một số hạn chế "mơ hồ" và "chưa được suy nghĩ kỹ" của ông Trump. "Không loại trừ khả năng chính quyền ông Biden rút một vài sắc lệnh hành pháp, nhất là với WeChat và TikTok", ông Triolo nhận định.

Những động thái cuối của ông Trump

Trong những tuần cuối ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng tung một loạt quy định nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc. South China Morning Post gọi chúng là "những quy định vào phút chót".

"Chính quyền ông Trump không giỏi trong việc phối hợp tất cả lĩnh vực với nhau", chuyên gia Anja Manuel, Giám đốc Công ty Aspen Strategy (Washington), bình luận. "Đôi khi, Nhà Trắng đưa ra những lệnh hành pháp mà không phối hợp với bất cứ cơ quan nào", ông nói.

"Không phải mọi công nghệ đều là vấn đề an ninh quốc gia. Lĩnh vực công nghệ và an ninh quốc gia chỉ giao nhau ở một phần rất nhỏ. Tôi hy vọng rằng chính quyền ông Biden có thể nhận ra rằng danh mục công nghệ an ninh quốc gia là tương đối hẹp", ông Manuel bình luận.

Tổng thống Donald Trump có thể tung một loạt quy định nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc trước khi rời Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Theo truyền thống, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng sẽ tư vấn cho tổng thống về chính sách công nghệ và điều phối các mục tiêu liên ngành. Tuy nhiên, cơ quan này không có thẩm quyền buộc những cơ quan khác chịu trách nhiệm.

"Đó là lý do quý vị thấy Bộ Tài chính hành động khác với các sắc lệnh hành pháp, Bộ Thương mại hay nhà nước", ông Manuel giải thích. "Rất khó để làm đúng. Nhưng đấy là điều mà chính quyền mới của ông Biden cần cân nhắc cẩn thận", ông nói thêm.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-biden-doi-pho-trung-quoc-tren-mat-tran-cong-nghe-nhu-the-nao-post1159371.html