Ông Biden có đảo ngược chính sách tại Syria?

Theo trang UAWire, ông Biden có kế hoạch thay đổi chính sách của Tổng thống Donald Trump về không can thiệp trong cuộc xung đột Syria.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden (nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1) đã chỉ trích chính sách của ông Trump về việc rút binh sĩ khỏi Syria. Ông Biden gọi ông Trump là "tổng tư lệnh liều lĩnh nhất và kém cỏi nhất mà chúng tôi từng có".

Tổng thống đắc cử Biden nói rằng việc ông Trump từ chối ủng hộ các lực lượng chống chính phủ Syria đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này và trao cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) một thời cơ mới.

Lực lượng Mỹ tại Syria.

Lực lượng Mỹ tại Syria.

Ông Alexander Aksenenok – phó Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nói: "Với việc thay đổi của chính quyền Mỹ, đội quân của Mỹ ở Syria có thể được mở rộng và được trao các nhiệm vụ mới như ngăn chặn Nga và bảo vệ đồng minh người Kurd".

Tuy nhiên, ông Aksenenok cho rằng, chính sách của Washington tại Syria phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự phát triển mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng như liệu Mỹ có trở về bàn đàm phán với Iran hay không.

Những bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ với Tehran sẽ giúp Mỹ xích lại gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo khoảng cách với Israel và Saudi Arabia và ngược lại. Trong trường hợp này, có thể xảy ra leo thang ở phía nam Syria – nơi ảnh hưởng của Israel và Saudi Arabia rất mạnh và ở tây bắc, nơi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tham vọng, ông Aksenenok kết luận.

Để chuẩn bị cho kịch bản Mỹ thay đổi chính sách tại Syria có thể xảy ra sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, Nga đã có sự chuẩn bị của mình.

Trang UAWire cho biết, hôm 11/1, tàu đổ bộ lớn Saratov của Nga đã đi qua eo biển Bosphorus hướng về căn cứ hải quân Tartus của Nga tại Syria. Tàu Saratov đã đi vào biển Địa Trung Hải, nơi thường trú của hơn 10 tàu chiến và tàu hỗ trợ Nga.

Hồi cuối tháng 12/2020, tàu đổ bộ lớn Novocherkassk của Nga cũng đã đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Novocherkassk cùng với các tàu khác của Hạm đội Biển Đen cung cấp vũ khí và vật tư cho quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria.

Mỹ cũng có động thái tương tự khi dần tăng cường các nguồn cung vũ khí cho lực lượng đối lập Syria. Theo hãng thông tấn SANA, cuối tuần qua, một đoàn xe lớn của liên quân Mỹ với sự hỗ trợ của lực lượng trên không đã đến tây bắc Syria, mang theo hàng hóa quân sự và hậu cần cho căn cứ ở Deir ez-Zor.

Đoàn xe quân sự gồm 30 chiếc, chở theo vũ khí hạng nặng gồm súng, xe tăng chủ lực M1A1, xe chiến đấu và đến Syria thông qua chốt biên giới Al-Hasakah nằm trên biên giới với Iraq.

Giới học giả Nga cho rằng, nếu sự lo lắng của Nga về việc Mỹ thay đổi chính sách tại Syria thành sự thật, Mỹ có thể sa lầy vào một cuộc chiến chưa biết đến ngày kết thúc. Chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ ngày 11/9/2001 đã phát triển đến mức chính sách ngoại giao của Mỹ với thế giới là một loạt các cuộc chiến kéo dài triền miên mà không có dấu hiệu kết thúc.

Các biện pháp ép buộc chống lại ngay cả các cường quốc hạt nhân lớn, từ các cuộc phô trương quân sự cho đến sử dụng thường xuyên các biện pháp trừng phạt kinh tế, thậm chí chống lại cả các đồng minh của Mỹ.

Các chính sách hiện tại của Mỹ không chỉ thất bại trong các mục đích đã định sẵn mà còn làm suy giảm an ninh và làm phức tạp khả năng thịnh vượng của nước Mỹ. Hàng nghìn quân nhân Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người bị chấn thương tâm lý. Hơn 6 nghìn tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ đã bị lãng phí.

Và nếu quyết định cắt giảm và tiến tới rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Trump bị ông Biden đảo ngược sẽ khiến Mỹ tiếp tục lún sâu vào một cuộc chiến hao tiền tốn của và chưa biết ngày kết thúc.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-biden-co-dao-nguoc-chinh-sach-tai-syria-3426103/